Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Việt Nam tham gia Hội nghị Đại dương Toàn cầu tại Paris

Từ ngày 03/05 đến 07/05/2010, tại trụ sở Unesco ở Paris, thủ đô nước Pháp, đã diễn ra Hội nghị Đại dương Toàn cầu lần thứ 5, với sự tham gia của hơn 700 nhà khoa học cũng như quan chức chính phủ đến từ 80 nước trên thế giới. Phái đoàn Việt Nam gồm hơn 20 đại biểu do Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên dẫn đầu.

Chủ tịch  đoàn Hội nghị Đại dương Toàn cầu lần thứ 5, tổ chức tại Paris.
Chủ tịch đoàn Hội nghị Đại dương Toàn cầu lần thứ 5, tổ chức tại Paris. Nguồn: www.unesco.org
Quảng cáo

Cách nay hai năm, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Đại dương Toàn cầu lần thứ 4, do đó lần này, phái đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào các vấn đề được đưa ra thảo luận.

Trả lời phỏng vấn của RFI, Phó Giáo sư Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã giải thích cụ thể hơn:

Hội Nghị lần thứ 4 tại Hà Nội là Hội nghị duy nhất tổ chức ngoài trụ sở của Liên Hiệp Quốc, năm nay Hội nghị lần thư 5 tiếp tục diễn ra ở trụ sở Liên Hiệp Quốc. Nhân Hội nghị 2008, Việt Nam là nước chủ nhà, không chỉ giữ vai trò tổ chức mà còn tham gia đầy đủ 13 tiểu ban khác nhau và có báo cáo trình bày.

Lần này trên tinh thần Hội nghị thứ 4, vấn đề được nêu lên là quan hệ giữa đại dương và biến đổi khí hậu, bởi vì gần đây người ta nói nhiều đến biến đổi khí hậu và tác động của nó đến đại dương, hải đảo và vùng duyên hải, nhưng lại nói quá ít đến biến đổi của đại dương và tác động của nó đến bầu khí quyển. Trong thực tiễn, đại dương và khí quyển là hai hệ thống tự nhiên có tác động tương tác với nhau, quyết định toàn bộ chu trình nước toàn cầu và cũng quyết định toàn bộ đời sống của trái đất.

Tinh thần Hội nghị Đại dương lần thứ 4 là chỉ có một đại dương, một bầu khí quyển và một tương lai. Chúng ta không chỉ bảo vệ bầu khí quyển, mà còn phải nỗ lực bảo vệ đại dương, để hai hệ thống này tiếp tục phát huy chức năng tự nhiên vốn có, để duy trì đời sống trên trái đất và đời sống của con người.

Từ tư tưởng đó đến hội nghị lần này, có thể nói là Việt Nam là nước hưởng lợi đầu tiên là nước chủ nhà hội nghị lần thứ tư, cho nên Việt Nam thấm nhuần cái tư tưởng về nhìn đại dương ở hai góc độ. Một là đại dương là đối tượng chịu tác động của biến đổi khí hậu, trong khi đại dương có vai trò và tiềm năng rất lớn đối với sự phát triển loài người nói chung và đối với quốc gia biển như Việt Nam nói riêng. Và chiến lược biển của VN đến năm 2020 cũng xác định là biển và kinh tế biển sẽ đóng vai trò quan trọng trong kinh tế đất nước, sẽ đóng góp khoảng từ 52 cho đến 56% GDP của cả nước.

Với tư tưởng của Hội Nghị lần thứ tư như tôi nói, thì Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến vai trò thứ nhất, tiến hành các dự án để thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu đến các vùng duyên hải, đến vùng đảo của chúng ta, đến sinh thái biển và môi trường biển.

