Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Nước Anh xôn xao vì thuyền nhân đắm tàu ở Địa Trung Hải

Sự kiện hàng trăm thuyền nhân bỏ mạng trên đường vượt biên qua Địa Trung Hải để vào Châu Âu đang làm chấn động dư luận, không chỉ tại những quốc gia đứng mũi chịu sào như Ý hay Hy Lạp, mà cả tại những nước khác, đặc biệt tại Anh Quốc. Lãnh đạo các nước Liên Hiệp Châu Âu tổ chức họp bàn khẩn cấp để tìm giải pháp, nhưng những tiếng nói từ Luân Đôn rất được quan tâm, vì đích đến thực sự của những người vượt biên chính là để vào Anh xin tị nạn.

Thuyền nhân châu Phi trên cảng Augusta của Sicilia ngày 16/04/2015.
Thuyền nhân châu Phi trên cảng Augusta của Sicilia ngày 16/04/2015. Reuters
Quảng cáo

Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải điểm lại một số quan điểm nổi bật.

06:33

Thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn

Mai Vân

Lê Hải : Một trong số những ý kiến mạnh mẽ nhất trong dư luận ở Anh là của Lord Ashdown, trước đây là lãnh đạo đảng Lid-Dem (Tự Do Dân Chủ), và cũng từng có thời gian phục vụ trong lực lượng hải quân Anh, yêu cầu sử dụng lực lượng đặc nhiệm để phá hủy tàu vượt biên trước khi rời bến.

Ý kiến của ông trên tờ Guardian cũng giống như đề nghị mà các ngoại trưởng và bộ trưởng nội vụ các nước Liên hiệp châu Âu đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp hồi đầu tuần. Họ muốn sử dụng lực lượng vũ trang để tiêu diệt các đường dây buôn người ở Libya. Tuy nhiên, sử dụng quân đội ở nước ngoài và nhất là trong vùng biển quốc tế không phải là chuyện đơn giản, vì đụng chạm đến các vấn đề không chỉ đơn thuần là ngoại giao mà còn cả công pháp quốc tế.

Một trong số các ý kiến cảnh báo từ giới chuyên môn là cựu lãnh đạo hải quân Anh Lester May, nói rằng khi có một chiếc tàu chở người đang ở hải phận quốc tế, thì chuyện những người đó có đang vượt biên hay không hoàn toàn không phải là lý do để tàu chiến của một quốc gia nào đó đến kiểm tra, chưa nói gì đến chuyện can thiệp hay chặn giữ họ.

Một chuyên gia khác là hạm trưởng Graham Edmonds với trên 40 năm chỉ huy cả chục chiến hạm của Anh thì cho rằng hải quân các nước có đủ phương tiện để phong tỏa cảng biển các nước bắc Phi để ngăn cản người vượt biên tiến vào vùng biển quốc tế. Lý do chính đáng để can thiệp là bảo vệ cho tính mạng của họ khỏi bị chết đuối trên những chuyến tàu nguy hiểm. Giới chuyên gia quân sự của Anh cũng đặt câu hỏi về vai trò của hạm đội Sáu của Mỹ trong khu vực này.

RFI : Cùng là câu chuyện về di dân vượt biên vào lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu, nhưng mỗi quốc gia lại phản ứng rất khác nhau. Nước Ý và Hi Lạp là nơi mà di dân thường xuyên đổ bộ vào thì lại khá thờ ơ, trong khi nhiều nước EU thì lại nhìn vào thái độ và phản ứng của Anh và Đức. Nguyên nhân là vì sao ?

