Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG QUỐC - IMF

Paris khẳng định được Bắc Kinh ủng hộ trong việc giành chức lãnh đạo IMF

Cho dù chưa có ai chính thức đệ đơn ứng cử làm Tổng giám đốc IMF, cuộc đua giành chức vụ này đang càng lúc càng gay gắt. Vào hôm nay, 24/5, Paris bắn tin cho biết là Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde đã được Trung Quốc hậu thuẫn. Tuy nhiên nguồn tin này không được Bắc Kinh xác nhận, trong lúc Ấn Độ được cho là đang vận động các nước đang vươn lên để đoàn kết chọn ra một ứng cử viên duy nhất.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp, bà Christine Lagarde đang trả lời báo chí tại hội nghị G20 ở Paris ngày 23/5/11. Bà là người đang có nhiều hy vọng sẽ trở thành Tân Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế
Bộ trưởng Kinh tế Pháp, bà Christine Lagarde đang trả lời báo chí tại hội nghị G20 ở Paris ngày 23/5/11. Bà là người đang có nhiều hy vọng sẽ trở thành Tân Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Reuters
Quảng cáo

Phát biểu trên đài phát thanh Europe 1 vào sáng nay, phát ngôn viên chính phủ Pháp, ông Français Baroin đã tiết lộ rằng : Trung Quốc ủng hộ việc đương kim Bộ trưởng Kinh tế Pháp, bà Christine Lagarde, lên lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thay thế cho cựu Tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn, đã từ nhiệm vì lý do pháp lý.

Vấn đề là tuyên bố của Paris không được Bắc Kinh xác nhận. Nhân cuộc họp báo thường kỳ vào hôm nay, khi được hỏi về phát biểu của Pháp, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối bình luận về khả năng Bắc Kinh hậu thuẫn bà Lagarde, chỉ yêu cầu các phóng viên là nên liên hệ với "giới chức có thẩm quyền" để tìm hiểu thêm. Khi bị hỏi dồn, phát ngôn viên Trung Quốc nêu tên người đã có lên tiếng về vấn đề IMF. Đó là ông Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Vào lúc quan điểm của Bắc Kinh chưa sáng tỏ, thì theo Reuters, một số nguồn tin từ New Delhi xác nhận các đàm phán ngấm ngầm giữa châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi để đề cử một ứng viên thống nhất đại diện cho các nước đang trỗi dậy. Trích dẫn hai quan chức xin giấu tên của Bộ Tài chính Ấn Độ, Reuters cho biết là nền kinh tế lớn thứ ba của châu Á đang chủ động tìm kiếm đồng thuận, và cựu Bộ trưởng tTi chính Nam Phi Trevor Manuel có thể là người được chọn.

Xin nhắc lại là Hội đồng Quản trị IMF đã quyết định khởi động tiến trình đề cử ứng viên kể từ hôm qua, 23/5 cho đến ngày 10/6. Danh sách các ứng viên sẽ được xét duyệt để giữ lại ba người ra điều trần lần cuối trước 24 thành viên của Ban quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Washington. IMF hy vọng sẽ bầu được một Tân Tổng giám đốc chậm lắm là vào ngày 30/6.

Cho đến giờ này, đương kim Bộ trưởng Kinh tế Pháp là chuẩn ứng viên sáng giá nhất, càng lúc càng được nhiều nước châu Âu ủng hộ. Trên giấy tờ, nếu toàn bộ châu Âu đoàn kết, họ sẽ có một phần ba phiếu bầu, và chỉ cần có thêm hậu thuẫn của Hoa Kỳ và Nhật Bản để chiếm đa số tại IMF.

DSK lại trần tình với IMF, báo chí thông tin thiếu chính xác

Ngày hôm qua 23/5, lần thứ hai kể từ khi bị bắt và quản thúc, ông Dominique Strauss-Kahn lên tiếng, trong khi ở bên ngoài thông tin báo chí liên tiếp đưa ra những chi tiết của vụ việc một cách trái ngược nhau. Trong một bức thư ghi ngày 22/5 gửi IMF, cựu lãnh đạo cơ quan tài chính này cho biết đang sống trong một « cơn ác mộng » và một lần nữa ông vẫn khẳng định mình vô tội. Dominique Straus-Kahn cũng nói rõ thêm ông rời khỏi chức vụ lãnh đạo tránh để Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải phiền lụy vì chuyện của ông.

Sau ba ngày ngồi tù vì tội danh cưỡng hiếp một phụ nữ làm phòng tại khách sạn Sofitel tại New York, từ hôm 20/5 cựu Tổng giám đốc IMF được tại ngoại với những điều kiện hết sức khắt khe tại một căn hộ ở trung tâm New York của công ty Stroz Friedberg, đảm nhiệm việc giám sát ông. Trong khi đó bên ngoài căn hộ bị quản thúc, các phương tiện truyền thông không ngớt tìm kiếm các chi tiết xung quanh vụ việc.

Hôm qua, hai kênh truyền hình Mỹ ABC và NBC và kênh truyền hình Pháp France 2 đã đưa tin, dấu vết ADN của ông Strauss-Kahn đã được tìm thấy trên quần áo của nữ làm phòng 32 tuổi, được cho là nạn nhân bị cưỡng hiếp. Hai kênh truyền hình Mỹ thậm chí còn cho biết các phân tích ADN nói trên đã được thông báo cho chính quyền Pháp. Tuy nhiên hôm nay phát ngôn viên của cảnh sát New York đã khẳng định với AFP rằng không hề có ‘"thông tin hay kết quả"nào liên quan đến xét nghiệm ADN của Dominique Strauss-Kahn.

Từ khi nổ ra sự vụ đến nay ít nhất đã có hàng chục thông tin không chính xác về chi tiết của vụ việc được báo chí tung ra, sau đó lại phải cải chính.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.