Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Tây Ban Nha : Nỗi ám ảnh mang tên nhà độc tài Francisco Franco

Đăng ngày:

Francisco Franco lãnh đạo đất nước Tây Ban Nha trong suốt 39 năm, từ năm 1936 cho tới khi ông qua đời vào cuối năm 1975. 42 năm đã trôi qua, đất nước Tây Ban Nha vẫn bị chia rẽ khi nhắc đến Francisco Franco, với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người ca tụng công lao của ông với đất nước, tôn thờ ông, nhưng cũng có những người suốt đời phải sống chung với nỗi ám ảnh mang tên nhà độc tài Francisco Franco và ví ông với trùm phát xít Adolf Hitler.

Ảnh những người đã bị sát hại hay mất tích dưới thời của nhà độc tài Francisco Franco. Ảnh chụp vào ngày 26/09/2013 trong một cuộc biểu tình tại Madrid, Tây Ban Nha.
Ảnh những người đã bị sát hại hay mất tích dưới thời của nhà độc tài Francisco Franco. Ảnh chụp vào ngày 26/09/2013 trong một cuộc biểu tình tại Madrid, Tây Ban Nha. Reuters
Quảng cáo

Francisco Franco sinh năm 1892 trong một gia đình tiểu tư sản. Ông tham gia chiến đấu từ năm 18 tuổi, thăng tiến rất nhanh trên con đường binh nghiệp và trở thành vị tướng trẻ nhất trong lịch sử Tây Ban Nha vào năm 33 tuổi. Năm 1933, Francisco Franco trở thành Tổng tham mưu trưởng quân đội Tây Ban Nha. Năm 1936, ông tổ chức đảo chính và tiến hành nội chiến chống chính phủ Đệ nhị Cộng hòa. Cuộc Nội chiến kéo dài 3 năm đã tàn phá Tây Ban Nha. Đây là một giai đoạn vô cùng đẫm máu trong lịch sử Tây Ban Nha với hơn nửa triệu người chết. Năm 1939, Francisco Franco thắng lợi và thiết lập chế độ độc tài, trở thành Caudilo - "lãnh tụ tối cao".

« Lãnh tụ tối cao » Franco

Năm 1947, Franco tổ chức trưng cầu dân ý về thể chế nhà nước và ký sắc lệnh khôi phục chế độ quân chủ, tuyên bố Tây Ban Nha là một vương quốc. Franco trở thành nhiếp chính vương. Trên thực tế, ông giữ vị trí nguyên thủ quốc gia. Sau chiến Thế Chiến II, Tây Ban Nha khá tách biệt so với thế giới, cả về chính trị và kinh tế, cho tới tận năm 1955. Nhưng sang những năm 1960, Tây Ban Nha đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong lịch sử và được gọi là « Phép màu Tây Ban Nha ». Đất nước được công nghiệp hóa hiện đại. Ngành du lịch phát triển mạnh mẽ.

Năm 1969, Franco quyết định chọn Juan Carlos làm người kế nhiệm. Juan Carlos là con trai công tước Don Juan của xứ Barcelona - hậu duệ của vua Alfons XIII, người bị lật đổ tháng 4/1931. Sau khi tướng Franco qua đời năm 1975, Juan Carlos lên ngôi vua Tây Ban Nha.

Sau khi Franco qua đời, lăng mộ của ông được đặt tại khu tưởng niệm « Thung lũng những người đã hy sinh vì Tây Ban Nha ». Đài tưởng niệm này vốn là ý tưởng của chính tướng Franco để tôn vinh những người thuộc phe của ông và đã ngã xuống trong cuộc nội chiến 1936-1939.

Trước những công lao của tướng Franco đối với sự phát triển kinh tế đất nước, cho tới giờ, vào ngày 20/11 hàng năm, nhân kỷ niệm ngày Francisco Franco qua đời, vẫn có nhiều người tới viếng mộ ông, thể hiện niềm tiếc thương và lòng ngưỡng mộ. Thậm chí, đó còn là nơi « hành hương » của những người Tây Ban Nha cực hữu.

Một thanh niên 19 tuổi, tên là Hugo phát biểu với phóng viên kênh truyền hình Pháp France 24 : « Đây là điều tối thiểu mà chúng tôi có thể làm để tỏ lòng biết ơn với lãnh tụ tối cao, vì đất nước Tây Ban Nha mà ông đã để lại cho chúng tôi. Giờ thì … mọi người hãy nhìn xem … Tây Ban Nha đã sa sút. Khi tướng Franco lãnh đạo đất nước, tôi chưa ra đời. Nhưng theo những gì mà tôi được biết, những gì mà những người sống thời đó kể cho tôi nghe, thời của tướng Franco là thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử Tây Ban Nha. »

