Vào nội dung chính
PHÁP - NGA - UKRAINA

Liệu thượng đỉnh Putin–Zelensky có sớm chấm dứt xung đột tại Ukraina?

Hôm nay, 09/12/2019, tại điện Elysée, Paris tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel, trong vai trò hòa giải, gặp gỡ tổng thống Nga, Vladimir Putin và tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, trong khuôn khổ « công thức Normandie ». Mục tiêu cuộc họp thượng đỉnh này là thúc đẩy tiến trình thực thi thỏa thuận Minks, để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraina kéo dài từ năm năm qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin được đón tiếp trước lúc tham gia thượng đỉnh tại Paris (Pháp) ngày 09/12/2019.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được đón tiếp trước lúc tham gia thượng đỉnh tại Paris (Pháp) ngày 09/12/2019. Sputnik/Mikhail Metzel/Kremlin via REUTERS
Quảng cáo

Đây cũng là cuộc họp bốn bên đầu tiên kể từ năm 2016 và cũng là cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Ukraina đầu tiên. Tổng thống Pháp và thủ tướng Đức tỏ ra phần nào « lạc quan » hy vọng tái khởi động việc thực thi toàn diện thỏa thuận hòa bình Minks được ký kết ngày 12/02/2015.

Quả thật, trong thời gian gần đây, điện Kremlin đã đưa ra nhiều dấu hiệu hòa dịu : Tiến hành một cuộc trao đổi 70 tù nhân lớn chưa từng có, Phe nổi dậy thân Nga rút quân tại ba khu vực dọc theo chiến tuyến và Matxcơva trao trả ba chiếc tầu chiến bị bắt giữ cho Kiev.

Do vậy, cuộc họp lần này tại Paris tập trung chủ yếu vào nội dung chính của thỏa thuận này, dự kiến một lệnh hưu chiến ngay lập tức ở miền đông Ukraina, rút các loại vũ khí hạng nặng, khôi phục quyền kiểm soát của Kiev đối với đường biên giới với Nga, và trao thêm quyền tự trị cho các vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát.

Liệu rằng tổng thống Ukraina có thể đạt được điều mình muốn hay không ? Câu trả lời sẽ là « khó ». Bởi vì, theo giới quan sát, phạm vi thương lượng của Kiev tại thượng đỉnh lần này là khá hạn hẹp. Công luận Ukraina lo ngại ông Zelensky không đủ khả năng để thương lượng trong thế « bằng vai phải lứa » với Vladimir Putin, một « cáo già » trên chính trường quốc tế. Mặt khác, người dân Ukraina sẽ không tha thứ cho việc tổng thống của họ chiều theo các điều kiện của chủ nhân điện Kremlin.

Trong bối cảnh này, tổng thống Ukraina, vì mong muốn chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột, và dường như cũng muốn tìm kiếm một sự hậu thuẫn của quân đội, nên trước ngày đến Paris, đã đến thăm các đạo quân tại mặt trận đông Ukraina hôm thứ Sáu 06/12/2019. Bản thân ông cũng hiểu được điều này khi cho rằng việc tổ chức được các cuộc đối thoại tự nó đã là một « thắng lợi đầu tiên ».

Do vậy, theo giới chuyên gia, nguyên thủ Ukraina sẽ chỉ tập trung vào ba điểm chính : Tiến hình một cuộc trao đổi tù nhân mới, thực thi một lệnh ngưng bắn lâu dài, và xóa bỏ được các nhóm vũ trang « bất hợp pháp » trên lãnh thổ Ukraina, ngầm ý ám chỉ các nhóm ly khai được Nga bảo trợ.

Về phía Nga thì sao ? Thái độ của điện Kremlin về cuộc hẹn này như thế nào ? Theo thông tín viên đài RFI, Daniel Vallot tại Matxcơva, điện Kremlin tỏ thái độ « lạc quan thận trọng » :

« Nếu nhìn vào các tuyên bố gần đây từ phía chính quyền Nga, thì Matxcơva tỏ rất thận trọng về cuộc gặp thượng đỉnh ở Paris giữa Putin và Zelensky. Cách nay vài ngày, Dmitry Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin cho biết là Matxcơva lạc quan rất có chừng mực, rất thận trọng về kết quả cuộc ngày hôm nay tại Paris.

Sở dĩ Nga tỏ ra thận trọng bởi vì có một điểm gây bế tắc và rất khó giải quyết được trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Paris, liên quan đến thời gian biểu thực thi các nội dung trong thỏa thuận Minsk : đó là việc tổng thống Zelensky tuyên bố muốn giành lại quyền kiểm soát đường biên giới chung với Nga trước khi có tổ chức bầu cử tại Donbass. Theo Matxcơva, đòi hỏi này trái ngược với thỏa thuận Minsk và không thể chấp nhận ý tưởng muốn xem xét lại thỏa thuận Minsk, vốn được đàm phán vào thời điểm cuộc chiến tại Ukraina diễn ra ác liệt nhất và chưa bao giờ được thực sự áp dụng cả ».

Giờ đây mọi cặp mắt đang đổ dồn về điện Elysée với câu hỏi lớn : Liệu có thể có một kết cục nhanh chóng cho cuộc xung đột tại Ukraina hay không ? Trả lời AFP, chuyên gia Konstantin Kalatchev hoài nghi cho rằng: « Vladimir Putin chẳng được lợi gì nếu như cuộc xung đột này trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng ông cũng muốn là mọi phương thức giải quyết phải được thực hiện theo các điều kiện của ông ».

Dẫu sao thì thượng đỉnh bốn bên theo « công thức Normandie » lần này còn là một bài trắc nghiệm cho sáng kiến ngoại giao của Paris muốn « kéo Nga trở về mái nhà châu Âu ». Quan hệ Nga – Liên Hiệp Châu Âu đã bị tê liệt kể từ khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga. Về điểm này, ông Konstantin Kalatchev, giám đốc Nhóm chuyên gia chính trị tại Matxcơva cảnh báo, nguyên thủ Pháp chớ có ảo tưởng nghĩ rằng có thể có ảnh hưởng với Vladimir Putin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.