Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Pháp : Bản án Monsanto sẽ đẩy nhanh việc cấm chất glyphosate ?

Thứ sáu tuần trước, 10/08/2018, một tòa án của thành phố San Francisco đã tuyên phạt Monsanto tổng cộng 289 triệu đôla tiền đền bù cho một người làm vườn ở Hoa Kỳ, ông Dewayne Johnson, do tập đoàn Mỹ này đã không cảnh báo về tính chất nguy hiểm của thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto, chất bị xem là đã gây ra căn bệnh ung thư cho ông Johnson. Tại Pháp, phán quyết lịch sử này có thể đẩy nhanh việc cấm chất glyphosate, thành tố chính trong các thuốc diệt cỏ của Monsanto.

Thuốc diệt cỏ Roundup rất được các nông gia ưa chuộng vì hiệu quả và giá rẻ.
Thuốc diệt cỏ Roundup rất được các nông gia ưa chuộng vì hiệu quả và giá rẻ. Reuters
Quảng cáo

Dewayne Johnson, 46 tuổi, mà trước đó vẫn khỏe mạnh, đã kiện đòi Monsanto bồi thường hơn 400 triệu đôla, vì ông cho rằng những hóa chất của Monsanto, Roundup và RangerPro, mà ông sử dụng trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2014 khi làm vườn, đã khiến ông bị ung thư và theo ông, tập đoàn Mỹ đã cố tình che giấu tính chất nguy hiểm của các sản phẩm đó.

Sau hơn 1 tháng tranh luận, bồi thẩm đoàn của tòa án San Francisco đã bắt đầu nghị án kể từ ngày 08/08 trong phiên xử đầu tiên về tính chất có thể gây ung thư của các sản phẩm Monsanto có chứa chất glyphosate. Sở dĩ vụ này được đưa ra xử là vì luật của bang California bắt buộc ngành tư pháp phải tổ chức phiên xử trước khi nguyên đơn qua đời.

Trong các tập đoàn lớn của thế giới, có lẽ không có tập đoàn nào làm ăn rất phát đạt mà lại mang nhiều tai tiếng như Monsanto. Sử dụng đến 20 ngàn người trên toàn thế giới, Monsanto có lợi nhuận trong năm 2017 lên tới hơn 2 tỷ đôla, với doanh số gần 15 tỷ đôla.

Được thành lập từ năm 1901, tại Saint-Louis, bang Misouri, Monsanto thật ra chỉ chuyển sang sản xuất các hóa chất nông nghiệp kể từ thập niên 1940. Tập đoàn này đã trở nên nổi tiếng với chất khai quang được biết dưới cái tên « Chất da cam » mà quân đội Mỹ sử dụng ồ ạt trong chiến tranh Việt Nam.

Nhưng sản phẩm nổi bật nhất và cũng bị chỉ trích nhiều nhất của Monsanto chính là Roundup, được sản xuất kể từ năm 1976. Thuốc diệt cỏ này có chứa chất glyphosate, một chất đã là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu khoa học, với những kết luận trái ngược nhau hoàn toàn về tính chất gây ung thư của nó. Cho tới nay, các nông gia vẫn rất chuộng sử dụng các hóa chất diệt cỏ có chứa chất glyphosate, vì vừa rẻ tiền, vừa hiệu quả, nhưng tại châu Âu và đặc biệt là tại Pháp, các sản phẩm này gặp nhiều chỉ trích.

Là thuốc diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới dưới nhiều nhãn hiệu khác nhau, từ khi bằng phát minh của Monsanto trở thành thuộc quyền sở hữu công vào năm 2000, Roundup còn bị xem là chất gây nhiều tác hại cho môi trường, góp phần khiến loài ong bị tận diệt.

Trước bản án của tòa San Francisco hôm thứ sáu tuần trước, vào năm 2012, Monsanto đã chấp nhận một giải pháp êm thắm đền bù 93 triệu đô la cho Nitro, một thành phố ở bang West Virginia. Đây là nơi mà vào những thập niên 1950, 1960, Monsanto đã đặt nhà máy sản thành tố chính của Chất da cam. Các lãnh đạo của thành phố Nitro khẳng định chính nhà máy Monsanto đã gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cho người dân thành phố này.

Tại Pháp, vào năm 2015, khi xử phúc thẩm, tòa án đã tuyên phạt Monsanto tiền bồi thường cho một nông gia, bị nhiễm độc vào năm 2004 do một sản phẩm khác của tập đoàn Mỹ, đó là Lasso (có chứa chất alachlore ). Thuốc diệt cỏ này sau đó đã bị cấm ở nhiều nước.

