Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH - TRUNG QUỐC

Thần kinh - tâm lý : Cuộc chiến vô hình của Trung Quốc chống phương Tây

Có một cuộc chiến mà Trung Quốc đang bí mật tiến hành chống lại phương Tây, không phải về quân sự mà là về thần kinh và tâm lý. Mục tiêu đầy tham vọng và đáng sợ của Trung Quốc là chiếm đoạt trí não con người, làm tê liệt, gây chấn động, vô hiệu hóa và qua đó triệt hạ mọi ý tưởng chống cự trong hàng ngũ đối phương.

Ảnh minh họa : Cờ Trung Quốc tại Bắc Kinh, ngày 08/10/2019.
Ảnh minh họa : Cờ Trung Quốc tại Bắc Kinh, ngày 08/10/2019. AP - Mark Schiefelbein
Quảng cáo

Nhà nghiên cứu về châu Á Pierre-Antoine Donnet, trong bài viết « Cuộc chiến vô hình của Trung Quốc chống phương Tây », đăng trên trang mạng nghiên cứu châu Á Asialyst ngày 06/01/2024, cho biết các nhà nghiên cứu Mỹ đã tiết lộ là những vũ khí mới được phát triển một cách kín đáo ở Trung Quốc rất đáng sợ, vì thế cần khẩn cấp đưa ra các biện pháp ứng phó, để tránh nguy cơ cả lực lượng vũ trang và thường dân phương Tây bị tổn hại nghiêm trọng.

Nhóm nghiên cứu của Mỹ có tên gọi Sáng kiến ​​Mối đe dọa sinh học của đảng Cộng Sản Trung Quốc hồi tháng 12/2023 đã công bố báo cáo có tựa đề « Chiến tranh trong thời đại nhận thức : tấn công thần kinh và vũ khí tâm lý tiên tiến của quân đội Trung Quốc », qua đó gióng hồi chuông báo động : Các mối nguy hiểm đã trở nên cực đại bởi vì các nhà nghiên cứu quân đội Trung Quốc đã đạt được bước tiến rất lớn và ở mức độ hầu như không gây ra các mối ngờ vực.

Các tác giả của báo cáo gồm LJ Eads, cựu sĩ quan tình báo Mỹ ; Ryan Clarke, cựu thành viên lực lượng phản gián của Mỹ ; Xiaoxu Sean Lin, trợ lý giáo sư tại Feitian College Middletwon ở New York và cũng là cựu sĩ quan quân đội Mỹ ; Robert McCreight, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia thuộc Đại học Nebraska.

Theo báo cáo, những vũ khí mới của Trung Quốc được phát triển bí mật nhằm đạt 3 mục tiêu nhắm vào sức khỏe thể chất và tinh thần của đối phương : gây ra những sự cố sức khỏe bất thường, những tổn thương não bất thường và các vụ tấn công thần kinh. Một số có tác động thoáng qua, một số khác gây những tổn thương không thể khắc phục cho não bộ.

Pierre-Antoine Donnet nhắc lại lời cảnh báo của các tác giả báo cáo : Không nên giá thấp những nghiên cứu mà đảng Cộng Sản Trung Quốc đang cho tiến hành trong các lĩnh vực này, bởi những nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng và có động cơ về mặt chiến lược. Trong thập niên qua, thật đáng tiếc là các công nghệ được cho là gây rối loạn tâm thần, gây chấn thương sọ não, cũng như gây tổn thương nhận thức lại có mục tiêu kép, tức là cả dân sự và quân sự.

Báo cáo cho biết, "ban đầu nhằm mục đích chăm sóc, chữa trị, những nghiên cứu này của Trung Quốc lại bị chuyển hướng, trở thành các loại vũ khí gây tổn thương nghiêm trọng về nhận thức và não bộ đối với các nạn nhân, mở ra một chiến trường mới : cơ thể con người, não bộ con người. Hiện giờ đang có một cuộc chạy đua địa chính trị quan trọng nhằm vô hiệu hóa, răn đe và phòng thủ trước các vũ khí mà Trung Quốc phát triển để vô hiệu hóa sức khỏe khả năng nhận thức và sức khỏe thần kinh của giới quân nhân, lãnh đạo và cả thường dân.

