Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - CHÁY RỪNG

Châu Âu: Cháy rừng trong những tuần qua vượt diện tích rừng cháy năm 2021

Theo cơ quan chuyên theo dõi rừng của châu Âu, diện tích rừng bị cháy tính từ đầu năm đến ngày 16/07/2022 tại 27 nước châu Âu là hơn 5.000 km², vượt quá diện tích 4.700 km² rừng cháy năm 2021. Số diện tích rừng cháy cao như trên chủ yếu do những đợt nóng hạn hiếm có trong những tuần qua tại miền tây nam và nam châu Âu.  

Cảnh một khu rừng bị cháy ở La Teste-de-Buch, gần Đồi cát Pilat, phía tây Pháp, ngày 20/07/2022.
Cảnh một khu rừng bị cháy ở La Teste-de-Buch, gần Đồi cát Pilat, phía tây Pháp, ngày 20/07/2022. REUTERS - BENOIT TESSIER
Quảng cáo

Theo Hệ thống thông tin của châu Âu về cháy rừng (EFFIS), diện tích rừng bị cháy sau những tuần qua là 517.881 hecta, tương đương với diện tích một tỉnh của nước Pháp, như Mayenne. EFFIS dự báo, nếu tình hình hiện nay tiếp diễn, năm 2022 sẽ vượt kỷ lục  của năm 2017 (với 10.000 km² rừng cháy). Năm 2017 là năm tồi tệ nhất kể từ khi EFFIS được thành lập.  

Diện tích rừng cháy nhiều nhất là tại Tây Ban Nha, hơn 190.000 hecta, tiếp theo đó là Bồ Đào Nha, hơn 46.000, Pháp gần 40.000. Ngay cả nước Anh, vốn ít biết đến nạn cháy rừng, tính cho đến nay đã có hơn 20.000 hecta bị thiêu rụi.  

Về tình hình cụ thể, ở Pháp và Tây Ban Ban, theo AFP, cho đến hôm nay, cháy rừng nhìn chung ít mở rộng. Hôm qua, khoảng 20.000 lính cứu hỏa vẫn tiếp tục được huy động, nhưng cháy rừng về cơ bản đã chựng lại, nhờ thời tiết thuận lợi hơn, với việc nhiệt độ hạ thấp và không khí ẩm hơn. Tại Pháp, tổng cộng hơn 36.000 người đã phải sơ tán để đề phòng.  

Hôm qua, tổng thống Pháp có mặt tại La Teste-de-Buch, gần Arcachon, tỉnh Gironde, miền tây nam, tâm điểm của đợt cháy rừng hiện tại. Ông Emmanuel Macron hứa hẹn sẽ tổ chức một kế hoạch trồng rừng toàn quốc, để khôi phục diện tích rừng đã mất.  

Tây Ban Nha là quốc gia bị tổn thất nặng nề nhất trong đợt khô hạn vừa qua. Hơn 500 người chết do đợt nắng nóng, theo chính quyền Tây Ban Nha. Nắng nóng và khô hạn là do biến đổi khí hậu là điều mà chính quyền nhiều nước châu Âu tái khẳng định. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh là ‘‘tính chất khẩn cấp của hành động vì khí hậu là một thực tế’’, ‘‘biến đổi khí hậu gây chết người’’.  

Sau khu vực tây và tây nam châu Âu, làn  khí nóng tiếp tục di chuyển sang hướng đông và bắc châu Âu. Tại Đan Mạch chẳng hạn, nhiệt độ hôm qua vượt quá 35,6°C tại một số nơi. Tại Anh, lần đầu tiên nhiệt độ đã vượt quá 40°C trong tuần này. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.