Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - MÔI TRƯỜNG

Bảo vệ môi sinh : Trồng rừng mới không phải là ‘‘phép mầu’’ !

Trồng lại rừng mới để bù lại diện tích rừng đã bị phá hủy đang ngày càng trở thành một xu hướng thu hút các nỗ lực bảo vệ môi trường quốc tế. Trồng rừng để bảo vệ môi trường, hấp thu khí thải gây hiệu ứng nhà kính là ý thức rất đáng quý (1). Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhà sinh thái, đây hoàn toàn không phải là một « phép mầu » cho phép khắc phục được các thiệt hại môi trường ghê gớm do nạn phá rừng.

Nông dân phá một khu rừng Amazon để lấy đất canh tác, gần Porto Velho, Brazil, ngày 29/08/2019
Nông dân phá một khu rừng Amazon để lấy đất canh tác, gần Porto Velho, Brazil, ngày 29/08/2019 REUTERS/Ricardo Moraes
Quảng cáo

Rừng Amazon, khu rừng nguyên sinh lớn nhất thế giới, tiếp tục bốc cháy trên quy mô ngày càng lớn, kể từ đầu năm đến nay. Brazil – quốc gia quản lý khoảng 60% diện tích khu rừng – bị lên án đã không có biện pháp tương thích để ngăn chặn nạn cháy rừng, phá rừng cho trồng trọt và chăn nuôi, bất chấp nhiều báo động của cộng đồng quốc tế.

Thêm tài trợ là tin vui, vấn đề là dùng tiền thế nào

Bên lề cuộc Thượng đỉnh đặc biệt về Khí hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại New York hôm qua, 23/09/2019, tổng cộng khoảng 500 triệu đô la đã được cộng đồng quốc tế cam kết huy động để bảo vệ các khu rừng nhiệt đới, trong đó có rừng Amazon, Pháp hứa sẽ đóng góp 100 triệu đô la. Trồng rừng được coi là một trong các biện pháp chủ yếu để « bảo vệ rừng ».

Về dự kiến trồng rừng mới để khắc phục các thiệt hại cho phá rừng, trả lời RFI, ông Stéphane Hallaire, chủ tịch và người sáng lập Hiệp hội trồng rừng Reforets'Action, nhận định:

« Về việc tài trợ cho trồng lại rừng, đặc biệt ở các khu vực xích đạo và nhiệt đới, đây là một tin vui. Nhưng ý nghĩa của chuyện này hoàn toàn phụ thuộc vào việc người ta sẽ làm gì với khoản tiền 100 triệu nói trên. Nếu chỉ để trồng lại rừng với một thứ cây duy nhất, tại các vùng bị mất rừng, thì đây là một kế hoạch tồi, vì việc này sẽ khiến đất đai bị thoái hóa nhiều hơn.

Điều mà chúng tôi mong muốn là việc trồng lại rừng cần được tiến hành một cách bài bản, chuyên nghiệp. Không phải tiến hành trong bối cảnh để lấp đầy chỗ trống của các khu rừng đã bị phá hủy.

Như vậy, rõ ràng là phải nói đến chuyện chống nạn phá rừng, trước khi nói đến việc trồng lại rừng. Mà trong chuyện này, tất cả mọi người đều có trách nhiệm, trong đó có nước Pháp.

Tại sao lại có nạn phá rừng ? Cụ thể như rừng Amazon ở Brazil, Peru... Bởi vì người ta đốn hạ cây cối là để có đất làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, và các sản phẩm này được bán ra khắp thế giới. Ứng xử có trách nhiệm trước tiên của người muốn bảo vệ môi sinh là cần chú ý đến các món ăn chúng ta tiêu thụ, bảo đảm để làm sao các thực phẩm đó không do việc phá rừng mà ra ! »