Phán quyết của tòa San Francisco  trước mắt đã gây tác hại nặng nề cho tập đoàn dược phẩm Đức Bayer, sở hữu chủ mới của Monsanto.  Hôm nay, 13/08/2018, giá cổ phiếu của Bayer đã bị sụt gần 10% trên thị trường chứng khoán Francfort của Đức.

Nhưng đây chỉ mới là khởi đầu của cơn ác mộng cho Bayer, vừa mới mua lại Monsanto với giá 63 tỷ đôla đầu tháng 06/2018. Hiện giờ đang có ít nhất …. 4000 ngàn vụ tương tự đang được đưa ra xử trước các tòa án ở Mỹ.

Công ty Monsanto sẽ kháng án và hy vọng là, giống như những vụ tương tự ở Hoa Kỳ, khi xử phúc thẩm, tòa sẽ giảm rất nhiều số tiền phạt, thậm chí hủy luôn phán quyết sơ thẩm. Về phần mình, tập đoàn Bayer trong cuối tuần qua đã khẳng định rằng « trên cơ sở các chứng cứ khoa học, trên cơ sở các đánh giá trên cấp độ toàn thế giới, và qua nhiều thập niên sử dụng chất glyphosate », chất này là hoàn toàn an toàn và không gây ung thư. Tuy nhiên, ý thức được hình ảnh rất xấu của Monsanto trong công luận quốc tế hiện nay, tập đoàn Bayer đã vội thông báo ý định từ bỏ nhãn hiệu « Monsanto ».

Nhưng đặc biệt tại Pháp, phán quyết nói trên của tòa án San Francisco một lần nữa khơi dậy cuộc tranh luận về việc có nên gấp rút cấm chất glyphosate hay không.

Chính phủ Pháp đã hoan nghênh « một phán quyết lịch sử » và bộ trưởng bộ Môi trường Nicolas Hulot đã kêu gọi người dân châu Âu và Mỹ hợp lực chống các sản phẩm của Monsanto.

Hôm thứ bảy tuần trước, đảng bảo vệ môi trường Europ-Ecologie-Les Verts đã kêu gọi chính phủ Pháp hãy dứt khoát cấm hẳn chất thuốc diệt cỏ này. Đảng này cho rằng, « thay vì kéo dài thời gian vì lợi ích của một số người, nước Pháp nên áp dụng ngay nguyên tắc cẩn trọng  và tháo khoán ngay ngân quỹ cần thiết để giúp các nông gia từ bỏ việc sử dụng các chất độc hại này.

Ông Laurent Pinatel, phát ngôn viên của Tổng liên đoàn nông dân ( Confédération paysanne), nghiệp đoàn nông dân lớn thứ ba ở Pháp, hôm thứ bảy cũng đã tuyên bố rằng, bản án đối với Monsanto là « bằng chứng cho thấy là cần phải chấm dứt việc sử dụng các thuốc diệt cỏ ». Theo lời ông Pinatel, cần phải huy động các phương tiện kỹ thuật cho nghiên cứu và các phương tiện kinh tế để thoát khỏi sự lệ thuộc vào các loại thuốc trừ sâu.

Nhiều hiệp hội bảo vệ môi trường của Pháp đã hoan nghênh phán quyết lịch sử của tòa án San Francisco. Chủ tịch của hiệp hội Combat Monsanto, Benjamin Sourice, cho rằng « bản án này không chỉ nhìn nhận Roundup là một chất gây ung thư, mà nhất là còn chứng minh rằng Monsanto nắm những thông tin về tính chất nguy hiểm của chất này, nhưng đã tìm mọi cách để che giấu điều đó ».

Về phần nông gia Paul François, gương mặt hàng đầu trong cuộc chiến chống Monsanto, chủ tịch hiệp hội Phyto – victimes ( Nạn nhân thuốc trừ sâu ), thì bày tỏ sự vui mừng cho tất cả những ai trên toàn thế giới đang đấu tranh giống như ông chống tập đoàn Mỹ.

Nhưng bà Suzanne Dalle, đặc trách về nông nghiệp trong tổ chức Greenpeace France, kêu gọi các công dân phải tiếp tục đấu tranh để chất glyphosate bị cấm hoàn toàn ở Pháp và châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.