Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

COP28 : Loại bỏ năng lượng hóa thạch, kịch bản còn xa vời

Một trong những trọng tâm của Hội Nghị Khí Hậu Liên Hiệp Quốc COP28 Dubai là bàn về « nguyên tắc ra khỏi năng lượng hóa thạch ». Thế mà nước chủ nhà Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là nước sản xuất dầu hỏa lớn thứ 7 thế giới, còn lãnh đạo tập đoàn dầu lửa quốc gia Abu Dhabi National Oil lại giữ chức chủ tịch COP28. 

A BP refinery is producing fuels in Gelsenkirchen, Germany, Tuesday, Oct. 24, 2023.
Một nhà máy lọc dầu của hãng BP tại Gelsenkirchen, Đức, ngày 24/10/2023. AP - Martin Meissner
Quảng cáo

Hai tuần lễ từ ngày 30/11 đến 12/12/2023 là thời gian quá ngắn ngủi để tìm ra đồng thuận giữa hơn 190 phái đoàn đại diện các quốc gia, các tổ chức bảo vệ môi trường trên vấn đề năng lượng hóa thạch. Khoảng 75 % khí thải gây hiệu ứng lồng kính trên thế giới là từ than đá, dầu hỏa và khí đốt. Đây cũng là nguồn bảo đảm đến 80 % nhu cầu tiêu thụ năng lượng của hành tinh chúng ta. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu chứng minh năng lượng hóa thạch là nguyên nhân chính làm hâm nóng Trái đất. Năm 2023 cũng là năm nóng nhất trên thế giới kể từ 1900 đến nay. So với thời điểm 1992, năm diễn ra hội nghị khí hậu Rio, lượng khí thải carbon trên toàn cầu đã tăng 75 %.

Bất chấp những tín hiệu báo động đỏ ấy, quốc tế vẫn như một con thiêu thân lao vào năng lượng hóa thạch, bởi đơn giản là nhân loại chưa thể « cai nghiện » than đá hay dầu khí. Theo một nghiên cứu được công bố tháng 6/2023, trong năm 2023, tổng đầu tư trong lĩnh vực dầu khí ước tính lên tới 528 tỷ đô la chỉ riêng cho các khâu khai thác và sản xuất. Con số này như vậy cao hơn mức của năm 2022 đến 11 % và là mức cao nhất kể từ 2015, tức là từ hội nghị COP21 tại Paris, khi cộng đồng quốc tế cam kết hạn chế khí thải gây hiệu ứng lồng kính.

Vài ngày trước hội nghị COP28, Cơ Quan Năng Lượng Quốc tế AIE báo động trong năm 2022-2023 nhiều nước trên thế giới đã thông qua hơn 400 dự án đầu tư, mở rộng các hoạt động khai thác dầu hỏa và khí đốt, bất chấp những lời kêu gọi hạn chế sử dụng và thu hẹp vai trò của các loại năng lượng hóa thạch nhằm đạt mục tiêu « trung hòa carbon » vào ngưỡng 2050. Quốc tế đã « không ngần ngại cấp khoảng 1.000 tỷ đô la » hỗ trợ cho ngành dầu khí, với hy vọng giá xăng dầu không đè quá nặng lên mãi lực của người tiêu dùng.

Theo các dữ liệu thống kê của cơ quan tư vấn Rystad Energy, 58 quốc gia đã cấp giấy phép cho 437 dự án đầu tư, trong đó bao gồm cả các dự án của các công ty tư nhân và nhà nước, 60 % trong số đó liên quan đến các chương trình khai thác dầu hỏa, 40 % còn lại là các kế hoạch phát triển khí đốt. Điểm đến của các chương trình nói trên tập trung vào Qatar, Ả Rập Xê Út, Brazil, Hoa Kỳ và nước chủ nhà COP28 là Các Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất. Cùng lúc, cũng theo tổ chức này, « nhiều tập đoàn năng lượng châu Âu như Shell, BP hay TotalEnergies thông báo giảm mục tiêu trong chiến lược chuyển đổi năng lượng »

Làm thế nào giải thích hiện tượng nói trên ? Giới trong ngành đồng loạt cho rằng cộng đồng quốc tế tiếp tục đầu tư vào năng lượng hóa thạch bởi vì nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa từ nay đến giữa thế kỷ 21. Tổ chức OPEC quy tụ các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa, dự phóng đến ngưỡng 2045, nhu cầu tiêu thụ vàng đen để phục vụ cho các nhà máy, cho sinh hoạt của người dân sẽ còn tăng thêm 17 % so với thời điểm hiện tại. Như tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Shell Wael Sawan ghi nhận « thế giới vẫn còn rất khát dầu ».

Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu hỏa của thế giới trong năm nay sẽ « đạt mức kỷ lục » với khoảng hơn 102 triệu thùng dầu mỗi ngày, tức là còn cao hơn cả đỉnh điểm 2019 trước đại dịch Covid.

Francis Perrin, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS đặc trách về năng lượng ghi nhận, những dự báo nói trên càng « châm thêm củi lửa » thúc đẩy các nhà sản xuất đẩy mạnh đầu tư. 

Thêm một lý do khác khiến năng lượng hóa thạch vẫn còn có sức « thu hút cao », đó là năng lượng tái tạo vẫn chưa « cất cánh ». Sau giai đoạn phấn khởi ban dầu, các nhà sản xuất năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong 2 năm trở lại đây liên tục phải đối mặt với lãi suất ngân hàng tăng cao, giá các nguyên liệu (đất hiếm, đồng …) để sản xuất các trang thiết bị không ngừng tăng : nhiều dự án « năng lượng xanh » bị chậm trễ, thậm chí là bị bỏ dở. Tập đoàn Orsted của Đan Mạch và Iberdrola của Tây Ban Nha đã rút khỏi các dự án tại Mỹ. Hãng Vattenfal của Thụy Điển bỏ dở dự án lắp đặt cánh quạt điện Biển Bắc với các đối tác Anh. Từ hội nghị khí hậu Paris2015 đến hội nghị Dubai2023, tương lai tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch chưa khi nào mù mịt như hiện tại.

Cuối cùng, năng lượng hóa hoạch không lo sớm bị khai tử vì ngay cả những quốc gia công nghiệp phát triển như Mỹ hay Canada cũng đã không ngần ngại cấp giấy phép cho các dự án khai thác dầu khí. Hơn thế nữa, như trên tất cả mọi hồ sơ lớn liên quan đến vận mệnh toàn cầu, còn có các yếu tố địa chính trị, nhất là vào thời điểm các nước đang nghèo bị « khủng hoảng niềm tin » trước thái độ đạo đức giả và « bủn xỉn » của các nước phát triển phương Tây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.