Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Virus Zika : Nguyên nhân và cơ chế lây truyền bệnh

Đăng ngày:

Từ nhiều tháng nay, khu vực Nam Mỹ và vùng Caribe đang phải vật vã chống lại một kẻ thù đáng sợ : muỗi vằn. Ngoài việc mang mầm bệnh sốt xuất huyết và chikungunya, loài muỗi vằn này hiện đang đe dọa cả thế giới với loại virus Zika. Các chuyên gia nghi ngờ có mối liên hệ giữa virus Zika và dị tật « đầu nhỏ » ở thai nhi. 

Muỗi vằn Aedes aegypti.
Muỗi vằn Aedes aegypti. REUTERS/Paulo Whitaker
Quảng cáo

Vào đầu tháng 2/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt dịch virus Zika vào « Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ở cấp độ thế giới » và thành lập một « đơn vị ứng phó toàn cầu ». Ca nhiễm virus Zika được phát hiện tại tại Nam Mỹ cách đây một năm. Nhưng dịch bệnh thật sự bùng phát mạnh vào những tháng gần đây. Tại Brazil, hơn 1,5 triệu người được phát hiện nhiễm virus Zika.

Mối liên hệ giữa virus Zika và dị tật « đầu nhỏ »

Vậy virus Zika là gì ? Chúng lây lan như thế nào ? Nhà nghiên cứu dịch tễ học, bà Anna-Bella Failloux, thuộc Viện Pasteur Paris giải thích như sau trên đài truyền hình TV5Monde: 

«Virus Zika bắt nguồn từ châu Phi, và gây ra một cơn dịch tại vùng Thái Bình Dương. Thế nhưng dịch bệnh này đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu trong dòng thời sự do dịch Ebola bùng phát mạnh tại châu Phi. 1/3 dân số Pháp tại Polynesia đã bị ảnh hưởng.

Như vậy chỉ cần một con muỗi mang mầm bệnh đi vào khu vực Nam Mỹ, và có tiếp xúc với loài muỗi có khả năng tiếp nhận với sự lây lan, ở đây là loài muỗi vằn giống Aedes Aegypti và Albopictus. Thêm vào đó là sự thiểu hiểu biết của người dân tại đây về sự lây nhiễm. Chính vì vậy mà loại virus này đã rộng đường xâm nhập và lây lan một cách nhanh chóng, nhờ vào một giống muỗi chỉ chuyên đốt người, nhất là đối với những ai không có miễn dịch với loại virus này». 

Virus Zika được phát hiện lần đầu vào năm 1947, tại một khu rừng mang cùng tên với loài virus, ở gần thành phố Entebbe, của Ouganda. Các nghiên cứu cho rằng là loại virus này lây nhiễm qua ba đường : vết đốt muỗi vằn là chủ yếu, từ máu - từ mẹ sang con trong quá trình mang thai và qua ngả quan hệ tình dục như tinh trùng, nước bọt... theo như kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học tại Texas.

« Loại virus này có thể dò tìm được trong nước tiểu, đôi khi trong sữa mẹ, trong tinh trùng. Nhưng ngả truyền bệnh quan trọng nhất vẫn là con muỗi vằn. Không có muỗi vằn thì không có dịch bệnh này. Tuy nhiên, việc lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục vẫn có nhưng rất hiếm hoi, so với số lượng người đông đảo nhiễm bệnh do bị muỗi đốt ».

Cùng với sự bùng phát dữ dội dịch virus Zika, ngành y tế Nam Mỹ, đặc biệt là tại Brazil ghi nhận mức tăng đáng kể hiện tượng trẻ sơ sinh bị tật « đầu nhỏ ». Nhiều nhà khoa học nghi ngờ virus Zika là tác nhân chính gây ra hiện tượng dị tật này. Theo đó, người mẹ có thể truyền mầm bệnh này cho con trong quá trình mang thai.

Đây cũng là vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay giữa các nhà khoa học. Tuy nhiên trên đài truyền hình, bà Anna-Bella Failloux vẫn nhắc lại rằng cho đến giờ đó vẫn chỉ là một sự nghi ngờ và các nhà khoa học vẫn còn chưa ngã ngũ.

