Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Kênh đào Suez ‘‘mới’’ : Một cơ may cho Ai Cập ?

Đăng ngày:

Ngày 06/08/2015, chính quyền Ai Cập của cựu tướng Sissi khánh thành rầm rộ kênh đào Suez « mới », với khách mời là nhiều nguyên thủ quốc gia. Công trình khổng lồ của xứ sở các kim tự tháp huyền thoại được hoàn thành trong thời gian kỷ lục chưa đầy một năm, với đa số vốn do người dân thường trong nước đóng góp. Chính quyền Cairo, bị thế giới xa lánh vì nhiều xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng, hy vọng nối lại với tăng trưởng kinh tế, và nhất là lấy lại niềm tin của dân chúng, sau những năm tháng biến động và bạo lực hậu cách mạng. Liệu kênh đào Suez « mới » có phải là một cơ may cho Ai Cập ?

Con tàu mang tên "Ai Cập muôn năm" đi qua đoạn kênh mới, Ismailia, 06/08/2015.
Con tàu mang tên "Ai Cập muôn năm" đi qua đoạn kênh mới, Ismailia, 06/08/2015. REUTERS/Amr Abdallah Dalsh
Quảng cáo

Công trình kênh đào Suez mới, còn được nói đến như là một kênh đào Suez thứ hai, thực chất là một công trình mở rộng kênh đào cũ (có tổng chiều dài 193 km) trên một đoạn 37 km, và một nhánh phụ 35 km được làm thêm, cho phép tàu thuyền cùng lúc di chuyển theo hai chiều. Cải thiện khả năng lưu thông tàu thuyn trên tuyến đường chiếm khoảng8% giao thương hàng hải toàn cầu, Cairo hy vọng tăng thêm nguồn thu cho ngân khố cạn kiệt của Ai Cập, do du lịch sụt giảm nghiêm trọng.

Dự án mở rộng kênh đào Suez đem lại một nguồn hy vọng lớn, không chỉ từ phía chính quyền. Cách nay một năm, chỉ trong vòng 8 ngày, người dân Ai Cập đã ào ạt mua tổng cộng hơn 6 tỷ euro trái phiếu do Ngân hàng trung ương phát hành để góp vốn cho công trình.

Công trình khổng lồ với tổng trị giá 7,8 tỷ euro bao gồm nhiều dự án phát triển các khu vực ven kênh đào, nhằm tạo ra một cơ sở công nghiệp và dịch vụ mới, được chính quyền tuyên bố có khả năng sử dụng đến hơn một triệu lao động trong hơn 10 năm tới. Toàn bộ kế hoạch này được thực hiện theo lệnh của cựu tư lệnh quân đội Sissi, ngay sau khi đắc cử Tổng thống đầu năm 2014.

Hơn một trăm nghìn công nhân đã được huy động để thực hiện công trình trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt. Để đáp ứng mục tiêu hoàn thành trong thời hạn sớm nhất, máy móc trên công trường hoạt động không kể ngày đêm. Báo chí Pháp gần đây cho biết (Francetvinfo, 06/08/2015), rất ít thông tin về đời sống hàng ngày của các công nhân lọt ra ngoài, thời hạn mà chính quyền áp đặt từng bị coi là « phi thực tế và nguy hiểm ».

Liệu công trình thế kỷ nói trên có xứng đáng sau những đầu tư và cái giá con người phải trả ? Chương trình « Invité de la mi-journée » của RFI đầu tháng 8/2015 có cuộc phỏng vấn kinh tế gia Samir Amin.

Ai Cập rất cần các công trình tự lực tầm cỡ

Ông Samir Amin, song tịch Pháp - Ai Cập, tác giả nhiều tác phẩm về thế giới Ả Rập, đặc biệt là những biến chuyển cách mạng gần đây (« Thế giới Ả Rập trong dài hạn : Mùa xuân của các dân tộc ? »/Monde arabe dans le longue durée : le printemps des peuples ?, NXB Le Temps des cerises, 2011).

Nhà kinh tế theo trường phái  marxiste 83 tuổi, từng nổi tiếng là một tư tưởng gia của phong trào các quốc gia không liên kết, nhận định :

« Đây là một niềm tự hào thực sự. Ngày mùng 6, công trình mở rộng kênh đào sẽ được khai trương. Người Ai Cập đã cho thấy họ có thể bằng chính năng lực của mình thực hiện được một công trình lớn lao như vậy. Cách nay một năm, khi chính phủ Ai Cập tuyên bố ý định thực hiện công trình này, toàn bộ báo chí quốc tế vào thời điểm đó cho rằng không thể làm được việc này nếu không có đầu tư quốc tế. Ngầm ẩn là quan điểm : người Ai Cập không thể tự mình thực hiện được công trình quy mô như vậy.

