Vào nội dung chính
SINH VIÊN MỸ - PALESTINE

Gaza : Những vấn đề xung quanh phong trào sinh viên Mỹ ủng hộ Palestine

Từ hai tuần qua, nhiều đại học trên khắp nước Mỹ đã bị người biểu tình xâm nhập vào khuôn viên trường để phản đối cuộc chiến của Israel chống lại tổ chức Palestine Hamas ở dải Gaza.

Cảnh sát bắt giữ sinh viên biểu tình ủng hộ Palestine tại trường đại học Texas, Austin, Hoa Kỳ, ngày 24/04/2024.
Cảnh sát bắt giữ sinh viên biểu tình ủng hộ Palestine tại trường đại học Texas, Austin, Hoa Kỳ, ngày 24/04/2024. Getty Images via AFP - BRANDON BELL
Quảng cáo

Các trường Harvard, Yale hay Columbia đều bị ảnh hưởng. Kể từ cuộc tấn công đẫm máu của Hamas vào Israel ngày 07/10/2023 kéo theo phản ứng quân sự của Nhà nước Do Thái, các khuôn viên đại học Hoa Kỳ đã trở thành hiện trường của các cuộc phong tỏa và biểu tình bạo lực ủng hộ Palestine. Ngày 30/04/2024, hàng trăm cảnh sát New York đã xông vào đại học Columbia, tâm điểm của những cuộc biểu tình, để giải tán các nhà hoạt động ủng hộ Palestine. Một ngày sau đó, các cuộc đụng độ cũng nổ ra trong khuôn viên trường đại học UCLA ở Los Angeles, bang California.

Nhìn lại quá khứ

Đây không phải là lần đầu tiên sinh viên Hoa Kỳ nổi dậy. Những sự kiện tương tự đã từng xảy ra vào những năm 1960-1970, khi sinh viên tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam và ủng hộ dân quyền. Trong khi đó, nhiều nhân vật bảo thủ cáo buộc họ là những thành phần tinh hoa được nuông chiều, những kẻ kích động từ nước ngoài và những người thân cộng sản bạo lực, đã gieo rắc mối bất hòa để tiêu diệt nước Mỹ. Phe bảo thủ nhấn mạnh các cuộc biểu tình đã cản trở hoạt động của trường đại học và khẳng định ban lãnh đạo phải có nhiệm vụ bảo đảm các hoạt động thường nhật được tài trợ bởi học phí.

Cụ thể là vào năm 1970, sau vụ thảm sát ở trường Kent State, khi lực lượng Vệ binh Quốc gia nổ súng vào sinh viên, làm 4 người thiệt mạng và 9 người bị thương, khiến gần một nửa số trường đại học trên toàn quốc quyết định đóng cửa tạm thời, trong bối cảnh làn sóng phẫn nộ lan rộng trong giới trẻ. Năm học chỉ còn một hoặc hai tuần trước khi bế giảng, nhiều trường đã phải hủy các lớp học cùng với một số lễ tốt nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều nhân vật bảo thủ đã gây áp lực với các trường đại học để buộc những cơ sở này mở cửa trở lại. Đối mặt với các cuộc biểu tình liên tiếp cùng với áp lực gay gắt từ phe cánh hữu, nhiều lãnh đạo trường đại học đã yêu cầu cảnh sát và Vệ binh Quốc gia đến trục xuất các sinh viên biểu tình khỏi khuôn viên trường.

Ban lãnh đạo trường học và các nhà lập pháp lo ngại rằng cảnh sát địa phương không thể đối phó với số lượng sinh viên biểu tình rất lớn, đã quyết định giao cho lực lượng cảnh sát trú đóng ngay trong khuôn viên trường, trong khi lực lượng vốn chỉ có trách nhiệm giám sát các bãi đậu xe và thực thi lệnh giới nghiêm, quyền bắt giữ và mang súng theo người.

Vào thời điểm đó, hiệu trưởng các trường đại học thường xuyên nhượng bộ những dân biểu bảo thủ, và nhiều nhóm nhân danh chống chủ nghĩa cộng sản đã tố cáo sinh viên biểu tình kêu gọi hòa bình.

