Vào nội dung chính
HOA KỲ - NGA

Biển Đen: Nga muốn vớt drone Mỹ để nghiên cứu, Washington "không lo ngại"

Matxcơva hôm qua 15/03/2023 cho biết họ muốn trục vớt chiếc drone của Mỹ bị rơi xuống Biển Đen để chứng minh sự can dự trực tiếp của Hoa Kỳ vào chiến tranh Ukraina. Washington ngược lại loan báo mở điều tra về ý đồ của Nga khi gây tai nạn làm cho chiếc drone do thám của Mỹ bị rơi hôm 14/03.

Hình ảnh trích từ video do không lực Mỹ công bố cho thấy máy bay SU-27 của Nga xả dầu xuống drone Mỹ MQ-9 trên Biển Đen, ngày 14/03/2023.
Hình ảnh trích từ video do không lực Mỹ công bố cho thấy máy bay SU-27 của Nga xả dầu xuống drone Mỹ MQ-9 trên Biển Đen, ngày 14/03/2023. via REUTERS - U.S. EUROPEAN COMMAND
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu trên truyền hình, ông Nikolai Patrushev, thư ký Hội Đồng An Ninh Nga, cho biết là Matxcơva sẽ nỗ lực tìm kiếm xác chiếc drone để nghiên cứu các thiết bị quan sát rất tinh vi được gắn trên phương tiện do thám này. Ông Patrushev còn tố cáo rằng vụ chiếc drone Mỹ bị rơi xuống Biển Đen đã chứng minh rằng Hoa Kỳ “đang trực tiếp can dự (...) vào cuộc chiến”.

Trước khả năng các bí mật bị Nga khám phá, phía Mỹ cố trấn an. Trên đài CNN, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby khẳng định Mỹ đã “thực hiện các bước cần thiết” để đảm bảo rằng chiếc drone hoặc thiết bị mang theo không thể rơi vào tay kẻ thù.

Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Mỹ, cũng tỏ ý tin tưởng rằng, cho dù Nga có vớt được chiếc drone, họ sẽ không thu  được gì, vì Hoa Kỳ đã thực hiện các bước để bảo vệ mọi thông tin nhạy cảm: “Chúng tôi tin chắc rằng mọi thứ có giá trị đều không còn nữa”.

Tướng Milley không loại trừ nỗ lực của Mỹ nhằm vớt chiếc drone, nhưng thừa nhận rằng điều đó sẽ rất khó khăn vì Hoa Kỳ hiện không có chiếc tàu nào ở Biển Đen, và chiếc drone có thể đã bị vỡ và chìm ở độ sâu từ 1.200 đến 1.500 mét.

Dẫu sao thì sự cố trên Biển Đen đã thúc đẩy một cuộc điện đàm hiếm hoi giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng Nga và Mỹ. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin hôm qua xác nhận đã nói chuyện với đồng nhiệm Nga Sergei Shoigu về sự cố.

Theo phía Mỹ, chính một chiến đấu cơ Su-27 của Nga đã chặn đường và làm hỏng cánh quạt chiếc drone Reaper MQ-9 của Mỹ. Đối với ông Austin, “Mỹ sẽ tiếp tục bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Và Nga có trách nhiệm vận hành máy bay quân sự của mình một cách an toàn và chuyên nghiệp”.

Đang công du Châu Phi, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng có tuyên bố tương tự: “Tôi chưa thể nói gì vào lúc này về động cơ hay ý định (của Nga), nhưng tôi có thể nói rất rõ ràng đó là một hành động thiếu suy nghĩ và nguy hiểm”.

Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Shoigu cho rằng một trong những nguyên nhân của sự cố là việc Mỹ “tăng cường” hoạt động gián điệp nhắm vào Nga. Ông đồng thời đe dọa Matxcơva sẽ “phản ứng tương xứng với bất kỳ hành động khiêu khích nào” từ phía Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.