Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH UKRAINA - TỘI ÁC

Ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc lại cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraina

Trong báo cáo trình bày trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneve, Thụy Sĩ, ngày hôm qua, 25/09/2023, các chuyên gia độc lập thuộc Ủy ban điều tra lại cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraina. Hơn một năm rưỡi sau khi bắt đầu cuộc xung đột, quân đội Nga tiếp tục thực hiện các hành vi tội ác. Từ « diệt chủng » thậm chí còn được nhắc tới, nhưng cho đến lúc này, các nhà điều tra vẫn rất thận trọng về cáo buộc này. 

Chủ tịch Ủy ban điều tra độc lập quốc tế về Ukraina, Erik Mose (G), trong cuộc họp báo công bố báo cáo điều tra tội ác chiến tranh của Nga, tại trụ sở Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Geneve, Thụy Sĩ, ngày 16/03/2023.
Chủ tịch Ủy ban điều tra độc lập quốc tế về Ukraina, Erik Mose (G), trong cuộc họp báo công bố báo cáo điều tra tội ác chiến tranh của Nga, tại trụ sở Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Geneve, Thụy Sĩ, ngày 16/03/2023. AP - Martial Trezzini
Quảng cáo

Từ Geneva, thông tín viên Jérémie Lanche tường trình :   

Các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến những khu vực đã và đang bị lực lượng Nga chiếm đóng. Đáng chú ý là Kherson và Zaporijia. Ở đó, tất cả những ai bị cáo buộc là chỉ điểm cho quân đội Ukraina đều bị tra tấn. Có thể bị tra tấn đến chết. Các nhà điều tra cũng đề cập đến nhiều vụ cưỡng hiếp phụ nữ, có người trên 80 tuổi, ngay trước mặt gia đình họ. Có lẽ, những tội ác chiến tranh này diễn ra trong khuôn khổ một cuộc diệt chủng.

Erik Møse, chủ tịch ủy ban điều tra, thừa nhận rằng vấn đề vẫn chưa được làm rõ ràng : « Chúng tôi nghi vấn nhiều yếu tố. Có những lời kích động diệt chủng được tuyên truyền bởi một số phương tiện truyền thông Nga. Cũng có việc cưỡng bức trẻ em sang Nga. Chúng tôi đã nhấn mạnh rằng đó là các vi phạm những chuẩn mực quốc tế. Nhưng liệu đây có phải là yếu tố cấu thành tội diệt chủng không ? Chúng tôi vẫn tiếp tục điều tra ».

Nếu như các nhà điều tra không che giấu việc lực lượng Ukraina cũng vi phạm nhân quyền - đặc biệt là chống lại các lực lượng vũ trang của đối phương, họ nói ngay là số các vụ vi phạm thấp hơn rất nhiều so với quân đội Nga. Và theo ủy ban điều tra, chiến tranh càng kéo dài, thì sự chênh lệnh này càng lớn. 

Hôm qua, 25/09, Nga ra lệnh truy nã chủ tịch Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) vì đã ban hành lệnh bắt giữ tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên phụ trách nhân quyền trẻ em của Nga, bà Maria Lvova Belova, hồi tháng 3 năm ngoái. CPI cáo buộc hai người này phạm tội ác chống nhân loại vì đã cưỡng bức trẻ em Ukraina sang Nga. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.