Các nhà nghiên cứu Mỹ nhấn mạnh là các hoạt động nghiên cứu do ĐCSTQ thực hiện trong lĩnh vực này đòi hỏi phương Tây chú ý hơn và phải có sự thay đổi hoàn toàn trong việc chuẩn bị chiến lược để bảo vệ sức khỏe nhận thức, sự an toàn và thoải mái của người dân phương Tây."

Biên giới mới của chiến tranh tâm lý

Nhà nghiên cứu Pierre-Antoine Donnet nhắc lại là hồi năm 2021, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin từng lưu ý về tình trạng nhân viên quân sự và ngoại giao Mỹ, đặc biệt là những người trú đóng tại nước ngoài, trong những năm gần đây đã đột ngột có những sự cố sức khỏe bất thường mà giới chuyên môn chưa thể giải thích được.

Những rối loạn bất thường đó được gọi là « hội chứng La Habana », gồm nhiều triệu chứng mà các nhà ngoại giao, quân nhân và nhân viên tình báo Mỹ - Canada gặp phải ở nhiều quốc gia kể từ cuối năm 2016. Các trường hợp đầu tiên được ghi nhận là nhân viên ngoại giao tại thủ đô La Habana của Cuba, dẫn đến tên gọi « hội chứng La Habana ». Các nạn nhân nói đến những rối loạn thính giác (tiếng rung, tiếng ù tai, tiếng ồn có tính định hướng ở một hoặc cả hai tai), rối loạn thị giác, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, mất trí nhớ ngắn hạn, cảm giác khó chịu trong người, mất thăng bằng, và nhất là bị tổn thương não.

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã khám phá các khía cạnh công nghệ của chương trình NeuroStrike (Tấn công thần kinh), bao gồm việc sử dụng vũ khí vi sóng và năng lượng định hướng, sự kết nối não người - máy tính, và các tiến bộ công nghệ sinh học khác, tức là sự phát triển của các công nghệ có khả năng nhắm tấn công não bộ của loài động vật có vú, với mục đích kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến cả một quần thể lớn. Các tác giả báo cáo nhấn mạnh quân đội Trung Quốc đã tích hợp được các kỹ thuật chiến tranh tâm lý chưa từng được nói đến này, trong đó trạng thái tâm lý của người tham chiến là một yếu tố quan trọng, sống còn cho sự thành công của các hoạt động quân sự truyền thống.

Những loại vũ khí này được thiết kế để làm suy giảm chức năng nhận thức, làm giảm nhận thức đầy đủ về tình hình và gây ra sự suy thoái thần kinh về ngắn hạn, trung hạn và cả dài hạn. Những công nghệ này nhằm tác động đến một bộ phận lớn dân số, mở ra những biên giới mới về chiến tranh tâm lý và kiểm soát thông tin.

Trong khi đó, đối với nội bộ quân đội Trung Quốc, những công nghệ này có thể cải thiện đáng kể năng lực nhận thức và thể chất của binh sĩ, có thể dẫn đến việc họ có năng lực « siêu nhân » trong các tình huống chiến đấu thông thường.

Chương trình NeuroStrike của Trung Quốc cũng dựa vào những tiến bộ trong các ngành khoa học thần kinh, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin. Hơn nữa, việc quân đội Trung Quốc khám phá ra các loại vũ khí sinh học tiên tiến, nhất là những vũ khí nhắm vào các chức năng nhận thức hoặc thao túng các trạng thái cảm xúc, cũng tạo ra một không gian mới về chiến tranh tâm lý.

