Vào nội dung chính
KHOA HỌC

iPad mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành giải trí dùng kỹ thuật số

Vào thứ sáu tới, máy tính bảng iPad của hãng Apple sẽ chính thức được tung ra tại thị trường Pháp. Nhật báo kinh tế Les Echos nhận xét, thiết bị mang tính đột phá này rất gần gũi với iPhone, nhưng có được những ứng dụng rộng rãi hơn. Theo tờ báo, thì với những ưu điểm như màn hình cảm ứng tuyệt vời, ứng dụng tiềm năng phong phú, sử dụng iPad để giải trí rất thú vị thay vì dùng cho công việc văn phòng.

Chiếc máy tính bảng  l'iPad của Apple, đang là niềm mơ ước của nhiều người.
Chiếc máy tính bảng l'iPad của Apple, đang là niềm mơ ước của nhiều người. Ảnh: Reuters/ Apple Inc.
Quảng cáo

Với trọng lượng 730 gam, iPad phiên bản 3G rất cơ động. Người ta có thể sử dụng trong tàu điện ngầm, trên sân thượng, trong xe hơi, tại nhà…và máy có thể hoạt động liên tục trong vòng 10 tiếng đồng hồ. Nếu iPad cũng đẹp, đơn giản, khởi động nhanh như iPhone, thì kích cỡ màn hình lên đến 9,7 inches thay vì 3,5 inches như iPhone đã giúp máy tính bảng có vô số ứng dụng mới mẻ.

Trước hết là iBooks, thư viện trên mạng của Apple với rất nhiều tựa sách, riêng sách tiếng Pháp hiện đã có vài trăm tựa. Việc đọc sách với máy tính bảng cũng khá thoải mái, không chỉ nhờ màn hình thủy tinh lỏng với kỹ thuật cảm ứng đa điểm dễ nhìn, mà còn nhiều tương tác khác. Rất dễ tìm được trang mình thích, chọn các câu cần sao chép, đổi kiểu chữ hay tìm lại một đoạn văn, nhờ công cụ tìm kiếm được tích hợp sẵn.

Với màn hình lớn gần gấp ba iPhone, những người thích các trò chơi video tha hồ tha hồ tung hoành. Như trong trò « Shrek Karting » đua xe với người khổng lồ xanh, iPad trở thành tay lái, cộng với các nút cảm ứng để phóng nhanh hay thắng lại, nhảy chồm lên. Nhiều người có thể chơi chung nếu dùng Bluetooth. Chất lượng hình ảnh rất cao nên có thể dùng iPad để xem truyền hình. Còn các ảnh chụp cũng rất dễ dàng xem qua, chọn lựa, ngoài ra có thể ghi lại địa điểm nhờ hệ thống định vị vệ tinh.

Các ứng dụng dành riêng cho iPad rất phong phú. Từ Magic Piano để tập đánh đàn piano, Colorplay để giúp trẻ em tập vẽ, cho đến Star-Walk để khám phá vũ trụ. Google Maps từng được sử dụng trong iPhone, nay với máy tính bảng lại càng tiện lợi hơn.

Còn về ứng dụng chuyên môn văn phòng, tuy Apple nhấn mạnh đến gói iWork gồm có Pages, Numbers, Keynote nhưng vẫn không thuận tiện bằng máy tính cổ điển với bàn phím và chuột. Bên cạnh đó, iPad không phải là điện thoại, và phải dùng bộ điều chỉnh nếu muốn có webcam và cổng USB, không dùng nhiều ứng dụng cùng lúc được. Giá cả máy tính bảng cũng cao : phiên bản 3G loại 16Go giá 599 euro, loại 64Go giá 799 euro ; chưa kể tiền thuê bao dịch vụ và các phụ tùng. Nhưng thiết bị mang tính đột phá này vẫn hấp dẫn rất nhiều người tiêu dùng.

