Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Nhật Bản : Sự lựa chọn thực dụng nguồn dầu khí Nga

Là nước tham gia vào các trừng phạt của phương Tây đối với Nga từ đầu cuộc xâm lược Ukraina, năm 2023, Nhật Bản làm chủ tịch luân phiên nhóm G7. Trong khi đó, Nhật Bản không từ chối can dự vào các dự án dầu khí đốt Nga để bảo đảm an ninh năng lượng của mình. Theo nhiều chuyên gia, đó là sự lựa chọn thực dụng khó cưỡng của Tokyo.

Ảnh minh họa : Tàu chở dầu Sun Arrows thuộc dự án Sakhaline-2 ở cảng Prigorodnoye, Nga ngày 29/10/2021.
Ảnh minh họa : Tàu chở dầu Sun Arrows thuộc dự án Sakhaline-2 ở cảng Prigorodnoye, Nga ngày 29/10/2021. AP
Quảng cáo

Nhật Bản, đất nước không có nguồn tài nguyên hóa thạch, buộc phải lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn than đá hay dầu khí nhập của nước ngoài, trong đó đặc biệt là từ Nga, để bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Riêng về khí đốt, theo tính toán, khoảng 60% trong tổng số 10 triệu tấn khí đốt khai thác hàng năm từ các đảo ở vùng Viễn Đông của Nga được bán cho Nhật Bản, tức chiếm 10% nhu cầu sử dụng của đất nước.

Khi cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina nổ ra, các nước phương Tây đồng loạt trừng phạt Matxcơva, chủ yếu vào năng lượng. Là một đồng minh quan trọng của phương Tây, ngay từ ngày đầu cuộc chiến tranh Ukraina, chính phủ Nhật hứa sẽ từ bỏ nhập than đá của Nga và dần dần cắt giảm sự lệ thuộc vào năng lượng Nga. Nhưng cam kết này Tokyo mới chỉ giữ được một phần. Theo các số liệu sơ bộ về nhập khẩu của Nhật được công bố hôm 19/01, trong năm ngoái nhập khẩu từ Nga : Than đá giảm 41,3% trong một năm và dầu lửa giảm 56,4%. Nhưng lượng khí hóa lỏng thiên nhiên (GNL) đã tăng 4,6%. 

Tokyo cũng tham gia vào quy định áp giá trần đối với dầu lửa Nga được nhóm các nước G7, Liên Hiệp Châu Âu và Úc thông qua hồi tháng 12 năm ngoái.  Tuy nhiên Nhật vẫn đặt cho mình ngoại lệ với cơ chế trừng phạt trên, trong việc nhập khẩu sản phẩm của Sakhaline-2, một dự án khai thác dầu khí của Nga nằm ở vùng Viễn Đông.

Các ông lớn trong ngành khai thác dầu khí của phương Tây như ExxonMobil và Shell đã lần lượt thoái vốn khỏi hai dự án Sakhaline-1 và Sakhaline-2, khi chính phủ Nga, hồi tháng 6, quyết định kiểm soát hoàn toàn các dự án trên. Tuy nhiên đến tháng 9, với sự vận động nào đó từ Tokyo, Matxcơva lại cho phép hai tập đoàn của Nhật Mitsubishi Corp và Mitsui Corp được chuyển phần góp vốn cũ vào dự án Sakhaline-2, giờ là một thực thể Nhà nước của Nga. Đây là một dự án « vô cùng quan trọng đối với an ninh năng lượng » của quần đảo, thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã khẳng định như vậy. Các đồng minh phương Tây, nhất là Hoa Kỳ cũng không thể làm gì khác ngoài việc thông cảm với sự lựa chọn của Tokyo. Hiện hai công ty Nhật vẫn giữ 30% vốn ở Sakhaline-1 và 22,5% ở Sakhaline-2 để có thể giúp cho quần đảo vẫn tiếp tục nhập dầu khí của Nga. Hơn nữa những dự án này có cái lợi là nằm rất gần Nhật, tránh được chi phí tốn kém, vận chuyển phức tạp như nhập từ những nguồn khác, chuyên gia Hiroshi Hashimoto thuộc Viện Kinh tế Năng lượng Nhật (IEEJ) lưu ý với AFP.

Nên biết là trong số các nước G7 Nhật Bản là nước có khả năng tự chủ về năng lượng kém nhất, chỉ chiếm hơn 13% nhu cầu. Hơn 90% tiêu thụ dầu lửa của Nhật vẫn phải nhập từ Trung Đông. Việc nhắm vào Sakhaline đã được chính phủ Nhật quan tâm từ lâu trong mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung ứng.

Việc nhập khẩu dầu thô có thể sẽ bị đe dọa « trong trường hợp nổ ra khủng hoảng ở Trung Đông hay trong vùng Biển Đông, tuyến đường vận chuyển năng lượng chính đến Nhật », theo giải thích của ông James D.Brown, giáo sư chi nhánh đại học Mỹ Temple tại Nhật.

Dự án Sakhaline-2 còn mang tính chiến lược với Nhật hơn bởi nó có thể cung cấp gần như toàn bộ lượng khí hóa lỏng nhập khẩu của Nhật. Với việc tham gia góp vốn của hai công ty Nhật trong dự án Sakhaline, và thuận lợi về địa lý, Tokyo không thể tìm đâu mua được khí đốt rẻ hơn, trong khi giá khí hóa lỏng trên thế giới tăng vọt cùng với cuộc chiến tranh ở Ukraina. Tokyo không thể nào dễ dàng thay thế các hợp đồng mua sản phẩm của Sakhaline-2 trong lâu dài, theo Yuriy Humber, nhà sáng lập cơ quan phân tích Nhật NRG.

Một lý do khác để Nhật Bản không thể bỏ các dự án Sakhaline vì như vậy Trung Quốc ngay lập tức sẽ nhảy vào ngay. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng tỏ lo ngại về sự lựa chọn của Tokyo vì Sakhaline dù sao vẫn là nguồn không chắc chắn cho Nhật, có thể bị cắt bất cứ lúc nào trong trường hợp Matxcơva trả đũa năng lượng khi bị phương Tây dồn ép.

Lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra, gần đây nhiều công ty Nhật đã ký các hợp đồng khí hóa lỏng với Hoa Kỳ hay Oman. Nhưng các loại thỏa thuận đó, thông thường đều phải đợi nhiều năm nữa hàng mới được giao. 

Wrenn Yennie Lindgren, một chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế của Na Uy và Thụy Điển, chỉ trích việc ở lại Sakhaline làm suy yếu chính sách ngoại giao dựa trên đạo đức và giá trị mà (Nhật Bản) đã cam kết đẩy mạnh trong nhiệm kỳ chủ tịch G7.

Tuy nhiên, đối với chuyên gia Humber, "chúng ta chỉ có thể hành động có đạo đức nếu chúng ta có một giải pháp thực dụng" ở phía sau.

Và các đồng minh phương Tây cũng không có lý do gì trách cứ Nhật, khi mà nhiều ngoại lệ trong các trừng phạt dầu lửa Nga vẫn được chấp nhận cho một số nước ở Đông Nam của Liên Âu. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.