Vào nội dung chính
WB - TRUNG QUỐC- IMF

Thực hư trong vụ tổng giám đốc IMF dàn xếp dữ liệu có lợi cho Trung Quốc

Vụ lùm xùm xung quanh các cáo giác bà Kristalina Georgieva, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) trong thời gian còn ở Ngân Hàng Thế Giới đã thao túng dàn xếp dữ liệu có lợi cho Trung Quốc, làm xôn xao dư luận những ngày qua. Vụ việc đã khép lại nhưng hậu trường vẫn có những điều cần biết thêm.

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva (T) trong lần gặp bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen tại Washington, ngày 01/07/2021.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva (T) trong lần gặp bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen tại Washington, ngày 01/07/2021. AP - Manuel Balce Ceneta
Quảng cáo

Hội đồng quản trị của định chế tài chính hàng đầu thế giới sau nhiều phiên họp, cuối cùng tối ngày 11/10/2021 đã ra kết luận ủng hộ bà tổng giám đốc. Sau nhiều tuần sóng gió, nhà kinh tế người Bulgari 68 tuổi đã giữ được chiếc ghế tổng giám đốc IMF.

Số phận của Kristalina Georgieva đã trở thành một thách thức địa chính trị thực sự. Một bên là Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai trong số nước xuất vốn chủ yếu của IMF, muốn loại bỏ bà. Bên kia, những nước cường quốc chính như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga không muốn thấy bà tổng giám đốc IMF phải vội vã ra đi, nhật báo Financial Times nhận định.

Nhưng vấn đề là tại sao Janet Yellen, bộ trưởng Tài Chính của tổng thống Joe Biden, không muốn trả lời điện thoại Kristalina Georgieva ? Tại sao các dân biểu đảng Dân Chủ lại thống nhất được với phe Cộng Hòa cùng nhất loạt tỏ nghi ngờ sự độ tin cậy IMF dưới sự lãnh đạo của nhà kinh tế Bulgari ?

Uy tín của bà đã bị thử thách ghê gớm từ khi văn phòng luật của Mỹ, WilmerHale công bố hôm 16/09/2021 một báo cáo về những nghi ngờ thao túng dữ liệu tại Ngân Hàng Thế Giới hồi năm 2017. Kristalina Georgieva khi đó giữ vị trí số hai của Ngân Hàng Thế Giới, bị văn phòng luật sư Mỹ  tố cáo đã dàn xếp để Trung Quốc khỏi bị mất vị trí thứ hạng trong báo cáo hàng năm nổi tiếng với tên « Doing Business ».

Tài liệu của văn phòng luật trên giải thích việc Bắc Kinh đã gây áp lực ra sao đối với ông Jim Yong Kim, khi còn là lãnh đạo Ngân Hàng Thế Giới và nhân vật số hai của định chế để ấn bản báo cáo « Doing Business » phản ánh tốt nhất những nỗ lực cải cách kinh tế mà Trung Quốc đang thực thi.

Có thể hiểu được mối lo lắng của Trung Quốc. Từ 2002, tài liệu này được công bố hàng năm và là « thứ có ích nhất được Ngân Hàng Thế Giới soạn thảo ra» , nhật báo Wall Street Journal trong bài xã luận đề cập đến vụ bê bối này cuối tháng 9 vừa qua đã bình luận như vậy. Nhiều năm qua, báo cáo Doing Business trở thành một cẩm nang cho các nhà đầu tư để họ chọn rót tiền vào nước nào và Ngân Hàng Thế Giới cũng sử dụng tài liệu này để xây dựng chiến lược cho vay tiền đối với các nước đang phát triển.

Ở Rwanda, tổng thống Paul Kagame còn lập cả một đội cố vấn để nghĩ ra những cải cách tốt nhất để giành được vị trí thứ hạng cao trong báo cáo Doing Business. Còn thủ tướng Narendra Modi trong chiến dịch vận động để được tái cử ở Ấn Độ đã thường xuyên trưng ra những điểm tốt của đất nước trong báo cáo này để thuyết phục cử tri, theo Justin Sandefur, nhà nghiên cứu tại Center for Global Developement, một cơ quan tư vấn Bắc Mỹ về phát triển kinh tế.