iPad thúc đẩy báo chí làm cách mạng kỹ thuật số

Riêng đối với ông Didier Quillot, tổng giám đốc tập đoàn báo chí Lagardère Active của Pháp, thì iPad sẽ làm thay đổi cục diện của ngành truyền thông nói chung và báo viết nói riêng. Theo ông Quillot, truyền thông mạng sẽ thay đổi cách tiêu thụ thông tin, khi cung ứng cho người đọc cùng lúc văn bản, âm thanh và hình ảnh tương tác, khi họ đang di chuyển. Máy tính bảng sẽ giúp làm một cuộc cách mạng về tiếp thu thông tin trên internet, cũng như iPhone đã từng mở đầu cuộc cách mạng cho các loại điện thoại thông minh.

Có điều, khác với iPhone, iPad có lẽ sẽ không được các nhà cung cấp dịch vụ trợ giá để bán được dịch vụ thuê bao. Cho nên nếu muốn tạo dựng một thị trường đại trà với hàng triệu người sử dụng, thì Apple cần giảm giá của thiết bị này xuống.

Tập đoàn Lagardère Active đang chuẩn bị tung ra một phiên bản phong phú hơn của tờ Paris Match, và Elle à la table, dành riêng cho iPad, cũng cùng vào ngày thứ sáu tới. Các bài viết sẽ được làm ma-két lại sao cho để máy xuôi hay ngược đều đọc được, và tùy thời sự, có thể ra những số đặc biệt. Sắp tới tập đoàn này sẽ lăng-xê thêm 4 hay 5 tạp chí nữa trên iPad, nhưng muốn đọc phải trả tiền. Ông Quillot cho rằng, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nếu nội dung có giá trị, và báo chí đang chuyển đổi theo hướng thích ứng với thời đại kỹ thuật số, nhưng không nên lặp lại sai lầm lịch sử của internet là mọi thứ đều miễn phí.

Triều Tiên: Mười năm hòa giải tan thành mây khói

Nhìn sang châu Á, nhiều báo Pháp hôm nay đều tỏ ra quan ngại trước tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Nhật báo công giáo La Croix than rằng, mười năm trời cố gắng để hai nước Triều Tiên xích gần lại với nhau, nay đã tan thành mây khói.

Bình Nhưỡng dự kiến sẽ trục xuất tất cả những người lao động Hàn Quốc đang làm việc tại khu kinh tế hỗn hợp Kaesong, nơi hiện diện 120 công ty Hàn Quốc. Khu công nghiệp này được tổng thống Kim Dae Jong khánh thành cách đây 10 năm, vốn là biểu tượng của sự hòa giải giữa hai miền nam bắc.

Phản ứng mạnh mẽ của Bình Nhưỡng đã làm ngỡ ngàng nhiều nhà quan sát. Ông Andrei Lankov, giáo sư đại học ở Séoul nhận định, cho đến nay, Bắc Triều Tiên vẫn được coi là « một chính quyền rất tính toán, man trá và hết sức hiệu quả ». Nhờ đó mà các nhà lãnh đạo cấp cao Bình Nhưỡng có thể sống sót được sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, mất đi sự hỗ trợ về kinh tế của các đồng minh truyền thống, và nạn đói cuối thập niên 90 làm cho hàng trăm ngàn người chết. Thế nhưng « các quyết định mới đây của Bình Nhưỡng có vẻ ít dựa trên lý trí hơn trước ».

Vụ tấn công vào tàu Cheonan được xem là hành động trả thù cho cuộc hải chiến đẫm máu giữa hai bên tại Hoàng Hải vào tháng 11 năm ngoái. Giáo sư Lankov phân tích : « Các tướng lãnh Bắc Triều Tiên hài lòng vì đã phục thù được, nhưng hậu quả sẽ rất nặng nề. Bình Nhưỡng bị cô lập, sẽ không có được viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ và Hàn Quốc như trong những năm gần đây, và sẽ bị lệ thuộc hơn nữa vào Trung Quốc ».

