Vào nội dung chính
TRUNG ĐÔNG - ISRAEL -PALESTINE

Trung Đông: G20 ủng hộ giải pháp hai Nhà nước độc lập Israel và Palestine

Trong cuộc họp hôm qua 22/02/2024 tại Rio de Janeiro, Brazil, các ngoại trưởng của nhóm G20 cho rằng giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng ở Trung Đông là có hai nhà nước Israel và Palestine, theo tuyên bố của lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Âu, Josep Borrell.  

Các đại biểu dự hội nghị các ngoại trưởng G20, ngày 21/02/2024 du 21 février 2024 tại Rio de Janeiro, Brazil.
Các đại biểu dự hội nghị các ngoại trưởng G20, ngày 21/02/2024 du 21 février 2024 tại Rio de Janeiro, Brazil. © Silvia Izquierdo / AP
Quảng cáo

Theo Reuters, phát biểu với báo giới, lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu, ông Josep Borrell, đã khẳng định là ở hội nghị G20, không một ai phản đối giải pháp hai Nhà nước độc lập và việc lập Nhà nước Palestine. Ông nhấn mạnh, « đó là một sự đồng thuận » và đồng thời lưu ý cần có một « sự vận động chính trị » để giải pháp này được triển khai. 

Về tình hình chiến sự ở dải Gaza, theo một phóng viên của AFP, quân đội Israel trong đêm qua rạng sáng nay đã oanh kích thành phố Khan Younès và Rafah, ở miền nam dải Gaza. Bộ trưởng Y Tế của Hamas khẳng định tổng cộng đêm qua đã có 110 người chết vì bom đạn của Israel.

UNRWA đã đến điểm sụp đổ ?

Trong khi đó, tổng cố vấn của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine hôm qua 22/02 cảnh báo rằng UNRWA đã đạt đến ngưỡng tan rã, trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc cho tiến hành thẩm định hồ sơ này. 

 

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten giải thích :

“Theo Philippe Lazzarini, UNRWA - được thành lập từ năm 1949 và tuyển dụng hơn 30.000 người tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, tại Liban, Jordanie và Syria - nay đã “đến ngưỡng tan rã”. Tổ chức này không còn có thể hoàn thành sứ mệnh do các vụ oanh kích ở dải Gaza. Quỹ của UNRWA hiện đã cạn : những cáo buộc của Israel liên quan đến việc 12 nhân viên UNRWA tham gia vụ tấn công ngày 07/10 đã khiến các nhà tài trợ chính bỏ đi. Dù có bằng chứng hay không, tất cả đều bị bế tắc. Liên Hiệp Quốc hy vọng sẽ tháo gỡ được tình trạng này qua việc thẩm định, đánh giá từ bên ngoài, do cựu ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna chỉ đạo.

Bà Colonna nói : “Mục tiêu của nhiệm vụ này là cho phép các nhà hảo tâm lấy lại niềm tin nếu đã mất hoặc nếu họ nghi ngờ về cách vận hành của UNRWA. Sẽ rất có ích nếu nhóm thẩm định có thể xác định tại chỗ, ở Gaza, là UNRWA hoạt động trong bối cảnh như thế nào. Tôi chưa biết liệu có thể làm như vậy hay không nhưng tôi sẽ thử đề nghị”.

Từ nay đến cuối tháng 04/2024, kỳ thẩm định này sẽ phải xác định xem liệu tính trung lập của UNRWA nhìn chung có bị tác động hay không kể từ khi xung đột Gaza nổ ra, đồng thời cuộc điều tra nội bộ sẽ xác định xem 12 nhân viên bị cáo buộc của cơ quan này có dính líu đến vụ tấn công hay không ?”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.