Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - KINH TẾ

Thương chiến của Donald Trump : Tác hại không kém khủng hoảng tài chính 2008

Cuộc chiến thương mại do tổng thống Mỹ phát động khắp nơi  sẽ làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị thâm hụt 700 tỷ đô la từ nay đến năm 2020, tức là tương đương với GDP của Thụy Sĩ. Các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng nề. Trên đây là đánh giá của bà tân tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Kristalina Georgieva.

Tàu chở hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đến cảng Los Angeles ngày 14/09/2019.
Tàu chở hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đến cảng Los Angeles ngày 14/09/2019. Mark RALSTON / AFP
Quảng cáo

Phát biểu trong phiên họp mùa thu giữa Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới (WB) hôm qua tại Washington, lãnh đạo định chế tài chính quốc tế nhấn mạnh, giờ đây tăng trưởng kinh tế thế giới đang bị giảm tốc đồng bộ. Bà Kristalina Georgieva cho biết : « Năm 2019, gần 90% các nền kinh tế thế giới giảm tốc rõ rệt… tăng trưởng của cả thế giới trong năm nay sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu thập kỷ này ». Dự kiến, ngày 15/10 này, IMF sẽ công bố điều chỉnh dự báo tăng trưởng thế giới cho năm 2019 và 2020.

Nguyên nhân chính khiến kinh tế thế giới rơi vào tình trạng giảm tốc là do tổng thống Mỹ phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc từ một năm rưỡi qua nhằm buộc nước này chấm dứt cách làm ăn mà Washignton tố là « không trung thực ».

Cuộc đọ sức thương mại Mỹ -Trung diễn ra trên mặt trận thuế quan mỗi ngày thêm dữ dội. Hai bên đua nhau tung ra các đòn trừng phạt thuế đánh vào hàng trăm tỷ đô la hàng hóa của nhau. Những đòn đánh như vậy đã ảnh hưởng nặng vào hoạt động thương mại không chỉ của hai nước Mỹ-Trung mà còn đối với toàn thế giới. Bà Georgieva ghi nhận, « tăng trưởng buôn bán thế giới đang dừng lại ở số không ».

Ngoài Trung Quốc, chính quyền Trump còn dùng đòn thuế quan đe dọa nhiều đối tác, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu. Điều đó đã khiến lòng tin của các nhà đầu tư bị suy giảm. Những căng thẳng thương mại liên tục bùng phát không còn là nguy cơ nữa mà đã để lại « những vết tích » cụ thể, lãnh đạo IMF nhấn mạnh.

Thu nhập bình quân GDP toàn thế giới từ nay đến năm 2020 có thể bị thâm hụt 0,8%, tức là tương đương với khối lượng thu nhập quốc gia của Thụy Sĩ, một nước giàu có hàng đầu thế giới.

Bên cạnh thương mại, cuộc chia tay đầy khó khăn của nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu, chuyện nợ nần của các công ty cũng là những mối đe dọa không thể xem thường đối với nền kinh tế thế giới.

Theo đánh giá của các chuyên gia IMF, tại một số nước, các công ty lợi dụng lãi suất vay thấp để đáo nợ, kiếm nguồn tiền cho các thương vụ mua bán, thôn tính sáp nhập nhiều hơn là vay để đầu tư.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cảnh báo : Nếu tăng trưởng giảm mạnh, nguy cơ nợ của các doanh nghiệp mất khả năng chi trả có thể lên tới 19 nghìn tỷ đô la, tức là chiếm tới 40% tổng số nợ của 8 nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Đức, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Ý, Nhật, Anh và Ý. Đáng lưu ý là con số trên còn cao hơn cả thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008.

Nước nghèo bị tác động lớn hơn

Trong một góc nhìn khác, bà Pinelopi Koujianou Golberg, kinh tế gia trưởng của Ngân Hàng Thế Giới, ghi nhận : Cuộc xung đột thương mại đang tác động tiêu cực đối với sự phát triển của các nền kinh tế đang trỗi dậy, hoặc những nước đang phát triển.

Nhà kinh tế của WB giải thích, các căng thẳng thương mại làm gia tăng bất ổn, giảm nhịp độ đầu tư. Trong khi các nước nghèo không có được nguồn vốn riêng vẫn phải trông chờ chủ yếu vào đầu tư nước ngoài để phát triển. Tình trạng giảm các nguồn đầu tư nước ngoài vào các nước đang phát triển hiện là vấn đề nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008, bà Koujjianou Golberg nhấn mạnh.

Theo kinh tế gia trưởng của Ngân Hàng Thế Giới, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì các nước đang phát triển sẽ không bao giờ thoát ra khỏi nghèo khó. Tồi tệ hơn nữa, những nước vừa thoát nghèo thành nước có thu nhập trung bình thì nay lại có nguy cơ rơi trở lại dưới ngưỡng nghèo. Nhiều nhà kinh tế đã đánh giá thấp tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khởi phát từ năm 2018. Họ vẫn nghĩ căng thẳng thương mại chỉ là hiện tượng thoảng qua rồi sẽ nhanh chóng kết thúc. Trong khi các căng thẳng này đã bùng lên thành cuộc thương chiến thực sự và kéo dài không biết bao giờ kết thúc.

Trong báo cáo đưa ra hôm qua, Ngân Hàng Thế Giới ghi nhận cuộc chiến thương mại còn gây ra các hậu quả nặng nề đối với tăng trưởng kinh tế và làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo trên hành tinh. Theo tính toán của WB, « hơn 30 triệu người có thể rơi vào tình trạng nghèo đói và thu nhập của thế giới có thể giảm mất 1400 tỷ đô la ».

Theo Ngân Hàng Thế Giới, mọi nước đều có thể hưởng lợi từ việc thúc đẩy cải cách để phát triển thương mại quốc tế.

Trong một ghi nhận tích cực, WB khen ngợi các nước như Việt Nam hay Bangladesh đã có những tiến bộ cố gắng thoát ra khỏi nền kinh tế bó hẹp trong hoạt động sản xuất dệt may. Để làm được điều này, các nước phải đầu tư mạnh hơn vào nguồn nhân lực vì không thể nào chế tạo các sản phẩm hiện đại, tinh vi mà không có nguồn nhân lực lành nghề. Đồng thời, các nước phải đầu tư vào nghiên cứu phát triển và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Được AFP hỏi về tác động tiêu cực của thương mại đối với môi trường, kinh tế gia trưởng Koujianou Golberg thừa nhận thương mại cũng góp phần làm tăng phát thải khí dioxyde carbone (CO2) qua hoạt động vận tải hàng hóa, rác thải, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và chất dẻo bao gói hàng hóa. Tuy nhiên vấn đề này không được chú trọng nhiều ở những nước đang phát triển vì còn tập trung vào thoát nghèo.

Bà Koujianou Golberg kết luận trong vấn đề bảo vệ môi trường, các nước tiên tiến, giàu có hơn phải có trách nhiệm tìm ra các sáng kiến rồi mới đề nghị các nước đang phát triển làm theo mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.