Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - VIRUS CORONA

Virus corona : Số ca bệnh trên thế giới tiến gần đến ngưỡng 1 triệu

Ở khắp năm châu, dịch Covid – 19 do virus corona chủng mới gây ra tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt, với hơn 900.000 ca lây nhiễm trên toàn thế giới, trong đó Hoa Kỳ, quốc gia bị nặng nhất, đã chiếm hơn 200.000 ca, tính đến ngày 01/04/2020. Dịch viêm phổi cấp tính đã cướp đi sinh mạng của 46.000 người trên toàn cầu, trong đó có cả một bé sơ sinh mới 6 tuần tuổi ở Mỹ.

HEALTH-CORONAVIRUS/ITALY-HOSPITAL
HEALTH-CORONAVIRUS/ITALY-HOSPITAL REUTERS - FLAVIO LO SCALZO
Quảng cáo

Do rất nhiều nước không có đủ khả năng xét nghiệm, các số liệu thống kê nói trên chắc chắn còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Cho dù đã có những biện pháp cách ly, phong tỏa, số ca tử vong tại một số nước không ngừng gia tăng nhanh chóng : hơn 13.000 tại Ý, hơn 10.000 tại Tây Ban Nha, hơn 5.000 tại Mỹ và hơn 4.000 tại Pháp.

Cho tới nay, người ta vẫn tưởng là trẻ em không gặp nguy hiểm với virus corona, thế nhưng cái chết của trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi tại bang Connecticut, Hoa Kỳ, tiếp theo sau các ca tử vong thiếu niên ở Bỉ, Anh Quốc… đã gây chấn động dư luận thế giới.

WHO kêu gọi thế giới hợp lực

Trước đà lây lan kinh khủng của đại dịch Covid -19, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua kêu gọi toàn thế giới hợp lực chống con virus « bí ẩn và nguy hiểm » này.

Để kềm chế đà lây nhiễm của Covid-19, gần 4,8 tỷ người, tức là gần phân nữa dân số toàn cầu đã được kêu gọi hoặc bị bắt buộc phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Nhưng tại những quốc gia mà người dân nghèo sống chen chúc với nhau trong các khu phố ổ chuột, không dễ gì tuân thủ nghiêm chỉnh các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, phong tỏa.

Nguy cơ khan hiếm lương thực

Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng hành tinh của chúng ta đang trải qua « cuộc khủng hoảng thế giới nghiêm trọng nhất » kể từ khi Liên Hiệp Quốc được thành lập cách đây 75 năm. Dịch bệnh đe dọa toàn cầu cộng với tác động kinh tế đang đưa thế giới đến một cuộc suy thoái chưa từng có trong lịch sử gần đây của nhân loại.

Các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới cũng vừa báo động là kể từ nay có nguy cơ « khan hiếm lương thực » trên thị trường thế giới do dịch Covid-19 làm xáo trộn thương mại quốc tế và các dây chuyền cung cấp lương thực. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.