Vào nội dung chính
PHÁP - CẢI TỔ HƯU TRÍ

Chống cải cách hưu trí: Biểu tình tiếp diễn ở nhiều nơi, xô xát với cảnh sát ở Paris

Phong trào phản đối việc chính quyền của tổng thống Macron cho thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không cần Quốc Hội biểu quyết vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi trên đất Pháp, với nhiều cuộc biểu tình biến thành bạo động. Tại thủ đô Paris, hàng ngàn người vào hôm qua 18/03/2023 đã tập hợp tại quảng trường Place D’Italie để bày tỏ thái độ giận dữ và nhiều vụ bạo động đã nổ ra.

Tại một số nơi ở Paris, người biểu tình đốt thùng rác, đập phá trên đường phố, thứ Bảy 18/03/2023.
Tại một số nơi ở Paris, người biểu tình đốt thùng rác, đập phá trên đường phố, thứ Bảy 18/03/2023. AP - Lewis Joly
Quảng cáo

Theo bộ Nội Vụ Pháp, vào hôm qua, đã có 169 người biểu tình bạo động bị câu lưu trên toàn quốc, trong đó có 122 người ở Paris. Sau những sự cố trong hai đêm thứ Năm và thứ Sáu liên tiếp tại quảng trường Concorde, gần trụ sở Quốc Hội và phủ tổng thống Pháp, chính quyền đã tăng cường kiểm soát ban hành lệnh cấm tụ tập tại khu vực trung tâm này.

Trong tình hình đó, theo nguồn tin cảnh sát, đã có hơn 4.000 người đã tập hợp về quảng trường Place d'Italie, ở phía nam thủ đô, để tham gia cuộc biểu tình. Vào buổi tối thứ Bảy, nhiều vụ bạo động đã nổ ra khi một số người biểu tình đốt thùng rác nhựa, đập phá các biển quảng cáo bằng kính hay các trạm xe buýt, lập rào cản trên đường phố. Cảnh sát đã phải dùng vòi rồng và hơi cay để can thiệp.

Theo ghi nhận của phóng viên Amélie Beaucour và Boris Vichith có mặt trong đoàn biểu tình tại Place d’Italie, nỗi tức giận của người xuống đường đã gia tăng gấp bội sau khi chính quyền dùng Điều 49.3, áp đặt dự luật cải cách hưu trí mà không cần Quốc Hội biểu quyết. Phong trào phản đối được cho là sẽ còn tiếp diễn.

“Trong số hàng nghìn người biểu tình tụ tập ở Place d'Italie, có cô Stéphanie, người đã tham gia phong trào phản đối từ đầu tháng Giêng. Nhưng tâm trạng của cô hôm nay khác hẳn với ngày đầu tiên : “Lúc đầu, phong trào là nhằm cảnh báo chính phủ rằng chúng tôi không muốn có luật đó. Giờ đây, chính phủ đã dùng đến Điều 49.3, nên chúng tôi thực sự phẫn nộ và lại càng kiên quyết hơn, không chấp nhận bó tay”.

Còn theo anh Yves, vì chính phủ đã cho thấy rằng họ không đếm xỉa đến những yêu cầu của đường phố, cho nên cuộc đấu tranh phải đi xa hơn nữa. Anh cho biết nguyên văn như sau : “Theo tôi, điều quan trọng là phải nhân rộng mọi hình thức đấu tranh trên khắp đất nước, để phong trào bùng lên mọi nơi vì nỗi tức giận của người dân rất lớn. Người ta đã phải chịu đựng bất công từ quá nhiều năm nay và giờ đây, người dân mọi nơi đều cảm thấy ngán ngẩm và tức tối. Do đó sự tức tối đó phải được thể hiện dưới mọi hình thức. Tôi tin rằng tình hình sẽ sớm trở thành không thể kiểm soát được”.

Mục tiêu của những người biểu tình vào cuối tuần này là gây áp lực để các dân biểu bỏ phiếu tán đồng các kiến nghị bất tín nhiệm, động thái duy nhất cuối cùng nhằm bác bỏ việc dự luật được thông qua. Nếu các kiến nghị lại không được chấp thuận, những người biểu tình sẽ lại xuống đường cùng với nỗi tức giận của họ”.

Ngày mai 20/03, Quốc Hội Pháp sẽ xem xét các kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ sau khi thủ tướng Elisabeth Borne sử dụng Điều 49.3 của Hiến Pháp, cho phép thông qua một văn bản luật mà không cần Quốc Hội bỏ phiếu.

Theo một cuộc thăm dò dư luận của hãng Ifop được tuần báo JDD công bố vào hôm nay, tỷ lệ ủng hộ của tổng thống Macron đã giảm vào tháng 3, xuống còn 28%, mức thấp nhất kể từ khi kết thúc cuộc khủng hoảng "Áo Vàng" hồi năm 2019.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.