Nhiều người Tây Ban Nha còn luyến tiếc chế độ Franco. Ảnh chụp một buổi tuần hành tưởng nhớ tướng Franco tại Madrid, ngày 22/11/2015.
Nhiều người Tây Ban Nha còn luyến tiếc chế độ Franco. Ảnh chụp một buổi tuần hành tưởng nhớ tướng Franco tại Madrid, ngày 22/11/2015. REUTERS/Juan Medina

Bóng ma Franco

Tuy nhiên, chế độ độc tài 40 năm của Franco cũng được đánh dấu bằng các hành vi trấn át và bạo lực. Hàng chục ngàn người đối lập đã bị giết chết trong các trại tập trung. Hàng trăm ngàn người Tây Ban Nha phải chạy trốn khỏi đất nước, rất nhiều người đã sang Pháp ẩn náu. Đới với họ, đó là « 40 năm thụt lùi, suy thoái » của đất nước Tây Ban Nha.

Năm 1977, sau khi Tây Ban Nha chuyển đổi sang chế độ dân chủ, chính quyền đã thông qua đạo luật ân xá hoàn toàn những người bị kết án trong cuộc nội chiến và cả những nhân vật trong chế độ độc tài. Đạo luật trên đã gây rất nhiều tranh cãi. Thế nhưng, không chính phủ kế nhiệm nào có đủ can đảm sửa đổi đạo luật ân xá 1977. Chế độ độc tài thoát chưa bao giờ bị đem ra xét xử.

Năm 2007, chính phủ thuộc đảng Xã hội của Zapatero đã thông qua luật hòa giải dân tộc, thừa nhận có các nạn nhân và khai quật các hố chôn tập thể. Nhưng nhiều người phê phán luật hòa giải dân tộc không mạnh mẽ và thiếu hiệu quả.

Tranh luận về di dời thi hài Franco

Ngày 11/05/2017, Quốc Hội Tây Ban Nha, dưới sức ép của các đảng cánh tả và cánh trung, đã ủng hộ việc di dời thi hài Franco ra khỏi « Thung lũng những người đã hy sinh vì Tây Ban Nha » và yêu cầu chính phủ bảo thủ thực thi quyết định mà Quốc hội đã thông qua, khôi phục khu vực trên thành đài tưởng niệm tất cả các nạn nhân của cuộc nội chiến đã tàn phá đất nước Tây Ban Nha giai đoạn 1936-1939.

Đảng Nhân Dân của tổng thống Mariano Rajoy luôn cực lực phản đối vì cho rằng quyết định di dời thi hài Franco sẽ làm sống dậy những ký ức đau thương khi cuộc nội chiến đã kết thúc cách đây 80 năm. Không có sự cho phép của chính phủ, thi hài Franco sẽ không bị di dời. Thêm vào đó, phe bảo thủ cũng cho biết thêm là không được sự chấp thuận của Giáo Hội, nhà nước cũng không thể xâm phạm các ngôi mộ.

Giải thích về lý do nhiều người muốn di chuyển thi hài Franco 40 năm sau khi nhà độc tài qua đời, thông tín viên đài RFI từ Madrid cho biết : « Trước hết cần nói rõ là thi hài lãnh tụ tối cao Franco đươc đặt trong một ngôi mộ bằng đá cẩm thạch, trong một khu hầm mộ nằm sâu 100 m dưới lòng đất. Vào thời kỳ đó, lăng mộ Franco là một công trình xây dựng được ngợi ca và chính Franco đã cho xây rất lâu trước khi ông qua đời.

Hơn nữa, đó không chỉ đơn thuần là một khu lăng mộ mà còn là công trình hoành tráng nằm trên toàn bộ một quả đồi. Nhưng hơn một nửa số dân Tây Ban Nha - những người thuộc phe cánh tả - chưa bao giờ chịu nổi ý nghĩ Caudillo được yên nghỉ tại nơi uy nghi đến vậy, vì điều này có nghĩa là ông ấy có quyền chính đáng và theo một cách nào đó, điều ấy cho phép xóa sạch mọi tội lỗi của Franco. Các dân biểu thuộc đảng Xã Hội vì thế đã yêu cầu khai quật và di chuyển thi hài của cựu độc tài ra khỏi một nơi có nhiều ý nghĩa và quá khoa trương như vậy. »

Di dời thi hài một nhân vật đã từng có vị trí đặc biệt trong lịch sử thật không hề đơn giản! Nhiều người cho rằng yêu cầu này khó được đáp ứng vì sẽ vấp phải sự phản đối của phe bảo thủ, những người vốn kế thừa tinh thần của Franco và không muốn khơi lại quá khứ. Ngoài ra, vì « Thung lũng những người đã hy sinh vì Tây Ban Nha » thuộc quyền quản lý của Giáo Hội nên muốn khai quật lăng mộ Franco thì phải được sự đồng ý của Giáo Hội. Thêm vào đó, di dời thi hài Franco tới đâu cũng là một bài toán khó. Đề xuất chuyển thi hài nhà cựu độc tài tới nghĩa trang ở ngoại ô Madrid - nơi nhiều thành viên trong gia đình ông, kể cả vợ ông được chôn cất - lại vấp phải sự phản đối của Quỹ Franco - tổ chức có quyền quản lý di sản của tướng Franco.

