Vào nội dung chính
LIÊU ÂU - KHÍ ĐỐT

Liên Âu : Thỏa thuận giảm tiêu thụ khí đốt của Nga bắt đầu có hiệu lực

Hôm nay 09/08/2022, thỏa thuận trong Liên Hiệp Châu Âu về việc giảm tiêu thụ khí đốt chính thức có hiệu lực. Văn bản này đã được bộ trưởng Năng Lượng 27 nước thành viên Liên Âu ký trong một cuộc họp đặc biệt hồi cuối tháng 07. Đây là biện pháp khẩn cấp của Liên Âu để đề phòng nguy cơ Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu, nhất là vào mùa đông, khi nhu cầu dùng khí đốt sưởi ấm rất cao.

Ảnh minh họa : Tổng thống Latvia Egils Levits, tổng thống Litva Gitanas Nauseda, tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và ủy viên châu Âu về Năng lượng Kadri Simson tại lễ khánh thành đường ống dẫn khí đốt Ba Lan - Litva, tại Jauniunai, Litva, ngày 05/05/2022.
Ảnh minh họa : Tổng thống Latvia Egils Levits, tổng thống Litva Gitanas Nauseda, tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và ủy viên châu Âu về Năng lượng Kadri Simson tại lễ khánh thành đường ống dẫn khí đốt Ba Lan - Litva, tại Jauniunai, Litva, ngày 05/05/2022. REUTERS - JANIS LAIZANS
Quảng cáo

Từ Bruxelles, thông tín viên Jean-Jacques Héry cho biết chi tiết :

« Quy định có hiệu lực trên cơ sở tự nguyện. Mỗi nước thành viên có trách nhiệm làm « mọi điều » để giảm tiêu thụ khí đốt. Mục tiêu đã được ấn định : giảm ít nhất 15% trong khoảng thời gian từ ngày 01/08/2022 đến ngày 31/03/2023 so với mức tiêu thụ trung bình 8 tháng cùng kỳ trong 5 năm qua.

Thúc đẩy việc giảm tiêu thụ khí đốt ngay từ bây giờ sẽ cho phép chúng ta kịp thời dự trữ trước khi mùa đông đến. Nhưng nếu các nước thành viên Liên Âu không cho thấy họ nỗ lực đủ để giảm tiêu thụ khí đốt, điều gì sẽ xảy ra ? Nếu nhận thấy nguy cơ khan hiếm khí đốt, Hội Đồng Châu Âu có thể sẽ kích hoạt tình trạng báo động. Khi đó, quy định sẽ không còn chỉ là dựa trên tinh thần tự nguyện nữa mà việc giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt sẽ thành quy định bắt buộc.

Tuy nhiên, một số nước đã được miễn áp dụng quy định. Trước hết là các quốc đảo như Irlande, Malte và Chypre bởi các nước này không kết nối với đường ống dẫn khí đốt từ lục địa. Biện pháp miễn trừ một phần cũng được áp dụng đối với các nước vùng Baltic vốn kết nối với hệ thống điện của Nga : những nước này sẽ có thể sử dụng nguồn khí đốt dự trữ trong trường hợp mất điện. Và cuối cùng, nếu cần thì các nước có thể nhập khẩu từ nguồn khí đốt dự trữ của thành viên khác trong khối ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.