Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Biến đổi khí hậu tác động đến đại dương gây thiệt hại 2.000 tỷ đô la/năm

Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố ngày hôm qua của Viện Stockholm Environnement Institute, nếu không có gì làm hãm lại tác động của việc trái đất nóng lên đến biển cả, thiệt hại từ đây đến năm 2100 sẽ là khoảng 2.000 tỷ đô la/năm. Tuy nhiên, theo người phụ trách nhóm nghiên cứu, đây mới chỉ là phần nổi của các thiệt hại. 

Tác động của biến đổi khí hậu đến các đại dương để lại những hậu quả khó lường
Tác động của biến đổi khí hậu đến các đại dương để lại những hậu quả khó lường DR
Quảng cáo

Nghiên cứu mang tên « Đánh giá Đại dương » (Valuing the Ocean), do một nhóm chuyên gia liên ngành thực hiện với sự điều phối của cơ quan khoa học Thụy Điển, đã ước tính trị giá các thiệt hại trong các lĩnh vực : đánh bắt hải sản, du lịch, tác động của các trận bão, nước biển dâng cao và khả năng hút khí CO2 của đại dương.

Hai kịch bản được tính đến trong nghiên cứu kể trên. Kịch bản thứ nhất dự kiến mức tăng nhiệt độ là 4°C cho đến năm 2100. Trong trường hợp này, việc các đại dương bị suy thoái sẽ gây thiệt hại khoảng 1.980 tỷ đô la/năm, tương đương với 0,37% PIB toàn cầu. Riêng thiệt hại cho du lịch, ước tính là 639 tỷ đô la và nghề cá là 343 tỷ đô la.

Còn theo, kịch bản thứ hai, khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ được giảm đáng kể trong vòng 90 năm tới, với mức tăng nhiệt độ trung bình là 2,2°C. Trong trường hợp này, các thiệt hại do đại diện dương sẽ chỉ là 612 tỷ đô la/năm. Cũng có nghĩa là nếu nỗ lực để giảm nhiệt độ trung bình từ 4°C xuống 2,2°C, toàn thế giới sẽ tiết kiệm được khoảng 1.300 tỷ đô la/năm.

Khi đưa ra các con số kể trên, ông Frank Ackerman - phụ trách nhóm nghiên cứu về tác động kinh tế của khí hậu – nhấn mạnh : « Các số liệu này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, tuy nhiên chúng cũng đưa ra một chỉ báo về những gì mà chúng ta có thể tránh được về phương diện thiệt hại môi trường do các đại dương trong tương lai trên quy mô toàn cầu ». Nghiên cứu này còn chưa tính đến các thiệt hại về người, các di sản văn hóa, ...

Các nhà nghiên cứu khẳng định, việc không nỗ lực hành động để ngăn cản các biến đổi khí hậu sẽ để lại các hậu quả "bi thảm".

Các nhà nghiên cứu đã làm rõ tác động về mặt kinh tế của sự suy thoái của các đại dương trên năm phương diện chính.

Thứ nhất là tác động của nồng độ khí CO2 trong khí quyết đến quá trình axit hóa, và biển cả ngày càng mất đi khả năng hấp thu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thứ hai là, việc các đại dương bị hâm nóng sẽ làm cho cường độ của các trận cuồng phong ngày càng trở nên khủng khiếp, và các loài sinh vật biển sẽ di chuyển ngày càng nhiều đến các vùng nước mát hơn. Hậu quả thứ ba là, hình thành các vùng biển chết do các chất thải. Thứ tư là mực nước biển dâng cao, do băng tan, sẽ khiến cho nhiều đảo quốc hay các thành phố ven bờ biển bị ngập và thứ năm là, ô nhiễm trên biển cũng với việc khai thác hải sản thái quá sẽ ảnh hưởng đến độ đa dạng sinh thái.

Riêng về sự axit hóa của đại dương, tạp chí Mỹ Science, ra ngày 02/03/2012, công bố một nghiên cứu cho thấy mức độ axit hóa hiện nay là chưa từng thấy trên trái đất kể từ 300 triệu năm. Việc các đại dương bị axit hóa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của các sinh vật dưới biển, đặc biệt là sẽ làm biến mất các thảm san hô và nhiều loài sò ốc hay cá. Tốc độ axit hóa hiện nay được ước tính nhanh gấp 10 lần so với thời điểm cách đây 56 triệu năm, là lúc mà khí hậu và môi trường trên trái đất bị biến đối rất mạnh, mà nguyên nhân có thể là do các núi lửa hoạt động hết sức dữ dội.

Vào cuối năm 2009, tức là trước Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 15 tại Copenhagen, một nghiên cứu của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên toàn cầu và hãng Bảo hiểm Allianz, dựa trên các con số của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đã đưa ra con số ước tính thiệt hại sẽ lên tới khoảng 28.000 tỷ đô la, chỉ riêng đối với việc 136 đô thị lớn ven biển bị nước đại dương dâng lên đe dọa. Đây là số tiền tương đương với thiệt hại của 10 cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, như cuộc khủng hoảng vừa qua.

Các bài liên quan 

Nam Bắc cực tan băng, các thành phố duyên hải bị thiệt hại nghiêm trọng

Gia tăng hợp tác quốc tế hạn chế đánh cá, cứu đại dương

Mực nước các đại dương có thể dâng cao thêm 1,6 mét vào năm 2100

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.