Vấn đề trong vụ việc này là ở chỗ : Các nhóm làm báo cáo « Doing Business » đã đi đến kết luận là Trung Quốc bị mất 7 hạng trong một năm. Điều tra của văn phòng luật sư WilmerHale cho rằng ban lãnh đạo của Ngân Hàng Thế Giới không muốn làm mất lòng Bắc Kinh trong lúc định chế này đang tìm kiếm nguồn tiền.

Chính vì thế Kristalina Georgieva có thể đã yêu cầu các nhóm chuyên gia của bà tìm cách tô hồng bảng xếp hạng của Trung Quốc. Thậm chí, có thể bà đã « đến tận nhà của tác giả chính soạn phần về Trung Quốc trong báo cáo « Doing Business » để bảo đảm việc sửa đổi đủ tác động đến thứ hạng của nước này», theo báo cáo điều tra của văn phòng WilmerHale.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ -Trung căng thẳng như hiện nay, Washington không thể chấp nhận được hành động thiên vị như vậy đối với Trung Quốc. Vì thế Hoa Kỳ và đồng minh chủ chốt của mình trong vùng Thái Bình Dương là Nhật Bản muốn bà Kristalina Georgieva phải rời khỏi vị trí chiến lược lãnh đạo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

Trong một bức thư gửi cho bà Janet Yellen, cuối tháng 9 vừa qua, các thượng nghị sĩ Mỹ cảnh báo điều mà họ gọi là những mối nguy hiểm khi đứng đầu IMF là một nhân vật có thể phải nhượng bộ các sức ép của Trung Quốc. Bà Kristalina Georgieva đã kiên quyết phủ nhận các cáo buộc như vậy. Bà nhanh chóng nhận được nhiều sự ủng hộ, đầu tiên là từ các nước châu Âu, từng đấu tranh để đề cử bà vào vị trí giám đốc IMF hồi năm 2019 mặc dù khi đó bà đã quá giới hạn tuổi cho phép là 65 tuổi.

Các bộ trưởng Tài Chính của 16 nước châu Phi cũng như nhiều nhà kinh tế hàng đầu đã được huy động để bảo vệ lãnh đạo IMF.

 « Bản báo cáo (của văn phòng WilmerHale) thuần túy là việc phá hoại ngầm», giải Nobel kinh tế 2001, Joseph Stiglitz cũng từng là kinh tế trưởng Ngân Hàng Thế Giới tỏ phẫn nộ trên một diễn đàn đăng trên trang mạng Project Syndicate. Còn Jefrey Sachs, một nhà kinh tế nổi tiếng khác của Mỹ chuyên gia về các vấn đề phát triển, trong một diễn đàn đăng trên Financial Times viết : « Kristalina Georgieva bị đối xử làm người ta nhớ lại chủ nghĩa McCarthy (Chủ trương săn đuổi ý thức hệ cộng sản ở Hoa Kỳ trong những năm 1950) »

Theo những người ủng hộ giám đốc IMF, các tấn công nhằm vào Kristalina Georgieva là từ cánh hữu cực kỳ bảo thủ ở Mỹ, luôn bị ám ảnh bởi nỗi lo chống Trung Quốc cùng mối ngờ vực Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

Từ khi lên lãnh đạo IMF, nhà kinh tế học người Bulgari đã thực hiện một chính sách tạo thuận lợi cho các nước nghèo nhiều hơn so với những người tiền nhiệm của bà. Hành động của bà trong đại dịch giúp đỡ tài chính cho các nước bị dịch nặng nề đã được đa số các nhà kinh tế hoan ngênh, báo Wall Street Journal nhắc lại. Bà cũng là người chỉ cho thấy IMF phải quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề biến đổi khí hậu trong chiến lược đầu tư. Những chủ trương như vậy cũng đủ làm giới chính trị bảo thủ ở Mỹ không hài lòng.

Có một hệ quả tích cực là vụ bê bối này đã thúc đẩy Ngân Hàng Thế Giới hôm 16/09 quyết định từ nay bỏ hẳn việc ra báo cáo nổi tiếng « Doing Business » từng bị nhiều nhà kinh tế phản đối gay gắt.

(theo AFP và France 24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.