Thực tế cho thấy việc huy động vốn đã được thực hiện hết sức nhanh chóng, hoàn toàn do người Ai Cập đóng góp. Quân đội Ai Cập đã được huy động vào mục tiêu này, và đã hoàn thành trong thời hạn kỷ lục. Báo chí quốc tế cho rằng, phải năm năm công trình mới có thể xong ».

Cho dù không đứng về phía chính quyền Sissi, kinh tế gia Samir Amin khẳng định tính bức thiết của các dự án tầm cỡ, nhằm khẳng định khả năng tự lực phát triển đất nước.

« Ai Cập, với 90 triệu cư dân, rất cần một công trình tầm cỡ như vậy, và những công trình tương tự khác. Cả một lưu vực sông Nil mới, đổ về vùng đất trũng Qatar, ở phía tây thành phố Alexandria. Cần phải khai thác những nguồn tài nguyên khí đốt mới, đưa vào sử dụng hơn một triệu feddan đất (đơn vị đo lường cổ truyền Ai Cập), tức 500.000 ha đất nông nghiệp nữa. Công trình này cho thấy Ai Cập có thể làm được những việc như vậy, với các phương tiện riêng của mình : tài chính, kỹ thuật viên cao cấp, nhân lực…

Một số công ty nước ngoài đã tham gia vào công trình này, cung cấp một số phương tiện như cần cẩu, máy xúc… và vận hành chúng, nhưng tất cả các phương tiện này đều được triển khai dưới sự điều khiển của doanh nghiệp Ai Cập. Có nghĩa là họ nhận làm thầu cho các doanh nghiệp Ai Cập. Mà tình hình lâu nay nói chung vốn là ngược lại : các doanh nghiệp Ai Cập luôn luôn đứng ở vai nhận thầu.

Trong một mức độ nào đó, đúng là như vậy. Đây là một dự án rất lớn. Việc công trình này do chính người Ai Cập thực hiện, do quân đội Ai Cập cùng các công ty nhận thầu, là rất quan trọng. Điều này trả lại phần nào cho Ai Cập một vị trí trong khu vực. Lâu nay người ta chỉ nói đến vùng Vịnh, đến Qatar, Dubai… Ai Cập coi như không tồn tại, vì Ai Cập không có tiền, không có phương tiện. Với công trình này, Ai Cập chứng minh là mình có phương tiện, điều này còn quan trọng hơn là chỉ có tiền ».

Dù sao, nhà kinh tế Samir Amin cũng khá dè dặt trước hiệu ứng kinh tế tương lai của kênh đào mới :

« Công trình này không phải là một nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế. Tiền lời thu được từ công trình sẽ được dùng trước hết để trả những khoản đầu tư của công dân Ai Cập, bên cạnh đó mang lại một nguồn thu lớn hơn cho nhà nước ».

Theo Samir Amin, « Ai Cập còn rất cần đến nhiều công trình quy mô lớn khác, nhưng điều quan trọng hơn là một mạng lưới các cơ sở công nghiệp và nông nghiệp dày đặc, và được xây dựng không phải đơn giản chỉ là được lập ra một cách đơn thuần theo các kế hoạch vĩ mô ».

Dự án lấy lòng dân

Để chuyển đến quý vị một góc nhìn khác về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu cuộc phỏng vấn nhà chính trị học Jean Marcou, chuyên gia về khu vực Trung Cận Đông, giảng dạy tại Đại học Sciences Po Grenoble (Pháp), do đài Pháp ngữ RTBF (Bỉ) thực hiện.

* Tại sao công trình được thi hành một cách hết sức khẩn trương ?

« Tôi cho rằng dự án này vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính chính trị. Chính quyền Abdel al-Sissi bị lên án nhiều ở trong nước, cũng như trên trường quốc tế, bởi ông Sissi từng có vai trò trong việc hạ bệ Tổng thống dân cử Morsi. Rốt cục, chính quyền Ai Cập cần đến một sự kiện quy mô lớn để ổn định tình hình, để thể hiện rằng chế độ này đóng vai trò chấn hưng nền kinh tế đất nước, cho phép Ai Cập thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài nhiều năm nay ».

* Tính cấp thiết của công trình này như vậy mang tính chính trị nhiều hơn là kinh tế ?

