Vào nội dung chính
HỘI NGHỊ ĐA DẠNG SINH HỌC - COP15

COP15: Đàm phán căng thẳng về khoản tài trợ 100 tỉ đô la/năm

Hội nghị bảo vệ các hệ sinh thái của Liên Hiệp Quốc tại Montréal, Canada, bước sang tuần lễ thứ hai. Đàm phán có nguy cơ bế tắc do bất đồng xung quanh khoản tiền 100 tỉ đô la/năm, mà các nước phía Nam đòi hỏi các quốc gia phát triển chi ra để ngăn chặn đà hủy diệt sinh giới đang diễn ra. Chiều hôm qua, 14/12/2022, đàm phán đã được nối lại.

Cảnh sát đi qua trung tâm tổ chức Hội nghị đa dạng sinh học COP15 tại Montreal, Canada, ngày 14/12/2022.
Cảnh sát đi qua trung tâm tổ chức Hội nghị đa dạng sinh học COP15 tại Montreal, Canada, ngày 14/12/2022. AP - Ryan Remiorz
Quảng cáo

Theo AFP, nhiều nước đang phát triển, đứng đầu là Brazil, đã rời khỏi bàn thảo luận tối thứ Ba 13/12. Tuy nhiên, một cuộc họp hôm thứ Tư 14/12, giữa các trưởng đoàn đàm phán, do Trung Quốc chủ tọa, đã tạm thời làm không khí phần nào dịu xuống, cho phép nối lại phiên họp vào buổi chiều. Thống nhất về khoản tiền tài trợ ở mức 100 tỉ đô la/năm cho Đa dạng Sinh học ngay trong những năm tới được nhiều nước phía Nam coi là điều kiện tiên quyết để thông qua các mục tiêu đầy tham vọng, bảo vệ ít nhất 30% diện tích Trái đất. 

Trả lời RFI, bà Eugenia Arguedas, trưởng đoàn đàm phán của Costra Rica, quốc gia đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học nhận định: ‘‘Chúng tôi đã rất mềm dẻo, đồng thời tiếp tục duy trì quyết tâm cao. Nhưng chúng tôi cũng cần đến một câu trả lời rõ ràng từ phía các nước tài trợ. Chúng tôi muốn biết rõ là bao nhiêu tiền sẽ được chi ra’’.  

Bất đồng trước hết liên quan đến việc tiền đóng góp được huy động từ nguồn nào. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, không thể trông đợi có được số tiền nói trên chỉ nhờ vào trợ giúp công từ phía các nước phát triển. Ông Eugenia Arguedas, phát ngôn viên môi trường của Ủy Ban Châu Âu, nhận định : ‘‘Nhu cầu là rất lớn về vấn đề Đa dạng Sinh học. Cần phải huy động các nguồn đầu tư đa dạng. Hiển nhiên là cần phải có đầu tư từ khu vực tư nhân, bên cạnh đó là đầu tư từ quốc gia sở tại, từ quốc tế’’.  

Trả lời AFP, ông Gilles Kleitz, thuộc Cơ quan Phát triển Pháp AFD, nhận định : để có thể đạt được một thỏa thuận, mỗi bên đều phải nỗ lực, ‘‘các nước phía Bắc phải thể hiện mức độ đoàn kết cao hơn trong lúc các nước phía Nam phải cam kết quản lý tốt hơn các nguồn đầu tư’’. Còn theo nhà môi trường Brian O'Donnell, giám đốc tổ chức phi chính phủ Campaign for nature, để có nguồn tài trợ nhiều hơn cho Đa dạng Sinh học, cần xác lập ‘‘sắc thuế đặc biệt nhắm vào các doanh nghiệp gây tổn hại cho đa dạng sinh học – trong đó chủ yếu là các tập đoàn dầu mỏ, khí đốt và các công ty khai khoáng’’.  

Theo giới chuyên gia, số tiền cần được huy động cho bảo vệ môi trường tăng mạnh lên đến mức từ 700 đến 900 tỉ/năm trước 2030, tức tương đương gần 1% GDP toàn cầu. Số tiền nói trên được coi là khổng lồ, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu không đầu tư đủ mức cho việc chặn đứng đà hủy diệt môi sinh, các hệ sinh thái sẽ sụp đổ. Đây là điều mà giới khoa học gọi là ‘‘cuộc đại diệt chủng sinh giới lần thứ sáu’’. 

Một thăm dò của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE) năm 2019 cho thấy, ‘‘các dịch vụ’’ mà các hệ sinh thái có thể cung cấp cho nhân loại ước tính từ 125 nghìn tỉ đô la đến 140 nghìn tỉ đô la/hàng năm, tức vượt quá GDP toàn cầu, theo cách tính hiện nay. Theo điều tra của công ty bảo hiểm Thụy Sĩ Swiss Re, 60% GDP toàn cầu, tương đương 44 nghìn tỉ đô la, phụ thuộc vào các hệ sinh thái. Các hệ sinh thái sụp đổ đe dọa sự tồn vong của nền kinh tế toàn cầu.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.