Cấp tốc trồng rừng mới : Giải pháp dễ dãi

Hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, một thông báo của Ethiopia gây chấn động quốc tế. Chính quyền quốc gia miền đông châu Phi này tuyên bố, chỉ trong một ngày toàn quốc trồng được 350 triệu cây xanh, phá kỷ lục trước đó 50 triệu cây, của tiểu bang Ấn Độ Uttar Pradesh. Theo chính quyền Ethiopia, kể từ tháng 5 đến thời điểm đó, đã trồng được khoảng 3 tỉ cây. Ethiopia hiện chỉ còn khoảng 4% diện tích quốc gia có rừng, so với gần nửa diện tích đất nước cách đây một thế kỷ. Trồng lại rừng nhanh chóng để đối phó với nạn đất đai suy thoái, khí hậu bị hâm nóng… – đối với Ethiopia và nhiều quốc gia khác – là một đòi hỏi khẩn cấp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ về hiệu quả của giải pháp tương đối dễ dãi này, cũng như việc kế hoạch phủ xanh cấp tốc của chính quyền Ethiopia dường như đang chạy theo số lượng, hơn là một lộ trình bài bản, dựa trên các hiểu biết thực sự về nghề trồng rừng.

Phá rừng, đốt rừng, khai thác gỗ cạn kiệt, để rồi trồng mới, với hy vọng vãn hồi thực sự các thiệt hại : Cách suy nghĩ này, biện pháp này ngày càng bị chỉ trích là ảo tưởng.

Theo giới chuyên gia về sinh thái, vấn đề cơ bản khiến trồng rừng mới không thể thay thế ngay được các khu rừng, có tuổi thọ hàng trăm năm, đó là : rừng không chỉ gồm một số loại cây (dễ dàng trồng mới), mà là cả một hệ sinh thái vô cùng phức tạp, đặc biệt là những khu vực như rừng nguyên sinh Amazon. Trên mỗi hecta rừng, có ít nhất 300 loài thực vật cùng tồn tại. Toàn bộ rừng Amazon chiếm đến ước tính khoảng một phần tư các giống loài động thực vật trên Trái đất.

Phát hiện ra « mạng internet » của rừng già

Nói một cách khác, kể cả các dự án trồng rừng quy mô nhất cũng không thể nào tái tạo lại được các hệ sinh thái phức tạp chỉ trong vòng một vài năm. Theo một số ước tính, tại Amazon, thiên nhiên phải cần đến từ 60 đến 100 năm mới có thể tái tạo được phần nào một hệ sinh thái đã mất. Mà tất nhiên là một hệ sinh thái không thể tái tạo được thành công, chỉ đơn giản với một số loài cây được quảng bá là « tăng trưởng nhanh chóng », như bạch đàn.

Đời sống phong phú và bí ẩn của rừng đang ngày càng được soi sáng với các nghiên cứu khoa học mới. Hồi tháng 6/2019, lần đầu tiên các nhà khoa học công bố một công trình về « vai trò chủ chốt » của mối liên hệ mật thiết giữa « cây và nấm » trong việc bảo vệ tình trạng cân bằng của khí hậu trên quy mô toàn hành tinh. Nấm được nói đến ở đây là các loài nấm rễ cộng sinh – chiếm khoảng 10% các loài nấm - tạo thành lớp vỏ bao bọc xung quanh các rễ cây, hoặc xuyên sâu vào các rễ cây. Theo khảo sát quốc tế, do Global Forest Biodiversity Initiative điều phối, sự hiện diện của loài nấm này góp phần quan trọng vào việc « hãm lại tốc độ phân hủy vật chất hữu cơ trong thảm thực vật dưới gốc cây (nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature). Với hệ quả là có thêm nhiều khí các-bon được chôn trong lòng đất ». Hay nói một cách khác, việc khí hậu được điều hòa phụ thuộc rất nhiều vào « sự thông minh » của các loài thực vật sống cộng sinh trong rừng. Sự sống cộng sinh vô cùng tinh vi này không phải một sớm một chiều mà có thể hình thành.

Nghiên cứu chưa từng có về Đời sống rừng trên Trái đất nói trên dựa vào các khảo sát hơn một triệu khoảnh rừng, với diện tích trung bình một hecta, với tổng cộng 31 triệu cây, 28.000 giống loài, tại các hệ sinh thái tiêu biểu (rừng nguyên sinh nhiệt đới, rừng ôn đới, vùng ẩm ướt, vùng thảo nguyên khô nóng…) tại 70 quốc gia.

