Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

New Delhi trong thế tế nhị giữa Iran và Israel sau vụ tàu buôn bị tấn công ngoài khơi Ấn Độ

Ngày 23/12/2023 vừa qua, một chiếc tàu chở hóa chất có liên hệ với Israel, đã bị tấn công khi đang di chuyển cách bờ biển Ấn Độ không xa. Hoa Kỳ khẳng định là con tàu bị drone xuất phát từ Iran tấn công, điều đã bị Teheran bác bỏ. Theo các nhà quan sát, sự cố này đang đẩy New Delhi vào một tình thế tế nhị vì cần phải giữ thế cân bằng với hai đối tác quan trọng của họ ở vùng Cận Đông là Israel và Iran.

Ảnh minh họa : Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 19/01/2023.
Ảnh minh họa : Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 19/01/2023. AP - Rafiq Maqbool
Quảng cáo

Phải nói là Ấn Độ không thể làm ngơ trước vụ tấn công. Ngoài việc sự kiện đã xẩy ra ngoài khơi nước này, chiếc tàu lại chuyên chở hàng hóa đến Ấn Độ, trong lúc hầu như toàn bộ thủy thủ đoàn là người Ấn Độ. Lời tố cáo của Hoa Kỳ về việc drone từ Iran đã tấn công chiếc tàu vì đó là một con tàu có dính líu đến Israel đang khiến cho New Delhi lúng túng.

Trước hết, khẳng định của Hoa Kỳ có phần hợp lý vì lực lượng Houthi thân Iran ở Yemen, tác giả của hầu hết các vụ tấn công trên Hồng Hải trong thời gian gần đây, được cho là không có phương tiện để tấn công xa địa bàn của họ tại Yemen. Do vậy, có rất nhiều khả năng là chính Iran đã cho drone tấn công vào con tàu chở hóa chất ngoài khơi Ấn Độ.

Thế nhưng cho đến nay, chính phủ Ấn Độ đang tự kiềm chế tránh liên kết vụ việc với Iran. Hải Quân Ấn Độ cho biết cần phải phân tích kỹ lưỡng hơn về mặt kỹ thuật để xác định chắc chắn “vectơ” tấn công chiếc tàu là gì, kể cả loại chất nổ được sử dụng.

Theo giới quan sát, lập trường thận trọng kể trên của New Delhi có thể xuất phát từ việc Ấn Độ luôn muốn chứng tỏ vai trò phi liên kết của mình, và nhất là đã coi Iran là một đối tác quan trọng.

New Delhi và Teheran đang cùng tham gia vào hai dự án trung chuyển thương mại khổng lồ ở châu Á: Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam, giữa Ấn Độ và Nga xuyên qua Iran và Biển Caspi, và đề án phát triển cảng biển Chabahar, ở phía đông nam Iran.

Tuy nhiên, vấn đề là trong thời gian gần đây, đặc biệt là dưới thời thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã xa rời quan điểm không liên kết và ngày càng siết chặt quan hệ với Israel. Một ví dụ điển hình là New Delhi đã trở thành một bạn hàng tốt, ồ ạt mua vũ khí của Israel.

Lập trường thân Israel này được thấy gần đây khi vào ngày 27/10, Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng LHQ kêu gọi một “thỏa thuận đình chiến nhân đạo”.

Liên quan đến vụ con tàu bị tấn công ngoài khơi Ấn Độ, New Delhi chắc hẳn đã được Isarel và Hoa Kỳ yêu cầu có thái độ dứt khoát với Iran. Trước đó, theo tờ báo Ấn Độ Hindustan Times, chính Teheran cũng đã đòi New Delhi phải chấm dứt việc ủng hộ Israel.

Nhìn chung, việc khủng hoảng Cận Đông lan rộng qua vùng Ấn Độ Dương đang khiến Ấn Độ phải xem xét lại chính sách đối ngoại của mình. Trước mắt, do việc lợi ích của mình bị đe dọa, New Delhi đã bắt đầu cho triển khai ba tàu chiến và máy bay trinh sát ở Biển Ả Rập nhằm “duy trì sự hiện diện mang tính răn đe”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.