« Gieo sự lú lẫn », « nhẹ nhàng giết chết » và « hủy diệt mạnh mẽ »

Theo Pierre-Antoine Donnet, các nhà nghiên cứu Mỹ cũng nói đến một chương trình của quân đội Trung Quốc mang tên « Cải thiện khả năng bảo vệ tâm lý để hỗ trợ các trận chiến trong tương lai ». Đây là chương trình do các tác giả là các sĩ quan quân đội Trung Quốc lập ra, gồm Vương Đan (Wang Dan) và Trương Húc (Zhang Xu), thuộc các đơn vị 94969 và 96812, nhấn mạnh đến tầm mức chưa từng có của các công cụ mới trong chiến tranh tâm lý và nêu rõ sự thay đổi mà quân đội Trung Quốc đã tiến hành, đặc biệt nhấn mạnh vào phạm vi nhận thức và tâm lý của một cuộc chiến tranh hiện đại mà mục tiêu vẫn không đổi : không cần chiến đấu mà vẫn khiến kẻ thù chịu khuất phục.

Trong cuộc chiến tâm lý mới này, việc gây ảnh hưởng, thao túng và kiểm soát bộ não của kẻ địch là rất quan trọng. Báo cáo của Mỹ nhấn mạnh việc quân đội Trung Quốc đưa vào học thuyết mới việc phổ biến khái niệm « sương mù nhận thức » trong một xã hội chịu ảnh hưởng của những thông tin sai lệch. Đó là một quá trình đưa các nhóm dân cư mà họ nhắm đến vào một môi trường internet, nơi mà mọi thứ đều là tức thời, phù du. Bằng cách này, việc chắt lọc sự thật từ những điều không thật trở thành gần như không thể làm được trong một môi trường mà thông tin được lặp đi lặp lại một cách có chọn lọc, để rồi cuối cùng trí não đối phương sẽ bị sự lú lẫn xâm chiếm hoàn toàn.

Ngoài khái niệm gieo rắc sự lú lẫn vào trí não đối phương, còn có các khái niệm « nhẹ nhàng giết chết » và « mạnh mẽ hủy diệt » nhằm đưa quân đội Trung Quốc đến mục tiêu quân sự tối thượng : phá hủy hoàn toàn tinh thần của kẻ thù mà không hủy diệt họ về thể chất.

Cũng trong báo báo, các nhà nghiên cứu Mỹ giải thích thêm về các công cụ đã được biết đến như trí tuệ nhân tạo (AI), các công nghệ tiên tiến mới về tin học lượng tử vốn vẫn chưa được biết đến nhiều, cũng như về vũ khí sinh học.

« Bộ ba gây chết chóc »

Trang mạng Eurasian Times ngày 22/12/2023 gọi các vũ khí sinh học, AI và chiến tranh nhận thức/não bộ của Trung Quốc là « bộ ba gây chết chóc » và cho biết, cũng theo báo cáo của các nhà nghiên cứu Mỹ nói trên, trong số các vũ khí tấn công trí não đối phương mà Trung Quốc đang nghiên cứu, có các loại dược phẩm được gọi là « thuốc về gien di truyền », được điều chế để sửa đổi cấu trúc bộ gien và sinh lý của con người và dường như để làm thay đổi các đặc điểm nhận thức, cảm xúc và hành vi của người bị nhắm tới.

Eurasian Times cũng trích dẫn một báo cáo của cơ quan tư vấn New America, theo đó quân đội Trung Quốc ngày càng thúc đẩy nghiên cứu về công nghệ thiết bị di động và hệ thống hỗ trợ tâm lý chuyên dụng nhằm giành chiến thắng ở những nơi mà họ xem là không gian cực kỳ quan trọng của chiến tranh nhận thức. Trong số các thiết bị quân sự di động được dùng cho chiến tranh nhận thức, có kính chống ngủ giúp trở nên tỉnh táo, cảnh giác hơn. Báo cáo của New America cũng nói đến nhiều loại vũ khí khác, chẳng hạn cánh tay điện tử có sóng radio sử dụng năng lượng điện từ để khi tấn công dù không làm chết người, nhưng khiến đối phương buồn ngủ hoặc suy giảm nhận thức.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.