Lê Hải : Để hiểu được điều này chỉ cần nhìn vào tuyến đường của người vượt biên từ châu Phi vào châu Âu. Hiện nay đa số người đến tư Libya và Syria là hai vùng chiến sự mới gần đây. Tiếp theo đó là dân từ quốc gia Erythrea mới tách ra khỏi Ethiopia không lâu và liên tục bất ổn về chính trị hay tôn giáo và sắc tộc. Ngoài ra còn có vùng chiến sự trước đây là Somalia. Tất cả các nước vừa kể đều liên quan rất nhiều với nước Anh và ở Anh có sẵn nhiều cộng đồng sắc tộc từ các nước đó đang sinh sống,

Ngoài ra còn có những đường dây đưa người từ các nước Nam Á như Ấn Độ, Pakistan và Srilanka, hay các nước Trung Á như Afghanistan đi tới đây để lên thuyền đi tiếp. Mục tiêu của tất cả các nhóm di dân này là nhắm vào nước Anh, nơi họ có thể khai tị nạn, có cơ hội được hưởng chế độ trợ cấp tị nạn, và có nhiều cửa để kiếm tiền. Khi đến được Ý thì họ đi tiếp sang Pháp rồi tập trung về cảng Calais, và chờ thời cơ nhảy lên xe hàng trốn vào Anh.

Vấn đề là các chính phủ châu Âu phải tuân thủ luật nhân quyền và không thể đối xử tàn tệ với người nhập cư bất hợp pháp. Giáo hoàng Phãnicô mới đây cũng lên tiếng giải thích rằng vượt biên không phải là tội phạm hình sự, và khuyến khích giáo dân châu Âu cảm thông với di dân. Chính quyền và các tổ chức thiện nguyện ở Pháp cũng vừa tái mở cửa khu trại nghỉ đêm an toàn, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em ở khu vực cảng Calais, bất kể chỉ trích của bên phía nước Anh cho rằng làm như vậy là tạo điều kiện để có thêm người vượt biên vào Anh. Hiện có đến cả triệu người nước ngoài đang sinh sống bất hợp pháp trên hòn đảo này.

Nước Đức cũng là một trong số những điểm đến của di dân với hoàn cảnh tương tự nhưng qui mô nhỏ hơn. Cho nên, mặc dù, vấn đề thuyền nhân, vấn đề di dân trái phép, và vấn đề nhân đạo là vấn đề chung của Liên hiệp châu Âu, nhưng về biện pháp và nhu cầu phải giải quyết thì mỗi quốc gia lại có quyền lợi và cách suy nghĩ hoàn toàn khác nhau.

RFI : Vấn đề người nhập cư luôn là điểm nóng trong bối cảnh kinh tế suy thoái và mới chỉ bắt đầu phát triển ở lại ở các nước châu Âu. Và chuyện hàng trăm thuyền nhân bị chết cũng là điểm nóng cho dư luận về vấn đề nhân đạo, đi kèm theo là khoản ngân sách dành để chu cấp cho người tị nạn. Phải chăng là lịch sử thế giới như đang lại lặp lại những tranh cãi trước đây về thuyền nhân Việt Nam ?

Lê Hải : Trước đây vấn đề thuyền nhân Việt Nam chết ngoài biển khơi đã khiến nhiều tổ chức thiện nguyện cảm động, và thậm chí ở Đức người ta còn huy động cả tàu hàng từ cảng Hamburg sang chạy lòng vòng trong khu vực hải phận quốc tế dọc theo biển Đông của Việt Nam để chờ vớt người vượt biên.

Nhưng sau đó tình trạng quá tải ở các trại tị nạn ở châu Á cùng ngân sách kiệt quệ của các chính phủ phương Tây đã khiến giới chính trị đi đến chính sách đóng cửa trại tị nạn và ngưng nhận thuyền nhân Việt Nam. Hiện nay hễ gặp thuyền nhân là chính phủ Úc kiên quyết đưa họ vào một khu đảo tập trung để chờ ngày trả về nước, cho nên giải quyết được vấn đề người vượt biên, nhưng chính phủ lại phải đối mặt với các chỉ trích về nhân quyền.

Liên Hiệp Châu Âu bây giờ cũng đứng trước tình thế như vậy, thực sự là tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên, cái chết của hàng trăm thuyền nhân đã khiến dư luận các nước và nhất là người dân Anh quan tâm đến chuyện rằng ở nhiều nơi trên thế giới cuộc sống vẫn còn rất tồi tệ và người ta sẵn sàng trả giá bằng mạng sống để trốn chạy khỏi những nơi đó.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.