Vào nội dung chính
LIÊN HOAN PHIM CANNES

Liên hoan Cannes : Iran, Pakistan hành trình chinh phục tự do

Không hẹn mà hai đạo diễn Iran và Pakistan cùng đến Cannes với một chủ đề : Phụ nữ tại hai quốc gia Hồi Giáo với truyền thống « quyền huynh thế phụ » còn rất nặng. Dù ở Teheran hay Islamabad, Leila, Biba hay Mumtaz miệt mài đòi quyền tự định đoạt lấy cuộc đời.

Phim Joyland của đạo diễn Pakistan Saim Sadiq đoạt giải thưởng của ban giám khảo Cannes ở hạng mục Un Certain Regard 2022
Phim Joyland của đạo diễn Pakistan Saim Sadiq đoạt giải thưởng của ban giám khảo Cannes ở hạng mục Un Certain Regard 2022 © https://www.festival-cannes.com/fr/festival/films/joyland
Quảng cáo

Đó là một thành công lớn cho điện ảnh Pakistan. Đêm 27/05/2022, Joyland của đạo diễn Saim Sadiq vừa đoạt giải thưởng của ban giám khảo ở hạng mục Un Certain Regard - Nhãn Quan Độc Đáo.

Trong tác phẩm này, Haider, cậu con trai út trong một gia đình khá giả, sống với bố già, vợ chồng người anh cả, và Mumtaz cô vợ mà gia đình đã cưới cho anh. Haider cùng với vợ và chị dâu đảm đương những « công việc rất đàn bà » trong gia đình. Cho tới ngày kia anh tìm được việc làm … ở đoàn múa của Biba, một người chuyển giới tính và đem lòng yêu thương Biba.  

Biba đấu tranh để khẳng định giới tính. Mumtaz vợ của Haider thì đấu tranh để được quyền đi làm. Cô có uy tín trong công việc, và việc chải tóc, trang điểm cho cô dâu, cho phép Mumtaz thoát ra ngoài cái không khí ngột ngạt của gia đình. Đó cũng là phương tiện giúp cô mang đồng lương về chia sẻ gánh nặng với anh cả và chị dâu. Qua ống kính của đạo diễn Saim Sadiq, khán giả cảm nhận thấy khát vọng tự do của bộ ba Biba, Mumtaz và Haider. Người chị dâu cả, một bà hàng xóm đứng tuổi lui tới với gia đình của Haider cùng khát tự do không kém.  

Đây là lần đầu tiên một bộ phim Pakistan chính thức tham gia chương trình liên hoan Cannes, 95 % chi phí của dự án do Mỹ tài trợ.  

Từ Pakistan đến Iran

Cùng độ tuổi với Saim Sadiq, đạo diễn Iran, Saeed Roustayi tranh Cành Cọ Vàng với Leila’brothers. Leila là cô con gái duy nhất sống với bố mẹ và bốn người anh tại một quốc gia đang lún sâu vào khủng hoảng kinh tế.

Căn nhà của gia đình cô rệu rã thể hiện tình trạng tài chính khó khăn với 7 miệng ăn. Tất cả trông vào đồng lương hưu ít ỏi của ông bố già và nhờ thu nhập hàng tháng Leila mang về. Nhưng cô không bao giờ được quyền có tiếng nói, kể cả khi phải quyết định « kinh doanh ». Đơn giản, Leila là « con gái » của một ông bố già bảo thủ, là « em gái » của bốn người anh trai, cho dù không một ai đem được đồng lương về cho gia đình, không biết buôn bán, chẳng làm ăn gì nhưng mỗi lời nói của những người đàn ông tỏng gia đình ấy là « một mệnh lệnh ». Trong xã hội, Leila cũng chỉ là một « người đàn bà ».

Qua bộ phim dài hơn 3 giờ đồng hồ này, Saeed Roustayi cho thấy bộ mặt của Teheran ngày hôm nay, những khó khăn vật chất hàng ngày. Leila’s brothers là bộ phim thứ ba của nhà đạo diễn mới 32 tuổi này. Anh được xem là người đang đi tiếp trên con đường mà lớp đàn anh như Asghar Farhadi đã khai mở, đưa ống kính đi từ bên trong một gia đình để nhìn ra ngoài xã hội.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.