Vào nội dung chính
EU - LẠM PHÁT

Liên Hiệp Châu Âu giảm tăng trưởng để kìm lạm phát

Trong tháng 06/2022, lạm phát đã tăng 8,6% tại khu vực đồng euro, 9,4% tại Anh, 9,1% tại Mỹ, thậm chí tăng ở mức hai con số ở một số nước đang phát triển như Brazil. Khoảng 80 ngân hàng trung ương (trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản) đã buộc phải hành động để tránh lạm phát thêm trầm trọng. Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu cũng theo bước khi quyết định hôm 21/07 tăng lãi suất chỉ đạo thêm 0,5%.

Trụ sở của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) tại Frankfurt, Đức, ngày 30/12/2021.
Trụ sở của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) tại Frankfurt, Đức, ngày 30/12/2021. AP - Michael Probst
Quảng cáo

Đây là mức tăng chưa từng có từ 11 năm qua, khép lại thời kỳ lãi suất âm để kích thích nền kinh tế sau nhiều cuộc khủng hoảng trước đó. « Từ năm 2016, lãi suất ở mức 0% vì lạm phát tại Pháp, cũng như khắp khu vực đồng euro, gần như bằng 0 », theo giải thích của Maël Bernier, người phát ngôn của trang web Meilleurtaux.com, với báo 20minutes ngày 21/07.  

Khi tăng lãi suất chỉ đạo, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (Banque centrale européenne, BCE), định chế được thành lập năm 1988 để chống lạm phát, cũng chấp nhận rủi ro giảm tăng trưởng, thậm chí là suy thoái trong thời gian tới. Một viễn cảnh kinh tế được bà Christine Lagarde, chủ tịch BCE, đánh giá là không mấy khả quan :

« Hoạt động kinh tế bị chững lại. Cuộc xâm lược vô cớ của Nga tại Ukraina vẫn tiếp diễn. Tình trạng lạm phát đang đè nặng lên sức mua của các hộ gia đình. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Bất trắc đang ngự trị. Tất cả những yếu tố này gộp trong tổng thế ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Chân trời kinh tế tối tăm, mọi triển vọng đều xấu đi trong nửa cuối năm 2022 và sau đó. Các biện pháp tạm thời và đúng trọng tâm được áp dụng để hạn chế sức ép lạm phát này ».

Tăng lãi suất để hạn chế vay tín dụng

Một trong những « biện pháp tạm thời » là tăng lãi suất chỉ đạo thêm 0,5%, thay vì 0,25% như dự kiến. Lãi suất cao sẽ làm chậm lại hoạt động vay nợ của người tiêu dùng, doanh nghiệp, thậm chí là chính phủ. Điều này sẽ làm giảm mức cầu và cuối cùng, các ngân hàng trung ương mong sẽ kìm hãm được lạm phát. Trả lời RFI ngày 21/07, kinh tế gia Sylvain Bersinger, văn phòng Astérès, giải thích : 

« Khi lãi suất tăng cao, người đi vay, dù là hộ gia đình, doanh nghiệp hay Nhà nước, đều phải trả đắt hơn khi muốn vay tiền đầu tư hoặc tiêu dùng. Ví dụ họ phải mua xe hơi hoặc nhà ở đắt hơn, vì thế, các hộ gia đình mua sắm ít hơn, như bất động sản chẳng hạn. Các doanh nghiệp đầu tư ít đi và Nhà nước cũng chi ít hơn, nợ ít hơn, vì họ biết rằng việc vay nợ sẽ làm họ tốn kém hơn.

Nếu như tất cả những yếu tố kinh tế đó kìm hãm chi tiêu, hạn chế đầu tư thì dĩ nhiên kìm hãm cả hoạt động kinh tế và điều này sẽ dẫn đến việc hạn chế tuyển dụng nhân viên. Tỉ lệ thất nghiệp cao, nhân viên ít yêu cầu tăng lương hơn, sẽ dẫn đến việc nhu cầu sẽ giảm đi. Và trong nền kinh tế, nếu ít cầu hơn thì sẽ bớt gây sức ép về việc tăng giá khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ và phá vỡ tăng trưởng.

Có thể nói là bằng cách bóp nghẹt nền kinh tế, các ngân hàng trung ương tìm cách kềm chế lạm phát, để nhịp độ tăng của giá cả ở mức chấp nhận được. Mục tiêu của châu Âu là 2% ».

