Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Thủ tướng Hungary tiếp tục gây sức ép với Liên Âu để được nhận tài trợ

Hungary hoãn ngày phê chuẩn kết nạp hai nước Bắc Âu Phần Lan và Thụy Điển vào Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Thêm một quyết định, được thủ tướng Viktor Orban thông báo hôm 24/11/2022, để gây áp lực với các đồng minh, đặc biệt với Liên Hiệp Châu Âu trong việc giải ngân 13,3 tỉ euro, với điều kiện Hungary cải cách Nhà nước pháp quyền. 

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán hoãn ngày quyết định cho Phần Lan và Na Uy gia nhập NATO để đòi châu Âu tháo khoán tài trợ
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán hoãn ngày quyết định cho Phần Lan và Na Uy gia nhập NATO để đòi châu Âu tháo khoán tài trợ AFP - ATTILA KISBENEDEK
Quảng cáo

Chính quyền Budapest thường xuyên bị cáo buộc tìm mọi cách « bắt chẹt »« liên tục lạm dụng quy định đồng thuận  của Liên Hiệp Châu Âu để cản trở những quyết định quan trọng », theo phản ánh của nhiều nghị sĩ châu Âu. Trước sức ép của Nghị Viện, Ủy Ban Châu Âu đã phải chọn biện pháp « cứng rắn », đụng đến « túi tiền » dành cho Budapest, vì theo nghị sĩ châu Âu Daniel Freund của Đức, « tiền là điều duy nhất ông Viktor Orban hiểu »

Hungary được hưởng hai khoản tài trợ từ Liên Hiệp Châu Âu : 7,5 tỉ euro trong quỹ liên kết cho giai đoạn 2021-2027 và 5,8 tỉ euro trong khuôn khổ Kế hoạch Tái thiết hậu Covid-19. Tuy nhiên, cả hai khoản này đều bị đình chỉ giải ngân do chính quyền Budapest không tiến hành thỏa đáng cải cách chống tham nhũng, xung đột lợi ích hoặc cải thiện điều kiện đấu thầu trong nước. Khoản viện trợ 5,8 tỉ euro sẽ được quyết định vào ngày 29/11 và nếu không được thông qua trước cuối năm, Hungary sẽ mất 70% ngân sách trên. Hungary là nước duy nhất chưa được tiếp cận quỹ này. 

Ủy Ban Châu Âu không còn ngây thơ trước việc những người thân cận của thủ tướng Viktor Orban làm giầu nhờ tiền của châu Âu, thông qua đấu thầu các dự án dùng ngân sách công. Những biện pháp cải cách của Hungary vẫn chưa thuyết phục được Ủy Ban Châu Âu, như sửa đổi 17 đạo luật để bảo đảm tính minh bạch cao hơn trong việc đấu thầu các dự án dùng ngân sách công, thành lập một cơ qua độc lập chống tham nhũng và một nhóm chống tham nhũng có các tổ chức phi chính tham gia… 

Hungary cần quỹ của châu Âu để đối phó khủng hoảng 

Hungary đang đối mặt với tình trạng lạm phát phi mã - tăng 21%, đồng forint mất giá, nợ công (chủ yếu là đô la và euro) gia tăng và lãi suất được ngân hàng trung ương ấn định ở mức 13%. Cuộc khủng hoảng hiện nay, cùng với khả năng không được tiếp cận nguồn tài chính quan trọng từ châu Âu, có thể sẽ tác động đến « giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô chưa từng có từ năm 2008 » ở Hungary, theo nhận định với Le Figaro của kinh tế gia Mateusz Urban, Viện Oxford Economics. Thực vậy, Hungary là một trong những nước được hưởng lợi nhất tính theo đầu người trong Liên Hiệp Châu Âu, chủ yếu dành cho đầu tư công. Tuy nhiên, theo Viện Oxford Economics, khoản viện trợ từ châu Âu sẽ giảm 25%, dẫn đến nguy cơ GDP của Hungary giảm 1,3% trong năm 2023. 

Trước mắt, việc chưa nhận được khoản viện trợ mới sẽ không tác động ngay đến tài chính của Hungary vì nước này vẫn được giải ngân từ ngân sách quỹ liên kết cho 2014-2020. Tuy nhiên, một nguồn tin châu Âu nhận xét với báo Le Monde rằng quyết định đình chỉ cấp ngân sách 2021-2027 « sẽ tác động đến danh tiếng và các thị trường sẽ đòi lãi suất cao hơn với Hungary »

Rủi ro để vuột Hungary khỏi quỹ đạo Liên Hiệp Châu Âu 

Dù sao, Liên Hiệp Châu Âu muốn giữ Hungary trong quỹ đạo của khối, để khẳng định « đoàn kết » trước một nước Nga của tổng thống Putin đang xâm chiếm Ukraina. Trong bối cảnh này, Ủy Ban Châu Âu sẽ đề xuất với các nước thành viên phê chuẩn Kế hoạch tái thiết của Hungary, nhưng đặt điều kiện để giải ngân, cụ thể là 27 điểm tham chiếu mà Budapest phải vượt qua để có thể nhận được đồng viện trợ đầu tiên, trong đó có yêu cầu cải cách sự độc lập của Tư pháp. Nói một cách khác, nếu chính quyền của thủ tướng Orban không tháo gỡ những trở ngại ngăn Hungary nhận 7,5 tỉ euro từ quỹ liên kết thì Budapest cũng sẽ không nhận được 5,8 tỉ euro từ quỹ tái thiết hậu Covid-19. 

Thủ tướng Orban cũng kiên quyết không nhượng bộ Ủy Ban Châu Âu khi thể hiện rõ ý định không thông qua ngân sách 18 tỉ euro viện trợ cho Ukraina trong năm 2023 (Kiev cho biết cần 38 tỉ euro để tái thiết đất nước trong năm 2023) và lập mức thuế tối thiểu 15% đối với các đại tập đoàn đa quốc gia để chống trốn thuế. Các bộ trưởng Tài Chính của Liên Hiệp Châu Âu dự kiến bỏ phiếu hai chủ đề này trong phiên họp ngày 06/12. 

Cuộc đối đầu giữa Bruxelles và Budapest chưa ngã ngũ nhưng dường như Bruxelles không có ý định lùi bước vì các nghị sĩ châu Âu kêu gọi gây sức ép với chính phủ của thủ tướng Viktor Orban. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.