« Đúng như vậy. Bởi vì một mặt, các nhà kinh tế ngạc nhiên vì dự án này, vì không xuất phát từ một nhu cầu thương mại quốc tế thực sự. Kinh tế thế giới hiện đang trong giai đoạn trì trệ. Chính quyền Ai Cập dự kiến tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba doanh thu từ kênh đào, cụ thể là khoảng gần 6 tỷ đô la hiện nay. Một dự kiến như vậy là hoàn toàn không có cơ sở.

Tuy nhiên, xét về mặt khác, đây là một dự án mang tính chính trị. Chúng ta thấy rõ thành phần khách mời tham dự lễ khai trương. Sự có mặt của những người như nguyên thủ Cộng hòa Pháp để lại ấn tượng rằng Ai Cập đang trên con đường đúng, cho dù tình hình kinh tế hiện tại là tương đối ảm đạm. Ai Cập đang trong tình trạng phải sống nhờ vào tiền viện trợ của các nước vùng Vịnh. Năm ngoái, Ả Rập Xê Út phải trợ giúp Ai Cập 12 tỷ đô la. Kinh tế Ai Cập về cơ bản vẫn là một nền kinh tế dựa trên các đặc quyền ».

* Sự có mặt của các lãnh đạo nước ngoài là rất có ý nghĩa với Ai Cập ?

« Đúng như vậy, rất quan trọng, đặc biệt là giới chức các nước Phương Tây, vốn bị chấn động mạnh bởi các bạo lực gắn liền với việc lật đổ chính phủ Morsi, và các đàn áp khốc liệt sau đó, hồi tháng 8/2013. Có đến 2.500 người chết tại Cairo. Điều này khiến cho các nước Phương Tây, dù rất mong muốn Ai Cập ổn định, đã đón nhận chính quyền mới với một thái độ hết sức thận trọng. Hoa Kỳ thậm chí đã đóng băng một phần ngân sách viện trợ, trước khi cấp trở lại mới đây…».

* Đông đảo người dân Ai Cập đóng góp đầy nhiệt huyết cho dự án kênh đào, với việc bỏ tiền mua trái phiếu. Điều gì đằng sau phong trào này ?

« Chính quyền Ai Cập đã tiến hành một chương trình tuyên truyền lớn cho dự án kênh đào này, ví dụ khẳng định đây là « một món quà lớn của Ai Cập cho thế giới ». Tôi tin rằng có một quyết tâm của chính quyền muốn thể hiện là : Ai Cập ngày nay có thể nối lại được với những thời điểm vinh quang trong lịch sử. Sự ra đời của kênh đào Suez thực sự mà nói đã đem lại cho Ai Cập một vị thế chiến lược trên trường quốc tế. Vị thế này vẫn còn cho đến ngày nay, bất chấp vai trò chính trị của Ai Cập trong khu vực đã suy giảm, nếu chúng ta so sánh Ai Cập hiện nay với Ai Cập thời Tổng thống Nasser, cách nay hơn nửa thế kỷ. Không có điểm gì chung.

Nhưng có điều là vai trò của Ai Cập vẫn hết sức quan trọng. Mà điều làm nên vai trò quan trọng và vị trí chiến lược của Ai Cập, bất luận thế nào, bắt nguồn từ kênh đào Suez. Lịch sử thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI cho thấy điều này...».

Hóa giải quá khứ : hy vọng trỗi dậy cho một « Ai Cập mới » ?

Công trình kênh đào Suez cho phép rút ngắn một cách phi thường con đường từ Âu sang Á này trước tiên do sáng kiến của doanh nhân, chính trị gia Pháp François Lesseps, được hoàn tất vào năm 1869, với sự tham gia của hơn một triệu nhân công Ai Cập. Hơn 100.000 người đã bỏ mạng trong thời gian mười năm công trình.

Cần phải nhấn mạnh là, đối với đông đảo người Ai Cập, kênh đào Suez vẫn còn là một biểu tượng huyền thoại thời lập quốc. Năm 1956, Tổng thống Ai Cập Nasser đã quyết định quốc hữu hóa công trình, lúc đó nằm trong tay Pháp và Anh, ít năm sau cuộc cách mạng lật đổ nền quân chủ dưới sự cai trị của Anh Quốc (năm 1952). Kênh đào Suez – từ chỗ là niềm tự hào của công nghệ và khát vọng táo bạo của Châu Âu công nghiệp và thực dân - đã trở thành biểu tượng của một chủ nghĩa dân tộc Ai Cập không liên kết đang trỗi dậy. Năm 1956, Anh – Pháp ngầm thỏa thuận một kế hoạch quân sự tái chiếm chớp nhoáng kênh đào với sự can dự trực tiếp của quân đội Israel. Kế hoạch không thành công do không được Hoa Kỳ ủng hộ, vì sợ gia tăng căng thẳng với Liên Xô, quốc gia cộng sản có quan hệ thân thiện với Ai Cập vào thời đó.

