Vào nội dung chính
G7 - NGA

Gia tăng sức ép kinh tế với Matxcơva, G7 đồng thuận giới hạn giá dầu của Nga

Tại thượng đỉnh G7 diễn ra ở Bayern, Đức, hôm nay, thứ Ba 28/06/2022, lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới quyết định sẽ triển khai biện pháp giới hạn giá trần nhập khẩu dầu lửa của Nga.

Các nhà lãnh đạo G7 tại Bavaria's Schloss Elmau, gần Garmisch-Partenkirchen, Đức, ngày 28/06/2022.
Các nhà lãnh đạo G7 tại Bavaria's Schloss Elmau, gần Garmisch-Partenkirchen, Đức, ngày 28/06/2022. REUTERS - POOL
Quảng cáo

AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết chỉ vài giờ trước khi thượng đỉnh bế mạc, các nhà lãnh đạo nhóm G7 tại Đức đồng ý bắt đầu tiến hành các việc cần làm để triển khai cơ chế giới hạn giá trần dầu lửa nhập khẩu từ Nga. G7 yêu cầu các vị bộ trưởng khẩn cấp bàn bạc về định mức giá trần dầu lửa, tham vấn các nước thứ ba và khu vực tư nhân, với mục đích đưa ra mức giới hạn.

Thông cáo cuối cùng dự kiến ​​được đưa ra vào cuối cuộc họp này sẽ bao gồm một thỏa thuận trên nguyên tắc về việc phát triển cơ chế chưa từng có và phức tạp này nhằm ngăn chặn Nga bán dầu vượt quá một mức giá nào đó. Hôm qua 27/06, Jake Sullivan, cố vấn ngoại giao chính của tổng thống Mỹ Biden, nhận định việc G7 đạt được đồng thuận về vấn đề này sẽ là « một bước tiến ngoạn mục » và « một trong những thành quả có ý nghĩa nhất của G7 ».

Theo Hoa Kỳ, giới hạn giá trần dầu lửa của Nga có thể sẽ mang lại mối lợi kép : giảm nguồn thu của Nga qua việc bán dầu lửa và hạn chế hậu quả của việc tăng giá đối với các nước tiêu thụ dầu của Nga.

Tuy nhiên, đại diện Mỹ cũng như giới chuyên gia đều nhấn mạnh đến sự phức tạp và các khó khăn kỹ thuật của một dự án chưa có tiền lệ này.

G7 yêu cầu để nông phẩm Ukraina được lưu thông tự do

Để hạn chế khủng hoảng lương thực thực phẩm trên thế giới, hôm qua G7 ra thông cáo kêu gọi Nga « khẩn cấp ngừng vô điều kiện các vụ tấn công nhắm vào các cơ sở hạ tầng nông nghiệp và vận tải của Ukraina », để nông phẩm Ukraina « được tự do lưu thông từ các cảng của nước này ở biển Đen ». Cho đến nay, ngũ cốc của Ukraina vẫn đang mắc kẹt lại các cảng biển, nhất là cảng Odessa hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.