Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Tổng thống Pháp đến Trung Á để tìm thêm đồng minh và uranium

Đến thăm Kazakhstan và Uzbekistan, hai nước được xem là có vai trò quan trọng trong dự án “Những con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc, tổng thống Pháp hy vọng sẽ tìm thêm đồng minh và nhất là tìm thêm nguồn cung cấp uranium cần thiết cho ngành điện hạt nhân. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Phủ tổng thống ở Astana, ngày 01/01/2023.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Phủ tổng thống ở Astana, ngày 01/01/2023. AFP - LUDOVIC MARIN
Quảng cáo

Chuyến đi diễn ra vào lúc mà Paris đang mất dần ảnh hưởng tại vùng Tây Phi, vốn là “sân sau” của Pháp, sau hàng loạt vụ đảo chính kể từ năm 2020. Tình hình này buộc Pháp phải tăng cường sự hiện diện ở Trung Á và qua đó bảo đảm an ninh năng lượng cho nước Pháp.

Theo điện Elysée, chuyến thăm Kazakhstan chính là nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược mà Pháp đã thiết lập từ năm 2008 với quốc gia được xem là đầu tàu kinh tế trong vùng Trung Á, rất giàu tài nguyên dầu hỏa, than đá, kim loại hiếm và nhất là uranium, nguyên liệu rất cần thiết cho các nhà máy điện hạt nhân của Pháp.

Điện nguyên tử hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất ( 67% theo số liệu năm 2020 ) trong tổng sản lượng điện Pháp. Bảo đảm ổn định cho nguồn cung cấp uranium là một vấn đề tối quan trọng đối với Pháp, nhất là sau cuộc đảo chính ở Niger vào tháng 7 vừa qua. Cho tới lúc đó, Niger vẫn là nguồn cung cấp uranium đứng hàng thứ hai cho Liên Hiệp Châu Âu, chỉ sau Kazakhstan.

Theo hãng tin Bloomberg, Kazakhstan hiện là nước sản xuất uranium hàng đầu thế giới, chiếm tới 43% tổng sản lượng toàn cầu. Pháp đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này ở Kazakhstan. Cụ thể là tập đoàn năng lượng hạt nhân Orano đang khai thác các mỏ uranium ở Kazakhstan trong khuôn khổ một liên doanh với công ty nhà nước Kazatomprom. Ngoài Kazakhstan, Orano đang tìm cách đặt cơ sở tại Uzbekistan, cũng là một nguồn cung cấp quan trọng cho Pháp, vì nước này đứng hạng thứ năm thế giới về sản xuất uranium.

Paris cũng rất quan tâm đến các dự án khai thác kim loại hiếm của Kazakhstan, nhất là vì tổng thống Macron đã kêu gọi phải làm sao để Pháp bớt phụ thuộc vào các nguyên liệu của Trung Quốc cần thiết cho ngành sản xuất xe hơi điện. 

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, Pháp cũng như các đồng minh của Paris đều đang cố giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga. Trong khi đó, các nước Trung Á, không chỉ Kazakhstan, Uzbekistan, mà cả Kirghizistan, Tadjikistan và Turkmenistan, đều muốn phần nào thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Nga.

Theo nhận định của tờ Le Monde, qua chuyến công du của tổng thống Macron hai nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, Paris còn muốn tranh giành ảnh hưởng với Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực này. Không chỉ giàu tài nguyên thiên nhiên, các nước Trung Á còn có vị trí chiến lược quan trọng đối với các cường quốc.

Tổng thống Macron không phải là lãnh đạo phương Tây duy nhất gặp các lãnh đạo vùng Trung Á trong thời gian gần đây. Hãng tin Bloomberg nhắc lại là bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tháng 9 vừa qua, tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã gặp các lãnh đạo của vùng này. Cũng trong tháng 9, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tiếp các lãnh đạo Trung Á tại Berlin. 

Tiếp theo tổng thống Macron, thủ tướng Hungary Viktor Orban và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng sẽ đến thăm Astana vào thứ 5 và thứ 6 tuần này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.