Trở lại với kênh đào Suez mới, bên cạnh ý đồ nối lại với di sản của nhà lập quốc Nasser, để làm chỗ dựa cho uy tín của chế độ hiện hành, truyền thông đặc biệt chú ý tới hình ảnh tổng thống Ai Cập Sissi tới tham dự lễ khánh thành kênh đào mở rộng vừa qua trên tàu El Mahroussa. Đây cũng chính là con thuyền của hoàng gia Ai Cập từng đưa hoàng hậu Eugenie, vợ vua Napoleon III, từ Địa Trung Hải tiến vào Biển Đỏ lần đầu tiên vào năm 1869, nhân lễ khai trương kênh đào Suez lịch sử.

Lễ khai mạc 146 năm sau có các khách mời là Tổng thống Pháp, Thủ tướng Nga.

Đầy bất trắc

Bất chấp không khí trống rong cờ mở, quảng cáo rầm rộ của chính quyền, nhiều chuyên gia – như nhà chính trị học Jean Marcou – lo ngại hiệu quả kinh tế tương lai của công trình kênh đào Suez mở rộng. Nếu như việc cải thiện khả năng lưu thông của kênh đào là một thực tế hiển nhiên, không có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng tuyến đường này sẽ tăng vọt, như dự kiến của chính quyền. Dự án Suez được thực hiện đúng vào lúc không khí tin tưởng trong ngành hàng hải thế giới đang xuống rất thấp.

Một thăm dò dư luận mới đây do văn phòng luật sư doanh nghiệp Norton Rose Fulbright thực hiện, cho thấy hai phần ba người được hỏi, làm việc trong ngành hàng hải, có tâm trạng bi quan về triển vọng của thị trường này, trong khi con số tương đương là 12% đối với ngành hàng không, và 9% trong ngành đường sắt (Bài « Ngành hàng hải ủ rũ », Báo Les Echos, 08/07/2015). Đối với những người có quan điểm bi quan, vấn đề chính là hiện tại có quá nhiều tàu thuyền lưu thông trên biển, đặc biệt là tàu tải trọng lớn, nhiều hơn gấp bội so với nhu cầu thực tế. Theo một thống kê, trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2014, số lượng tải trọng đưa vào khai thác tăng nhiều gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng hàng hóa thương mại toàn cầu.

Báo La Tribune (06/08/2015) chỉ thẳng : Ai Cập « đang chạy theo một vinh quang suy tàn. Tỷ trọng tàu thuyền qua Suez có xu hướng sụt giảm liên tục từ một thập niên nay. Chỉ riêng trong năm 2013, số lượng tàu đã giảm tới 16% » (Jean-François Daguzan, Phó giám đốc trung tâm tư vấn Fondation pour la recherche stratégique), do kinh tế Châu Âu đình trệ và tình trạng mất an ninh trong khu vực. Một chỉ báo cho thấy tính bất ổn của giao thông hàng hải : hồi tháng 1 và 5/2015, Baltic Dry - chỉ số phí tổn trung bình của khoảng 20 tuyến giao thông hàng hải chính – sụt 25%, mức thấp nhất kể từ 1986, trước khi phục hồi vào tháng 6.

Viễn cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang tiếp tục có chiều hướng chững lại là một dấu hiệu không vui đối với những người đặt hy vọng kênh Suez đầy ắp thuyền bè. Bên cạnh đó, những đe dọa khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, có mặt trên bán đảo Sinai, vùng lãnh thổ bất ổn phía tây kênh đào, cũng không phải là vấn đề dễ dàng với chính quyền Sissi.

Trong khi đó, tác động sinh thái của tuyến kênh đào mới là điều dường như bị bỏ qua : nhiều nhà môi trường cảnh báo tình trạng ảnh hưởng tiêu cực gia tăng của kênh đào đe dọa các cân bằng tại Địa Trung Hải, với làn sóng di cư ồ ạt của hàng trăm loài sinh vật biển từ Ấn Độ Dương, trong đó có nhiều loài gây nguy hiểm cho con người, ngư nghiệp. Chưa kể các tác động của tình trạng độ mặn gia tăng. Cho dù cơ quan môi trường Ai Cập tuyên bố tuân thủ "các chuẩn mực quốc tế cao nhất" trong lĩnh vực này, nhưng hiện tại, chưa có nghiên cứu tác động nào được tiến hành (bài « Kênh đào Suez : tác động sinh thái nào ?»,  Le Monde, 07/08/2015).

