Vào nội dung chính
NGA - CH SÉC - NGOẠI GIAO

Cộng hòa Séc trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga bị cáo buộc làm gián điệp

Bộ Ngoại Giao Cộng hòa Séc hôm qua, 17/04/2021, thông báo nước này sẽ trục xuất 18 nhân viên đại sứ quán Nga. Những người này bị cơ quan tình báo Séc xác định là các nhân viên tình báo của Nga. Luân Đôn lên tiếng ủng hộ quyết định của Praha.

Đại sứ quán Nga tại Praha, Cộng Hòa Séc, ngày 16/04/2021.
Đại sứ quán Nga tại Praha, Cộng Hòa Séc, ngày 16/04/2021. AP - Petr David Josek
Quảng cáo

Trước giới báo chí, ngoại trưởng Jan Hamacek tuyên bố 18 người này có « 48 giờ để rời Cộng hòa Séc ». Về phần mình, thủ tướng Andrej Babis, khẳng định đất nước có những « bằng chứng không thể chối cãi » từ hôm thứ Sáu (16/4), khẳng định số nhân viên trên, trực thuộc đơn vị 29155 của GRU – cơ quan tình báo quân đội Nga - can dự vào vụ nổ kho vũ khí, có chứa đến 58 tấn đạn dược ở Vrbetice, phía đông đất nước.

Vẫn theo lời thủ tướng Séc, vụ nổ ngày 16/04/2014, đã « gây ra những thiệt hại vật chất và gây nguy hiểm cho tính mạng nhiều người, trong đó có hai công dân Séc ».

Hãng tin Pháp AFP còn cho biết thêm ít lâu sau thông báo này, cảnh sát Séc loan báo truy tìm hai người đàn ông mang hộ chiếu Nga. Hai người này được cho là có cùng nhân dạng với những kẻ bị tình nghi tham dự vào mưu toan đầu độc cựu nhân viên gián điệp Nga Serguei Skripal bằng chất độc thần kinh Novichok tại Anh Quốc năm 2018.

Trang mạng của đơn vị điều tra các tội ác có tổ chức Cộng hòa Séc (NCOZ) nêu rõ hai người bị truy bắt này là Alexander Petrov (sinh năm 1979) và Ruslan Boshirov (sinh năm 1978), chính là những nhân viên tình báo mà Vương quốc Anh đang truy lùng. Cả hai người này còn bị cảnh sát Séc cáo buộc tham gia vào việc gây ra vụ nổ kho đạn dược nói trên.

Theo NCOZ, « hai người này đã có mặt trên lãnh thổ Séc từ tháng 10/2014 » vào thời điểm xảy ra vụ nổ. Ngoài hộ chiếu Nga, hai nghi can này còn có cả hộ chiếu Tadjikistan và Moldova.

Thủ tướng Séc nhấn mạnh là quyết định trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga đã được tổng thống Milos Zeman, vốn được coi là người thân Nga, ủng hộ. Trước đây, ông từng nhiều lần chỉ trích các cơ quan tình báo Séc về việc đã tố cáo Nga can dự vào các vụ tấn công tin tặc nhắm vào bộ Ngoại Giao Séc. Về phần mình, ngoại trưởng Jan Hamacek lấy làm tiếc rằng những tiết lộ này sẽ làm « tổn hại đến mối bang giao Nga – Cộng hòa Séc ».

AFP cho biết vụ việc diễn ra trong bối cảnh nội bộ Cộng hòa Séc bị chia rẽ. Cựu ngoại trưởng Thomas Petricek, thân châu Âu, đã bị gạt khỏi bộ máy chính quyền sau việc ông phản đối tổng thống Nga muốn dùng vac-xin Sputnik V của Nga mà không đợi « đèn xanh » của Liên Hiệp Châu Âu. Ông Jan Hamacek lên tạm quyền Ngoại trưởng nhưng vẫn giữ nguyên chức vụ bộ trưởng Nội Vụ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.