«Có một mối ngờ lớn là người mẹ bị nhiễm virus trong sáu tháng mang thai đầu tiên rồi truyền lại cho con dẫn đến hiện tượng bất thường ở giai đoạn phát triển não. Nghiên cứu các số liệu thống kê cho thấy có mối tương quan, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để chứng minh được mối quan hệ nhân – quả này. Đó cũng là những gì Viện Pasteur cũng như nhiều viện khác đang tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu xem làm thế nào virus có thể gây ra dạng bệnh lý này ở thai nhi.» 

Một trẻ Brazil mắc dị tật "đầu nhỏ".
Một trẻ Brazil mắc dị tật "đầu nhỏ". REUTERS/Ueslei Marcelino

Muỗi vằn sinh sôi nảy nở: Trách nhiệm thuộc về con người ?

Sốt xuất huyết, chikungunya giờ đến Zika, có thể nói là muỗi vằn đang thách thức sức khỏe con người. Sự xuất hiện của muỗi vằn trên khắp năm châu biến chúng thành kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân loại, theo như nhận định của ông Frédéric Simard, chuyên gia dịch tễ học Viện Nghiên cứu vì Phát triển tại Montpellier trên TV5Monde.

« Muỗi vằn giờ đầy rẫy khắp nơi. Loài muỗi này nguy hiểm vì chúng là các tác nhân lây nhiễm có thể gây ra nhiều chứng bệnh cho con người. Muỗi vằn tập trung sự chú ý cả thế giới bởi vì đó là một loài muỗi, trong 30 năm gần đây, đã xuất hiện tại nhiều châu lục, bắt nguồn từ châu Á, rồi giờ lan sang cả Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và cả châu Âu ».

Xuất xứ từ châu Á, nhưng muỗi vằn đã dần dần xuất hiện tại châu Âu vào cuối thập niên 1970. Đầu tiên hết là tại Albani vào năm 1979, rồi đến Ý năm 1990 và tại Pháp năm 2004. Muỗi vằn đáng sợ là do chúng có khả năng kiên nhẫn ẩn mình trong vòng 6 tháng trước khi xuất hiện trở lại. Thậm chí trứng của loài muỗi này có thể chịu đựng được các chuyến đi xa. Ông Frédéric Simard cho biết tiếp:

« Đúng vậy. Loài muỗi này đáng sợ là do trứng của chúng mang các đặc tính có khả năng chống chọi với sự mất nước cho phép chúng di chuyển từ lục địa này sang lục địa khác một cách dễ dàng. Ngoài ra loài muỗi này còn có khả năng ngủ đông, có nghĩa là chúng có khả năng biến mất hoàn toàn khỏi môi trường, chúng ta không thể chống lại loài muỗi này trong suốt mùa đông, chúng ta không sợ bị muỗi đốt trong mùa đông, nhưng đến hè thì chúng thức dậy. Việc chúng có thể ngủ đông và thức dậy mùa hè cho thấy loài muỗi vằn này có thể du nhập được vào những vùng có khí hậu ôn hòa ».

Tàn phá môi trường thiên nhiên, phát triển đô thị ồ ạt đã tạo cơ hội cho loài muỗi vằn phát triển nhanh chóng. Muỗi vằn không chỉ thích nghi mà còn có thể di chuyển theo cùng với các hoạt động con người. Theo quan điểm của ông Simard, chính con người phải gánh lấy trách nhiệm cho sự phát triển nhanh chóng của loài muỗi này. 

« Loài muỗi này nhanh chóng hiểu được lợi thế của việc thích nghi với con người và môi trường sống của con người. Như đã biết, con người ngày càng tàn phá môi trường. Chúng ta đã biến đổi môi trường. Chúng ta đang lấn dần vào các vùng tự nhiên, đương nhiên là đầy vi khuẩn. Chúng ta phơi nhiễm vi trùng, virus do muỗi truyền sang.

Loài muỗi biết thích nghi với môi trường đô thị, trong khi đó môi trường sống con người chỉ là nơi đô thị, và đâu đâu cũng như nhau. Bằng cách này cùng với sự bùng nổ của việc phát triển đô thị, chúng ta đã tạo ra một môi trường sống không hề tồn tại cách đây 50-100 năm. Một môi trường ở đó loài muỗi đã có thể thích nghi, với chúng ta, và cách sống của chúng ta.

