Vào nội dung chính
IMF - COVID -19

IMF: Covid-19 tác hại nặng nề trên các nước nghèo

Chủ tịch Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF một lần nữa cảnh báo về hậu quả kinh tế của khủng hoảng y tế. Trong một bài đăng trên blog ngày 24/02/2021, bà Kristalina Georgieva cho rằng đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm hoàn cảnh của người dân ở các nước nghèo và đang trỗi dậy, đồng thời làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng với người dân ở các nước giàu.

Chủ tịch IMF, Kristalina Georgieva tại Hội nghị An Ninh Munich ngày 14/02/2021.
Chủ tịch IMF, Kristalina Georgieva tại Hội nghị An Ninh Munich ngày 14/02/2021. AP - Jens Meyer
Quảng cáo

Theo bà Kristalina Georgieva, phụ nữ, thanh niên và lao động trình độ thấp là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khủng hoảng y tế sẽ đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo cùng cực ở các nước đang phát triển này.

Theo IMF, thu nhập bình quân đầu người ở các nước nghèo dự kiến ​​sẽ giảm 22% vào cuối năm 2022, so với mức giảm 13% tại các nước giàu. Đối với các nền kinh tế mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, mức giảm này sẽ là 18%.

Một khó khăn khác đối với các nước nghèo là khả năng tiếp cận vac-xin để chống  dịch bệnh. Các quốc gia này sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và quản lý vac-xin, tiêm chủng cho người dân, do giá cả quá cao và còn do thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc vận chuyển và bảo quản, đặc biệt là đối với vac xin RNA vốn phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.

Để giúp họ đạt được điều này, chủ tịch IMF kêu gọi các nước G20 hỗ trợ tài chính cho họ. Vấn đề này sẽ được giải quyết tại cuộc họp G20 Tài chính sẽ được tổ chức vào ngày 26/02/2021.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các nền kinh tế chiếm 85% GDP toàn cầu sẽ gặp nhau qua hội nghị trực tuyến trong lúc sự lan rộng của các biến thể của virus corona phá hoại rất nhiều nền kinh tế.

Trước tình hình đó, Pháp chủ trương "phối hợp chặt chẽ" giữa các chính sách kinh tế và mong muốn tránh "việc đơn phương rút lại các biện pháp hỗ trợ" nhằm "tối đa hóa tác động của các kế hoạch vực dậy kinh tế".

Theo bộ Tài chính  Pháp, Paris cũng “hoàn toàn ủng hộ” quyết tâm của Ý, muốn “đưa việc xanh hóa nền kinh tế trở thành trục chính của G20 trong năm nay”. Các cuộc thảo luận trong G20 phải giải quyết các vấn đề tài chính bền vững và thuế môi trường.

Nhóm G20 cũng đề cập đến nguy cơ "khác biệt rất mạnh về sự phục hồi giữa các quốc gia tiên tiến nhất và nghèo nhất", không được tiếp cận với vac-xin, như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã nhấn mạnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.