Vào nội dung chính
COP28

COP28: Dự thảo thỏa thuận bị chỉ trích vì không ‘‘từ bỏ năng lượng hóa thạch’’

Vào ngày áp chót của hội nghị khí hậu COP28 hôm qua 11/12/2023, đông đảo các nước phản đối mạnh mẽ dự thảo thỏa thuận do văn bản này không có nội dung ‘‘từ bỏ năng lượng hóa thạch’’. Hôm nay, 12/12, Chủ tịch COP28 tái khẳng định vấn đề ‘‘tương lai của năng lượng hóa thạch’’ phải được đưa vào thỏa thuận chung.

Activists demonstrate with a sign that reads "fossil fuels" at the COP28 U.N. Climate Summit, Tuesday, Dec. 12, 2023, in Dubai, United Arab Emirates.
Các nhà hoạt động môi trường biểu tình đòi loại bỏ năng lượng hóa thạch tại COP28, Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ngày 12/12/2023. AP - Peter Dejong
Quảng cáo

Trong bản dự thảo dài 21 trang hôm qua, không còn mục tiêu giã từ dầu mỏ, khí đốt, và than đá như trong các dự thảo trước đó, mà chỉ có mục tiêu giảm dần việc sử dụng các năng lượng hóa thạch. Dự thảo – bị tố cáo được đưa ra dưới áp lực của nhóm các quốc gia dầu mỏ, đứng đầu là Ả Rập Xê Út – đã bị Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, các nước Nam Mỹ, châu Phi, và nhóm các tiểu đảo quốc cực lực chỉ trích. Trung Quốc chưa ra đưa quan điểm về vấn đề này. 

Đại diện của quần đảo Marshall nhấn mạnh, dự thảo nếu được thông qua đồng nghĩa với việc ‘‘ký bản án tử hình’’ đối với quần đảo đang có nguy cơ bị nhấn chìm bởi nước biển dâng cao do tác động của biến đổi khí hậu. Liên Hiệp Châu Âu khẳng định dự thảo hôm qua là ‘‘không đủ’’. Hoa Kỳ kêu gọi điều chỉnh ‘‘căn bản’’. Theo AFP, các cuộc tranh luận về dự thảo tuyên bố chung đã kéo dài quá nửa đêm. 

Vào lúc 2g30 phút giờ địa phương, tức 23g30 giờ quốc tế, trước các đồng nhiệm, đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kerry cảnh báo ‘‘đây là hội nghị khí hậu cuối cùng mà cộng đồng quốc tế có cơ may kềm chế mức tăng nhiệt độ không quá 1,5°C’’, mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris. Theo AFP, khả năng đạt được một thỏa thuận bao gồm nội dung ‘‘từ bỏ năng lượng hóa thạch’’ đang trở nên hết sức mong manh, trái ngược với không khí nhiều hy vọng cách nay ít hôm, cho dù trong ngày 12/12, tức ngày cuối của COP, một dự thảo mới có thể được đưa ra, dựa trên các thảo luận trong đêm qua. 

Sáng nay, chủ tịch COP28, Sultan al Jaber, một lần nữa bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ ra được một tuyên bố ‘‘lịch sử’’ về khí hậu và để làm được điều này, từ bỏ năng lượng hóa thạch phải được đưa vào tuyên bố chung. Theo tổng giám đốc COP28 Majid Al Suwaidi, việc loại bỏ nội dung ‘‘từ bỏ năng lượng hóa thạch’’ trong bản dự thảo hôm qua thực chất là để các nước bày tỏ quan điểm và vạch ra ‘‘các lằn ranh đỏ’’. 

Cho đến trước COP28, chưa hội nghị khí hậu nào của Liên Hiệp Quốc đưa được vấn đề năng lượng hóa thạch vào tuyên bố chung, cho dù các năng lượng này là thủ phạm của khủng hoảng khí hậu. Vấn đề tương lai của năng lượng hóa thạch và các mục tiêu cắt giảm khí thải trước 2030 là những nội dung chính của COP28. Cánh cửa hiện vẫn để ngỏ cho các đàm phám nước rút về tuyên bố chung, dự kiến có thể kéo dài đến tối nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.