Đầu tư cho phát triển hay duy trì nền "kinh tế đặc quyền" ?

Công trình mở rộng kênh đào Suez và các dự án kèm theo, được đặt dưới sự điều hành chủ yếu của quân đội Ai Cập, với toàn bộ vốn đầu tư trong nước, mang lại nhiều hy vọng cho dân chúng, sau những năm tháng khủng hoảng triền miên. Bên cạnh một số mục tiêu kinh tế được trông đợi, chính quyền Sissi muốn khẳng định trước người dân trong nước, và quốc tế, Ai Cập có khả năng tự đứng lên bằng đôi chân của mình. Tuy nhiên, rất nhiều người đặt câu hỏi về một kế hoạch khổng lồ ra đời, trong bối cảnh Ai Cập phải trông cậy rất nhiều vào tài trợ quốc tế. Một trung tâm nghiên cứu kinh tế Ai Cập, độc lập với chính quyền, hồi tháng 6/2015, nêu ra một kịch bản khác (Libération 05/08/2015). Theo đó, Ai Cập nên đầu tư vào các dự án công nghệ viễn thông, điều này sẽ có lợi hơn là những hứa hẹn của chính phủ về một khu vực kinh tế mới ven kênh đào, được kỳ vọng tạo thêm một triệu chỗ làm. Một giải pháp như vậy mới cho phép Ai Cập hội nhập với giai đoạn dịch vụ công nghệ mới của thế giới đương đại.

Dù theo giải pháp nào, khá nhiều chuyên gia cho rằng, điều thực sự căn bản khiến Ai Cập có thể cất cánh được, trước hết không phải là những công trình quy mô lớn, mà là sự từ bỏ lối mòn của một nền kinh tế dựa trên các đặc quyền, đặc lợi (économie du rente). Cũng như nhà chính trị học Jean Marcou trong cuộc phỏng vấn vừa được giới thiệu, kinh tế gia người Liban Georges Corm – chuyên gia về khu vực Trung Cận Đông – khẳng định : « cơ chế kinh tế đặc lợi là vấn đề chủ yếu của thế giới Ả Rập », trong đó có Ai Cập, « nền kinh tế đặc lợi có nhiều gương mặt, không chỉ duy nhất dựa vào các nguồn tài nguyên dầu khí. Các khoản viện trợ, kiều hối, du lịch đại chúng, kênh đào Suez, hay địa ốc, là những nguồn thu đặc lợi khác, ngày càng có vai trò lớn trong thế giới Ả Rập. Thực trạng này ngăn cản sự hình thành những ngành kinh tế sản xuất, có khả năng tạo công ăn việc làm » (trang blog « Kinh tế và cách mạng. Thế giới Ả Rập trong tiến trình chuyển đổi » của báo Le Monde, 05/12/2013). Theo ông Georges Corm, trong các phong trào cách mạng mới đây của thế giới Ả Rập, chưa có lực lượng chính trị nào xây dựng cương lĩnh hành động trên nền tảng một « chương trình phát triển kinh tế khả dĩ thay thế cho mô hình phát triển tồi tệ hiện nay ». Mục đích trước hết của kênh đào Suez mới rốt cục rất có thể chỉ là để củng cố uy quyền của chính quyền Sissi.

---

Kinh tế gia Georges Corm là tác giả cuốn "Tư tưởng chính trị trong thế giới Ả Rập/Pensée politique dans le monde arabe". Tạp chí Idées/Tư tưởng của RFI phỏng vấn ông nhân dịp sách ra mặt. 

Tin bài liên quan

Mỹ nối lại đối thoại chiến lược với Ai Cập

Quốc tế quan ngại việc Ai Cập kết án tử hình cựu Tổng thống Morsi

Rafale giúp Ai Cập bớt lệ thuộc vào Mỹ

Ai Cập gia tăng oanh kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Libya

Nga – Ai Cập ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân

Ai Cập : Án tử hình với 183 người ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo

Ai Cập âm thầm kỷ niệm 4 năm Mùa Xuân Ả Rập

Ai Cập : Quân thánh chiến tấn công vào bán đảo Sinai

Thống chế Sissi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Ai cập

Tunisia : Các cải cách quan trọng còn ở phía trước (Phần "Các cải cách kinh tế bị trì hoãn", p/v kinh tế gia Radhi Meddeb)

Quân đội Ai Cập : Độc tài hay trọng tài cho tiến trình dân chủ ?

Cách mạng dân chủ Ai Cập gặp thử thách

Trung Quốc kiểm duyệt từ "Ai Cập" trên internet

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.