Theo các tác giả, trong các khu rừng tự nhiên, các loài nấm sợi tạo thành cả một hệ thống chằng chịt nối liền cây cối với nhau. Nhà sinh học Canada Suzane Simard ví đây như một « hệ thống Internet » của rừng. Nhờ ở mạng « Wood Wide Web » này, mà cây cối « trợ giúp nhau, trao đổi dưỡng chất, trao đổi thông tin với nhau ». Nữ khoa học gia Canada nhấn mạnh đến việc rừng là « một cơ thể sống khổng lồ, vận hành theo quan hệ cộng đồng, ở đây những kẻ mạnh nhất giúp những ai yếu nhất ». Các cây to lớn nhất, sống lâu nhất truyền dinh dưỡng cho các cây con bị che phủ dưới tán rừng già. Mức độ đa dạng sinh học cao giúp cho khu rừng thích nghi được với nhiều biến đổi môi trường.

Khoa học gia Thomas Crowther, một đồng tác giả của nghiên cứu, ví cuộc điều tra chưa từng có này như một bức ảnh chụp « cộng hưởng từ » não bộ của các hệ sinh thái thế giới. Trong thời gian tới, giới khoa học dự kiến sẽ có thêm những điều tra mới vén lộ sự sống vô cùng tinh vi trong rừng.

Tóm lại, phá thì dễ, nhưng làm lại thì rất khó ! Trồng rừng mới có thể là giải pháp tức thời, nhưng không thể nào vãn hồi nhanh chóng việc rừng bị phá hủy, để trồng trọt, chăn nuôi, hay lấy gỗ. Giải pháp căn cơ và khẩn cấp hơn cả vẫn là bảo vệ các khu rừng chưa bị phá, để tránh không lâm vào tình trạng mất bò mới lo làm chuồng. Trồng rừng mới không thể coi là « phép mầu » để lẩn tránh việc bảo vệ rừng - thách thức vô cùng gian nan (2).

Ghi chú

1. Trong thời gian gần đây, nở rộ nhiều dự án trồng rừng mới, của nhiều công ty, hiệp hội, để hấp thu khí thải, để bù lại lượng khí gây hiệu ứng nhà kính thải ra. Nhà nghiên cứu Alain Karsenty, làm việc tại Trung tâm Nông học và Phát triển Quốc tế (CIRAD), Pháp, nhấn mạnh đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất thời, rất cần thiết, để hấp thu khí thải, nhưng cũng lưu ý đến mặt trái của giải pháp này, là có nguy cơ khiến « xã hội không dồn sức cho các mục tiêu quan trọng khác, cho đầu tư vào những công nghệ (mang tính đột phá) đòi hỏi nhiều đầu tư hơn » (xem bài « Planter des arbres pour compenser son CO2: une solution pas si miraculeuse », Science et Avenir, 18/09/2019).

2. Nhiều nhà hoạt động môi trường, tuy nỗ lực đầu tư cho các dự án trồng rừng mới « phù hợp với môi trường tại chỗ và bền vững » (được coi là biện pháp ưu việt hơn nhiều so với các cơ chế mua tín dụng các-bon, thường bị lên án là ít hiệu quả hơn và kém minh bạch hơn), nhưng cũng đồng thời lưu ý đây chỉ là một giải pháp « mang tính quá độ », trên đường đi đến một xã hội « trung hòa về khí thải » gây hiệu ứng nhà kính (có nghĩa là tổng lượng khí thải phát ra cộng với khí hấp thu là bằng không). Ông Stéphane Hallaire – hiệp hội Reforest'Action, từng trồng 3,8 triệu cây, trong 9 năm – nhận định : « Nếu quý vị không cắt giảm lượng khí thải (do tiêu thụ, do sản xuất – người viết), và nếu quý vị không chấm dứt việc phá rừng, thì các vị sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp, cho dù có nỗ lực trồng thêm nhiều rừng mới » (« Planter des arbres pour compenser son CO2: une solution pas si miraculeuse », như trên).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.