Giờ đây, các hiệu trưởng trường đại học đều có xu hướng xoa dịu các nhà tài trợ và các dân biểu tức giận. Sau khi hiệu trưởng trường Columbia Minouche Shafik trong những tuần vừa qua yêu cầu cảnh sát New York giải tán sinh viên biểu tình, bà đã bị Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ chỉ trích mạnh mẽ. Nếu quá khứ lặp lại thì những tuần và tháng tới có thể sẽ hết sức khó khăn đối với các hiệu trưởng trường đại học như bà Shafik.

Nguồn gốc của phong trào biểu tình ủng hộ Palestine

Mọi chuyện bắt đầu ngày 08/10/2023, một ngày sau vụ tấn công của Hamas. Khoảng 30 nhóm và câu lạc bộ sinh viên thuộc đại học Harvard, Boston, đã đồng ký tên và phân phát trong khuôn viên trường một lá thư tố cáo “chế độ phân biệt chủng tộc ở Israel”, “chịu trách nhiệm về mọi bạo lực” và quyết định về “mọi khía cạnh của đời sống người Palestine” trong suốt 75 năm qua. Cùng thời điểm, các “trại” ủng hộ Palestine đã được dựng lên trong hàng chục khuôn viên trường, khiến các sinh viên Do Thái bày tỏ sự bất bình.

Ngày 05/12, trong phiên điều trần Quốc Hội về cuộc chiến chống tư tưởng bài Do Thái ở các trường đại học Mỹ, Claudine Gay, hiệu trưởng trường Harvard, và những người đồng cấp của bà ở đại học Pennsylvania và Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT), đã được triệu tập để hỏi về các biện pháp họ đã thực hiện nhằm bảo đảm an toàn cho sinh viên. Khi được dân biểu Elise Stefanik, thân cận với Trump, hỏi rằng những lời kêu gọi diệt chủng người Do Thái có vi phạm các quy định nội bộ của trường đại học hay không, các hiệu trưởng đã trả lời điều đó còn “phụ thuộc vào bối cảnh”, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt, khiến họ phải từ chức sau đó.

Làn sóng phản đối cuộc chiến của Israel chống Hamas ở dải Gaza đã lan rộng khắp các trường đại học Mỹ từ 10 ngày qua, bắt nguồn từ trường Columbia, nơi 100 người bị bắt ngày 18/04. Kể từ đó, hàng trăm người khác từ sinh viên, giáo viên, hay các nhà hoạt động đều bị thẩm vấn, và thậm chí bị bắt và bị truy tố.

Những trường đại học bị ảnh hưởng

Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần kể từ ngày 08/10, các “trại” ủng hộ Palestine đã xuất hiện ở hơn 80 đại học, hiện diện tại 2/3 số bang của Mỹ. Phong trào đặc biệt mạnh mẽ ở miền đông bắc Hoa Kỳ (Columbia, Yale, NYU và đại học Northeastern), và đang dần lan rộng đến Texas, Arizona và California. Ví dụ, tại đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, một nhóm sinh viên đã treo cờ Palestine ở giữa khuôn viên trường, trước khi cảnh sát tháo xuống và treo lại cờ Mỹ. Khoảng 20 trường đại học cũng đã yêu cầu cảnh sát đến can thiệp, chẳng hạn như UCLA ở Los Angeles hay Columbia ở New York.

Tổng cộng, đã có hơn 900 người bị bắt, trong đó có khoảng 100 người ở Northeastern (Boston), USC (Los Angeles) và Columbia (New York). Theo báo New York Times, con gái của dân biểu đảng Dân Chủ Ilhan Omar, đang theo học tại trường Columbia, dường như đã nhận trát hầu tòa. Trong chuyến thăm trường Columbia vào tuần trước, bà Omar đã ám chỉ rằng “một số sinh viên Do Thái ủng hộ nạn diệt chủng (ở Gaza)”.

Yêu cầu của phong trào biểu tình

Trong khi tất cả sinh viên biểu tình đều yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở dải Gaza, nhiều người cũng kêu gọi các trường đại học của họ cắt đứt quan hệ với các công ty và những nhà tài trợ có liên hệ với Israel. Đại học Columbia đã từ chối yêu cầu này. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ. Đại học Brown danh tiếng ở Providence, bang Rhode Island, đông bắc Hoa Kỳ, đã công bố một thỏa thuận với sinh viên về việc dỡ bỏ khu lều trại, và đổi lại, sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào tháng 10 về khả năng “thoái vốn” của “các công ty tài trợ và thu lợi từ nạn diệt chủng” ở Gaza.

Nguồn : L’Express, The Conversation

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.