Hệ quả đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp

Bất động sản là một trong những lĩnh vực lớn chịu nhiều tác động và chịu « thiệt thòi » nhất vẫn là khách hàng cá nhân, cũng như chủ đầu tư xây dựng. Dù có nguồn tiền từ thị trường, các ngân hàng vẫn chủ yếu đi vay từ Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu. Lãi suất chỉ đạo tăng đồng nghĩa với việc ngân hàng cũng tăng lãi suất và thắt chặt điều kiện cho vay, theo giải thích trên đài RFI của giáo sư Grégory Vanel, Trường Quản lý Grenoble (Pháp) :

« Bằng việc hạn chế tiếp cận vay vốn để cố hạn chế gia tăng nhu cầu thì chi phí đầu tư bất động sản sẽ tăng lên. Từ lâu, chúng ta vẫn biết là hiếm khi một cá nhân mua nhà lần đầu có khả năng tài chính thanh toán hết ngay lập tức. Vậy thắt chặt điều kiện vay tín dụng đối với những người muốn mua bất động sản có gây tác động nào không ? Điều đó là có thể, nhưng không phải là tất yếu. Rất nhiều khả năng là sẽ có ít dự án để đầu tư hơn. Và nếu chính những đối tượng đó không hẳn muốn vay thêm, thì việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong trường hợp này có thể là phản tác dụng ».

Thực ra tại Pháp, việc ngân hàng nâng lãi suất, thắt chặt điều kiện vay vốn đầu tư bất động sản đã diễn ra từ vài tháng nay. Ông Philippe Crevel, giám đốc Cercle de l’épargne, cho biết « các ngân hàng đã tính trước hoàn cảnh mới của thị trường, nên dự kiến tiếp tục tăng lãi suất tín dụng bất động sản từ nay đến cuối năm ». Lãi suất 1% cách đây vài tháng đã tăng lên thành 2,5%, thậm chí có thể là 3% trong thời gian sắp tới.

Ngược lại, lãi suất cao lại gây tác động ở mức khác nhau đối với các doanh nghiệp. Giáo sư Grégory Vanel giải thích :

« Tất cả những doanh nghiệp phụ thuộc vào nhu cầu trong nội bộ khu vực đồng euro sẽ đối mặt với tình trạng giảm nhu cầu. Còn đối với những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn cầu quốc tế, thì việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ gây tác động cho việc tiếp cận tín dụng. Họ sẽ hạn chế được việc tăng giá trong khu vực đồng euro và như vậy sẽ cải thiện được sức cạnh tranh về giá các mặt hàng xuất khẩu ».

Lãi suất cao khiến chi phí nợ cao cũng gây ra tác động tiêu cực cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Do đó, họ cũng có thể tính đến việc chuyển các khoản đầu tư cổ phiếu sang trái phiếu, được cho là hấp dẫn hơn. Điều này lại khiến các doanh nghiệp mất đi một nguồn thu từ các thị trường tài chính.

Ngược lại, các ngân hàng được cho là có lợi từ việc tăng lãi suất sau nhiều năm ở mức âm. Nhật báo Le Figaro lấy ví dụ năm 2021, khi các ngân hàng trung ương bắt đầu giảm chính sách tiền tệ hào phóng, lĩnh vực ngân hàng đã lập tức khởi sắc trên thị trường chứng khoán.

Kiềm chế lạm phát cần hỗ trợ của Nhà nước

Tăng lãi suất chỉ đạo được cho là biện pháp hiệu quả để giảm bớt cầu, tuy nhiên lại ít hiệu quả hơn trong việc chống các cú sốc bên ngoài (năng lượng, lương thực) đang làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát ở châu Âu. Đây là hạn chế của chính sách tiền tệ. Chính vì thế, các định chế quốc tế, như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), cùng lúc kêu gọi các Nhà nước hỗ trợ tạm thời và đúng trọng tâm cho người dân bị tác động vì vật giá leo thang.

Ví dụ trong tháng 7, chính phủ Pháp đưa ra thảo luận tại Quốc Hội một dự thảo luật trị giá 20 tỉ euro để tăng sức mua, gồm nhiều biện pháp : tăng trợ cấp hưu trí, hỗ trợ xã hội, hỗ trợ các gia đình sưởi ấm bằng dầu... Một biện pháp được chú ý là trợ giá xăng từ 18 xu hiện nay lên thành 30 xu trong tháng 9 và 10, do nhu cầu sẽ tăng sau mùa nghỉ hè. Sau đó, mức trợ giá sẽ giảm xuống chỉ còn 10 xu trong hai tháng cuối năm.

Tại Ý, chính phủ của thủ tướng Draghi, trước khi rời chức vụ, cũng thông báo kế hoạch hỗ trợ 14 tỉ euro, được áp dụng vào tuần tới, để duy trì những biện pháp hỗ trợ được triển khai từ tháng 1, đặc biệt đối với thực phẩm và năng lượng.

(Theo AFPRFILe Figaro20minutes)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.