Quỹ Francico Franco được thành lập với một nhiệm vụ rõ ràng : viết lại lịch sử. Ông Jaime Alonso, phó chủ tịch Quỹ Francico Franco giải thích : « Mong muốn của chúng tôi là có được tất cả những gì được xuất bản tại Tây Ban Nha, và chúng tôi cũng hy vọng rằng tất cả những tác phẩm thế giới viết về nội chiến Tây Ban Nha, về Francisco Franco, về chế độ của ông đều được tập trung về đây (…) 40 năm đã trôi qua kể từ khi ông ấy qua đời, người ta chỉ làm có một việc, đó là xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc các sự kiện. Người ta tìm cách bôi nhọ những sự việc vốn đã rất rõ ràng. Người ta ví ông ấy với Adolf Hitler và muốn tòa án quốc tế xử ông ấy về tội vi phạm nhân quyền. Tất cả đều là những lời dối trá đáng xấu hổ. Tôi có thể đảm bảo với quý vị là chế độ đó không tra tấn ai hết … »

Tướng Francisco Franco (áo trắng, bên phải) chọn Juan Carlos làm người kế nhiệm, tháng 07/1969.
Tướng Francisco Franco (áo trắng, bên phải) chọn Juan Carlos làm người kế nhiệm, tháng 07/1969. Photo by David Lees//Time Life Pictures/Getty Images

Nỗi ám ảnh của các nạn nhân

Trong khi vẫn còn nhiều người tôn sùng tướng Franco, tiếp tục tưởng niệm, đề cao vai trò của Franco trong lịch sử và ao ước phục dựng hình ảnh của một vị anh hùng dân tộc thì ngày càng có nhiều người Tây Ban Nha muốn công lý được thực thi, nhất là những người đã từng là nạn nhân của chế độ độc tài Franco. Nhiều cuộc tuần hành, biểu tình đã diễn ra ở Madrid.

Họ đấu tranh để những kẻ từng tra tấn họ, một số hiện vẫn còn sống, phải bị tòa án xét xử. Con cháu của những người đã mất tích thì muốn tìm kiếm sự thật. Họ muốn biết thi thể một người thân, ông bà, cha mẹ, chú bác hiện nằm đâu hay số phận họ hiện giờ ra sao. Một số người lại muốn biết về gia đình ruột thịt của mình và lịch sử gia đình đó.

Theo số liệu chính thức của Liên Hiệp Quốc, Tây Ban Nha là nước thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Cam Bốt, về số người mất tích. Khoảng 150.000 người Tây Ban Nha đã mất tích trong những năm đen tối đó của đất nước. Hàng trăm ngàn người khác đã bị tra tấn, vài chục ngàn em nhỏ đã bị giằng khỏi vòng tay cha mẹ, thường là các gia đình phe cánh tả hoặc cộng sản và bị giao cho « các gia đình công giáo ngoan đạo » nuôi nấng.

Ông Chato, một nạn nhân của chế độ độc tài Franco, sống tại Madrid. Vào đầu những năm 1970, thời sinh viên ông đã bị bắt 4 lần vì là đảng viên Cộng Sản. Những cảnh sát từng tra tấn ông, ông vẫn còn nhớ rõ, một số người hiện vẫn còn sống, và sống cách nhà ông có vài phố. Cứ mỗi lần đi qua Puerta Del sol, ông lại nhớ tới những đòn tra tấn tàn bạo mà ông đã phải chịu đựng trong những năm tháng đó. Những cơn ác mộng !

Ông kể với phóng viên truyền hình France 24 : « Anh có nhìn thấy những phòng trên tầng hai kia không ? Đó là nơi chúng tôi đã bị tra tấn. Rất nhiều ký ức ùa về trong tôi. Sau khi tra tấn, họ nhốt chúng tôi dưới tầng hầm đằng sau những chấn song cửa này. Tôi còn nhớ khi đó tôi rất muốn nghe những tiếng động từ bên ngoài vì nó có nghĩa là cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, rằng không phải cái gì cũng đáng sợ và làm người ta đau khổ. »

Sau nhiều năm đấu tranh tìm kiếm công lý, ông còn đau đớn hơn cả khi phải chịu đựng đòn vì chừng ấy năm đã trôi qua, nhưng những người như ông vẫn bị coi là tội phạm chứ không phải nạn nhân của chế độ độc tài khét tiếng Franco.

Dường như cuộc kiếm sự thật về những tháng năm « đen tối » hay « huy hoàng » của đất nước Tây Ban Nha vẫn còn là một chặng đường dài ! 40 năm sau khi qua đời, bóng ma của Franco vẫn còn đó và không ngừng gây chia rẽ đất nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.