Vào nội dung chính
ECUADOR - MÊHICÔ

Ecuador bị cô lập ngoại giao vì tấn công đại sứ quán Mêhicô

Ngày 07/04/2024, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết ông cảm thấy « kinh hoàng » vì vụ đột kích của cảnh sát Ecuador vào đại sứ quán Mêhicô ở thủ đô Quito để bắt cựu phó tổng thống Jorge Glas, bị cáo buộc tham nhũng, đang xin tị nạn. Bị Mêhicô cắt đứt quan hệ ngoại giao, Ecuador còn phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích, lên án từ khắp Nam Mỹ.

Cảnh sát và binh lính bảo vệ trại giam nơi cựu phó tổng thống Ecuador Jorge Glas bị giam giữ sau khi cảnh sát đột nhập vào đại sứ quán Mexico để bắt giữ ông ở Quito, Ecuador. Ảnh ngày 06/04/2024.
Cảnh sát và binh lính bảo vệ trại giam nơi cựu phó tổng thống Ecuador Jorge Glas bị giam giữ sau khi cảnh sát đột nhập vào đại sứ quán Mexico để bắt giữ ông ở Quito, Ecuador. Ảnh ngày 06/04/2024. AP - Dolores Ochoa
Quảng cáo

Ngay sau vụ đột kích, ông Glas, 54 tuổi, đã bị đưa đến một nhà tù an ninh cao ở Guayaquil (tây nam). Tổng thống Daniel Noboa tính toán gì khi ra lệnh cho cảnh sát đột kích đại sứ quan Mêhicô? Thông tín viên RFI Eric Samson tại Quito giải thích :

« Trên bình diện ngoại giao và quốc tế, kết quả hoàn toàn tiêu cực cho chính quyền Quito. Từ Liên Hiệp Quốc đến Tổ chức Các Quốc Gia châu Mỹ (OAS), tất cả các nước đều lên án Ecuador vi phạm Công ước Vienna quy định về quyền bất khả xâm phạm của các đại sứ quán.

Ngoài Mêhicô, Nicaragua cũng cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Quito. Colombia, Peru, Brazil, Bolivia, những nước thân cận và có thể giúp Ecuador chống các băng đảng buôn bán ma túy, cũng lên án quyết định của tổng thống Noboa. Việc nhân viên của đại sứ quán và các lãnh sự quán Mêhicô về nước sẽ gây khó khăn hơn cho người Ecuador đến Mêhicô và ngược lại, cũng như việc cấp thị thực và hỗ trợ pháp lý. Hiện giờ vẫn chưa rõ các thỏa thuận thương mại và các chương trình hợp tác có bị tác động hay không.

Thế nhưng tại sao lại đưa ra quyết định đầy rủi ro như vậy? Có lẽ là nhằm bảo đảm cho thành công của cuộc trưng cầu dân ý dự kiến tổ chức ngày 21/04 tới với đề xuất thắt chặt luật chống tội phạm và cho phép dẫn độ những kẻ buôn lậu. Tổng thống Noboa coi đây là một trụ cột trong chính sách chống các băng đảng với các cuộc giao tranh có vũ trang đang diễn ra và xây dựng các nhà tù mới được bảo vệ nghiêm ngặt.

Nếu chính sách được ủng hộ thì có lẽ sẽ là một bước quan trọng để ông Daniel Noboa được tái đắc cử và ông không che giấu điều này. Thể hiện là một người kiên quyết, không ngại mạo hiểm để đối mặt với tình trạng không bị trừng phạt, trong trường hợp này là cựu phó tổng thống Jorge Glass, rõ ràng lại mang đến kết quả là gây phẫn nộ cho cả thế giới ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.