Thái độ hung hăng mới đây sẽ làm Bắc Triều Tiên cô đơn hơn, trái ngược hẳn với những nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài trong những tháng vừa qua. Một nhà nghiên cứu khác nhận xét, các lãnh đạo Bình Nhưỡng ngỡ rằng chính phủ mới của Hàn Quốc sẽ nhún nhường như hai tổng thống cấp tiến tiền nhiệm, nhưng họ đã lầm.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, vụ tấn công tàu Cheonan là một dấu hiệu bất ổn trong nội bộ chính quyền Bình Nhưỡng, với các lời đồn đại về người kế vị cũng như khả năng điều hành đất nước sau khi ông Kim Jong Il bị tai biến mạch máu não hồi năm 2008. Quả là đáng lo ngại, khi quân đội hai nước Triều Tiên đều đang trong tình trạng báo động, và chính quyền Séoul sẽ còn cứng rắn hơn nữa, vì cuộc bầu cử địa phương dự kiến vào ngày 2/6 đã gần kề.

Một Trung Đông "nguyên tử hóa" trong thế kỷ 21?

Liên quan đến vấn đề chạy đua trong lãnh vực hạt nhân ở Trung Đông, hồ sơ của Le Monde tìm cách giải đáp các câu hỏi, liệu các nước khác có theo gương Iran, và phương thức ngoại giao có thể giải quyết được hay không ?

Người ta lo ngại nhất là trong thế kỷ 21 lại xuất hiện một Trung Đông đa cực và sở hữu công nghệ hạt nhân. Cho đến nay, chỉ mới có Israel là có bom nguyên tử tuy không tuyên bố. Nhưng Iran đang cố khẳng định mình như một cường quốc khu vực, ngoài ra hàng chục nước Ả rập Hồi giáo khác cũng đang muốn có công nghệ hạt nhân, với lý do là có nhu cầu về năng lượng. Không một nước nào nói là muốn có bom nguyên tử cả, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng một cuộc chạy đua ngấm ngầm đã bắt đầu. Việc phát hiện ra các chương trình hạt nhân bí mật của Iran, Lybia và Syria cho thấy có những lỗ hổng trong cách thức kiểm soát của quốc tế.

Le Monde phân tích thêm, Ả rập Xê út rất muốn có bom nguyên tử để làm đối trọng với Iran, và có thể « đặt hàng » cho Pakistan. Tương tự với Ai Cập, hơn nữa nước này có trình độ kỹ thuật cao. Và nếu như vậy thì Thổ Nhĩ Kỹ cũng không thể khoanh tay ngồi nhìn. Còn Syria, đồng minh của Iran vẫn đang bị nghi ngờ là đang xây dựng lò phản ứng nguyên tử theo kiểu Bắc Triều Tiên. Nước này luôn gây trở ngại cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và đã từ chối không cho các thanh tra vào ba căn cứ quân sự.

Về phía Hoa Kỳ, thông tín viên của Le Monde tại Washington cho biết, theo tờ New York Times thì bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trong một báo cáo hồi tháng giêng đã tỏ ra lo ngại về việc thiếu vắng một chiến lược lâu dài đối với Iran. Về mặt chính thức thì chính quyền Obama vừa mở cửa cho thương lượng, vừa tác động Liên Hiệp Quốc để có các biện pháp trừng phạt. Song song đó, chừng như người Mỹ cũng đã chuẩn bị đối phó với một Iran có bom hạt nhân, mà các chương trình thiết lập hệ thống chống tên lửa cho các nước vùng vịnh là một bằng chứng. Heritage Foundation, một tổ chức khuynh hữu ở Washington cho rằng, cách tốt nhất là duy trì thế mạnh tuyệt đối để những nước có ý định sở hữu bom nguyên tử phải chùn chân lùi bước.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.