Điểm thứ hai là Việt Nam đã quán triệt tinh thần nhìn góc độ thứ hai của đại dương. Đại dương mà biến đổi, thì khí hậu biến đổi, cho nên thế giới có khuyến nghị tại hội nghị lần thứ 4 ở Hà Nội là nên nghiên cứu đại dương với tư cách là một giải pháp, một công cụ vĩ mô để giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu trong cái thời gian vừa qua; cũng như để chuẩn bị cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Và chính từ tư tưởng đó, trong Hội nghị lần thứ 5 tại Unesco lần này, ban tổ chức quốc tế mời Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường tham gia phiên khai mạc, đồng thời đọc một bài diễn văn quan trọng về quan điểm Việt Nam liên qua đến mối quan hệ giữa đại dương và khí hậu, những nỗ lực cấp quốc gia và những bài học kinh nghiệm của Việt Nam - trong cái phiên gọi là hội nghị bàn tròn về những người lãnh đạo của đại dương thế giới, và trong phiên họp về Nghị viện Đại dương thế giới.

Vấn đề quản lý các vùng biển cả không thuộc lãnh hải một quốc gia

Thật ra trước hội nghị lần thứ 4, có một cuộc họp ở Indonesia, của một nhóm 19 người bàn về vấn đề đặc biệt quản lý tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học ở vùng biển ngoài quyền tài phán của các quốc gia.

Đến hội nghị lần thứ 4, thì điểm này chính thức được đưa lên thành 1 trong 13 điểm tóm tắt vế chính sách để kiến nghị với Liên Hiệp Quốc. Và Hội nghị lần này đã bàn sâu, các chuyên gia quốc tế đã kiến nghị một số điểm cần sửa đổi trong công ước Liên Hiệp Quốc về biển. Sở dĩ như thế là vì trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển thì người ta chia ra làm 5 loại vùng biển, và mỗi vùng theo một chế độ pháp lý khác nhau. Chế độ pháp lý xác định quyền hạn và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển và các quốc đảo, xem họ có trách nhiệm và hưởng thụ cái gì.

Nhưng riêng vùng biển cả, tức là "high sea", thì người ta chỉ quy định 6 quyền tự do, trong đó có tự do hàng hải, tự do đặt cáp ngầm, tự do khai thác khoáng sản... Dĩ nhiên trong cái tự do này, thì người ta lập ra Ủy ban Quyền lực Đáy Đại dương đóng ở Hamaica để quản lý những quyền tự do đó, theo những nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc. Tức là phải có nghĩa vụ khi khai thác khoáng sản, anh phải có nghĩa vụ khi đi qua, phải có trách nhiệm đối với các vấn đề môi trường tài nguyên...

Thế riêng cái vùng đáy của Đại Dương và cái vùng biển cả, tức ‘’high sea’’, ngoài quyền tài phán quốc gia của các nước, thì lại chỉ quy định về tài nguyên phi sinh vật, tức là các tài nguyên khoáng sản. Còn bên trên của đáy đại dương ở vùng này, cũng như cả một khối nước khổng lồ, có chỗ sâu hàng 5000 mét, thì là nơi mà tài nguyên sinh vật sống, nơi tiềm chứa nguồn lợi đa dạng sinh học, nhưng lại không được đề cập tới.

Mà khi nói đến khái niệm vùng đáy đại dưong thì người ta chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ các quốc gia khi tham gia khai thác khoáng sản, tức tài nguyên phi sinh vật. Còn toàn bộ tài nguyên sinh vật ở đó hiện nay là khoảng trống không, không có bất kỳ điều nào được ghi trong công ước quốc tế về biển.

Cho nên lần này Hội nghị tập trung đưa ra những ý kiến cụ thể và đưa ra những tóm tắt chính sách để kiến nghị lên Liên Hiệp Quốc. Lần này cũng rất mừng là có đại diện của lãnh đạo Cục Đại dương và các Luật Biển của Liên Hiệp Quốc tham dự và đọc tham luận.

Có thể nói rằng là ta đã bắt đầu tìm đọc được những ý tưởng của các luật sư, các nhà khoa học và các nhà quản lý về biển, đại dương trên thế giới qua một số hội nghị. Tôi cho đây là một bước tiến rất quan trọng. Và chắc chắn là kiến nghị này sẽ được Liên Hiệp Quốc xem xét một cách nghiêm túc.

07:45

Phó giáo sư Nguyễn Chu Hồi

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.