Chính chúng ta, cùng với các phương tiện giao thông mà chúng ta sử dụng, chúng cũng dùng tàu thuyền, máy bay để di chuyển từ châu lục này sang châu lục khác. Loài muỗi này chúng đốt chúng ta ngay cả vào ban ngày, do đó chúng cũng đi theo các hoạt động của con người, chui vào xe ô tô, hay các phương tiện công cộng khác. Và như vậy chúng có thể phân tán ra khắp bốn phương trời và trong lòng các châu lục ».

Muỗi biến đổi gien : Cứu cánh cho nhân loại ?

Với việc bùng phát dịch virus Zika, danh sách các chứng bệnh do muỗi vằn truyền nhiễm mỗi lúc dài thêm. Khí hậu ấm dần đang tạo cơ hội thuận lợi cho loài muỗi này sinh sôi nảy nở nhanh chóng và đến chinh phục những vùng miền mà cho đến giờ chưa từng là cứ địa của chúng.

Bên cạnh việc nghiên cứu các loại vắc-xin phòng ngừa bệnh, làm thế nào ngăn chặn sự sinh sôi hay tiệt trừ loài muỗi vằn nguy hiểm này mà không cần sử dụng đến các loài thuốc diệt côn trùng độc hại hay đang là một thách thức lớn cho các nhà khoa học. Theo bà Anna-Bella Failloux, nhờ vào các tiến bộ của ngành sinh học, trong tương lai con người có nhiều hy vọng để đối phó với loài muỗi hung hăng này. 

« Đầu tiên, một cơ chế lây nhiễm bệnh cần một thống gồm ba đối tác tích hợp : chủ thể - tức con người, virus và muỗi. Do đó, để có thể ngăn chặn toàn bộ bộ máy vận hành đó, thì chúng ta phải cắt đứt mối liên hệ giữa đối tác này với đối tác khác.

Trong trường hợp hiện nay, chúng ta vẫn chưa có vắc-xin, cũng như là phương pháp điều trị đặc biệt, phương cách duy nhất là phải cắt đứt mối liên hệ với loài muỗi. Hiện nay, chúng ta có trong tay các loại thuốc diệt côn trùng để làm giảm bớt mật độ loài muỗi. Theo chiều hướng này, chúng ta cũng có thể giảm thiểu được tình trạng lây nhiễm bệnh.

Đương nhiên cũng có nhiều biện pháp cổ điển khác để tránh bị muỗi đốt như giăng mùng, quét dọn vườn tược, tẩy rửa các ổ ấu trùng…, nói tóm lại mục đích là giảm mật độ muỗi.

Vấn đề ở đây là có những con muỗi cũng có thể thoát được với thuốc diệt côn trùng. Chúng sẽ sản sinh ra thế hệ muỗi có thể chống chọi được với thuốc. Trong trường hợp đó chúng ta phải làm gì ? Nhìn vào bối cảnh hiện nay, do chưa có một loại hóa chất nào có thể tiêu diệt được muỗi hoàn toàn, chúng ta cần phải có một giải pháp thay thế.

Do đó, biến đổi gien có thể được xem như là một giải pháp thay thế này. Nghĩa là chúng ta làm cho loài muỗi dữ này mất đi khả năng truyền bệnh, tức là truyền các loại virus gây bệnh ». 

Theo bà Failloux, các nhà khoa học tại Viện Pasteur hiện nay đang nghiên cứu phát triển khả năng miễn dịch ở loài muỗi vằn cái, tiêu trừ khả năng lây nhiễm ngay từ chính người mang mầm bệnh.

« Muỗi biến đổi gien là những biến đổi được thực hiện trong các phòng thí nghiệm nhằm mục đích nâng cao khả năng miễn dịch của những con muỗi cái. Ý tưởng này xuất phát từ quan sát một con muỗi cái có thể chứa được hơn một tỷ con virus mà không bao giờ ngã bệnh. Mục tiêu của các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hiện nay là nâng cao hơn nữa khả năng miễn dịch của muỗi cái sao cho mỗi khi chúng đốt phải những người mang mầm bệnh, chúng có khả năng tiệt trừ sự lây nhiễm của người bệnh. Và như vậy chúng có thể ngăn chặn sự lây truyền bệnh ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.