Vào nội dung chính
PHÁP - UKRAINA - QUÂN SỰ

Tổng thống Pháp vẫn không loại trừ khả năng gởi quân sang Ukraina

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa nhấn mạnh, phương Tây ‘‘không thể loại trừ việc đưa quân’’ đến Ukraina để chặn đứng tham vọng của điện Kremlin, nếu cần. Tuyên bố của tổng thống Pháp được đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn tuần báo Anh The Economist, với chủ đề chính là làm thế nào để tránh nguy cơ châu Âu ‘‘sụp đổ’’.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 02/05/2024.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 02/05/2024. REUTERS - Benoit Tessier
Quảng cáo

Trong bài trả lời phỏng vấn hơn hai giờ đồng hồ với The Economist tại điện Elysée, được đăng tải hôm qua, 02/05/2024, tổng thống Macron khẳng định phương Tây cần phải tính đến phương án nói trên, ‘‘nếu quân đội Nga chọc thủng các phòng tuyến của Ukraina và nếu chính quyền Kiev yêu cầu’’. Lãnh đạo Pháp nói rõ là việc bỏ qua phương án này sẽ cho thấy là các quốc gia NATO ‘‘đã không rút ra được các bài học từ 2 năm vừa qua’’, với việc không viện trợ xe tăng và phi cơ chiến đấu cho Ukraina trong thời gian đầu chiến tranh.

Tuyên bố của tổng thống Pháp hồi cuối tháng 02/2024 không loại trừ khả năng gửi quân đến Ukraina từng gây phản đối mạnh mẽ trong nội bộ NATO. Cho đến nay, đa số các nước châu Âu và Hoa Kỳ vẫn bác bỏ phương án này, cho dù kể từ đó một số nước đã có phần ủng hộ quan điểm của ông Macron.

Đối với tổng thống Pháp, kể từ khi mở cuộc xâm lăng Ukraina ngày 24/02/2022, nước Nga của Putin đã chà đạp lên luật pháp quốc tế, và sẵn sàng cho một cuộc ‘‘chiến tranh toàn diện’’, đặt phương Tây và trước hết là châu Âu trước các thách thức địa chính trị, quân sự, và an ninh chưa từng có. Theo tổng thống Macron, việc duy trì một quan điểm ‘‘mơ hồ chiến lược’’ về việc sẵn sàng gửi quân là điều cần thiết để đạt được ‘‘mục tiêu chiến lược rõ ràng’’ (objectif stratégique clair), đó là ‘‘không thể để Nga giành chiến thắng tại Ukraina’’.

Biện pháp sẵn sàng gửi quân đến Ukraina, mà tổng thống Pháp tái đề xuất, nằm trong dự án ‘‘nỗ lực vượt bậc’’ về nhiều mặt để tránh cho châu Âu bị ‘‘sụp đổ’’, do ba hiểm họa chính: ‘‘hiểm họa về an ninh, địa chính trị’’, ‘‘hiểm họa về kinh tế - công nghệ’’‘‘hiểm họa khủng hoảng của nền dân chủ’’. Ngay trong câu đầu của bài phỏng vấn, tổng thống Macron dẫn lại câu nói của thi sĩ, triết gia Pháp Paul Valéry, sau Đệ Nhất Thế Chiến, cảnh báo là ‘‘một nền văn minh cũng có thể tiêu vong’’. Với tổng thống Pháp, nếu không hành động đủ tầm mức, đại khủng hoảng có thể đến ‘‘rất mau chóng’’‘‘sự sụp đổ có thể tàn khốc hơn nhiều so với điều mà chúng ta hình dung’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.