Vào nội dung chính
TỰ DO BÁO CHÍ

RSF: Tự do báo chí thế giới “suy giảm đáng lo ngại”, Việt Nam vẫn trong nhóm cuối bảng

Hôm nay, 03/05/2024, nhân Ngày tự do báo chí thế giới, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) của Pháp đã công bố bảng xếp hạng năm 2024 về điều kiện hành nghề của giới phóng viên ở các nước. Chỉ số tự do báo chí của Việt Nam tăng 4 hạng so với năm ngoái, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia cuối bảng.

Ảnh tư liệu minh họa : Một người biểu tình ủng hộ tự do báo chí ở Manila, Philippines, ngày 18/12/2019.
Ảnh tư liệu minh họa : Một người biểu tình ủng hộ tự do báo chí ở Manila, Philippines, ngày 18/12/2019. AP - Aaron Favila
Quảng cáo

Năm 2024 được coi là “năm có nhiều kỳ bầu cử nhất trong lịch sử thế giới”, với một nửa dân số trên hành tinh sẽ đi bỏ phiếu. Nhưng theo RSF, năm nay lại chứng kiến “sự suy giảm đáng lo ngại trong việc ủng hộ và tôn trọng quyền tự chủ của truyền thông”. Nhìn chung, điều kiện hành nghề báo chí ở 3/4 các quốc gia còn kém, các chủ thể chính trị thường xuyên tham gia vào các chiến dịch tuyên truyền hoặc truyền bá thông tin sai lệch.

Tại châu Âu, Na Uy vẫn đứng đầu bảng xếp hạng tự do báo chí. Trong khi đó, theo RSF, tại Belarus (thứ 167) hay Gruzia (thứ 103), “việc kiểm duyệt các phương tiện truyền thông đã được tăng cường, bắt chước các hành động đàn áp của Nga”. Ở châu Phi, chính quyền các nước Niger (thứ 80), Burkina (thứ 86) và Mali (thứ 114) “tiếp tục thắt chặt kiểm soát đối với các phương tiện truyền thông và cản trở công việc của các nhà báo”. Ngược lại, tại châu Mỹ Latinh, tình hình đang được cải thiện ở Chilê (thứ 52, +31) và Brazil (thứ 82, +10). Còn tại châu Á, Hồng Kông xếp thứ 135 về tự do báo chí do chính quyền gia tăng đàn áp nhân danh luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt vào năm 2020.

Riêng tại Việt Nam, Phóng viên không biên giới cho biết mạng xã hội và internet vẫn bị kiểm soát chặt chẽ. Dù đã tăng 4 hạng so với năm ngoái, Việt Nam vẫn xếp thứ 174/180. Khoảng 40 nhà báo hiện đang bị giam trong các nhà tù ở Việt Nam và tình trạng ngược đãi vẫn rất phổ biến. Nhiều chủ đề bị kiểm duyệt, bao gồm các tiếng nói bất đồng chính kiến, các vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức cấp cao, quan hệ với Trung Quốc, các vấn đề nhân quyền… Theo luật pháp Việt Nam, bất kỳ ai bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, “tuyên truyền chống Nhà nước” hoặc “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ” có thể bị kết án lên tới 20 năm tù.

Cũng nhân dịp này, UNESCO đã trao Giải thưởng Tự do Báo chí Thế giới cho tất cả các nhà báo Palestine đưa tin về Gaza, nơi bị tàn phá nặng nề trong suốt gần 7 tháng qua do các cuộc tấn công của Israel. Ông Mauricio Weibel, chủ tịch Ban giám khảo quốc tế, gồm các chuyên gia truyền thông, cho biết họ muốn gửi một thông điệp đoàn kết mạnh mẽ tới các nhà báo tại đây và nhấn mạnh “nhân loại nợ họ một món nợ to lớn, vì lòng dũng cảm và cam kết của họ đối với quyền tự do ngôn luận”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.