Vào nội dung chính
PHÁP - KHOA HỌC - ĐẠI DƯƠNG

Thượng đỉnh bảo vệ Đại Dương tại Pháp: Hy vọng tạo lực đẩy cho các đàm phán

Hội nghị quốc tế về đại dương One Ocean Summit, do Pháp tổ chức, khai mạc hôm nay 09/02/2022. One Ocean Summit là sự kiện quốc tế quan trọng đầu tiên về đại dương năm nay. Đỉnh điểm là thượng đỉnh ngày 11/02, dự kiến có sự tham gia của ít nhất 18 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ. Một trong các mục tiêu chính của One Ocean Summit là « thành lập được một số liên minh » bảo vệ đại dương nhằm tạo đà cho các đàm phán về đại dương trong năm nay.

Olivier Poivre d'Arvor, nhà văn, đại sứ phụ trách các cực và các vấn đề hàng hải, đặc phái viên của tổng thống Pháp tại Hội nghị Thượng đỉnh One Ocean Summit, tại Brest, Pháp ngày 08/02/2022.
Olivier Poivre d'Arvor, nhà văn, đại sứ phụ trách các cực và các vấn đề hàng hải, đặc phái viên của tổng thống Pháp tại Hội nghị Thượng đỉnh One Ocean Summit, tại Brest, Pháp ngày 08/02/2022. AFP - FRED TANNEAU
Quảng cáo

Đặt đại dương vào tâm điểm quan tâm của cộng đồng quốc tế là mục tiêu của chính phủ Pháp, khi tổ chức One Ocean Summit tại thành phố biển Brest, bên bờ Đại Tây Dương. Đại dương có ý nghĩa sống còn với nhân loại, với khí hậu, nhưng còn rất ít được chú ý. Theo nhà đại dương học Pháp Françoise Gaill, « nói đến chống biến đổi khí hậu mà không nói đến đại dương là quên đi phần cốt lõi của cơ chế khí hậu ». Hơn 3 tỉ người trên thế giới sống phụ thuộc vào các tài nguyên biển, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc.

Trước hội nghị thượng đỉnh ngày 11/02, hôm nay, thứ Tư 09/02 và ngày mai thứ Năm 10/02, sẽ diễn ra nhiều cuộc họp, thảo luận với sự tham gia của giới chuyên gia về đại dương. Nước Pháp, quốc gia tổ chức sự kiện với tư cách chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, hy vọng sẽ có « nhiều cam kết và giải pháp » được đưa ra trong dịp này, theo lời nhà ngoại giao Pháp Olivier Poivre d’Arvor, đại sứ Nam Bắc Cực của Pháp, người được giao nhiệm vụ tổ chức hội nghị này. Đài RFI dẫn lời ông Julien Rochette, giám đốc chương trình đại dương của Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ quốc tế (Iddri), Pháp, điều được trông đợi tại thượng đỉnh là « sự ra đời của một số liên minh về một số vấn đề chủ yếu của hoạt động bảo vệ đại dương, sẽ được sử dụng để tạo ra một đà bứt phá trong năm 2022 ».

Năm 2022 được coi là một năm bản lề của hoạt động bảo vệ đại dương. Tiếp theo sự kiện này, cuối tháng Ba là một hội nghị bảo vệ đa dạng sinh học biển tại New York. Tháng Tư là Thượng đỉnh đa dạng sinh học COP15 tại Côn Minh Trung Quốc, Hội nghị về Liên Hiệp Quốc về Đại dương tại Lisboa tháng Sáu.

Tham gia vào One Ocean Summit có hơn 300 chuyên gia có tên tuổi, các nhà khoa học về đại dương hàng đầu, đại diện các công ty lớn, trong đó có bốn công ty vận tải hàng hải đứng đầu thế giới (chiếm đến 92% khối lượng vận tải biển quốc tế), cũng như đại diện thuộc giới bảo vệ môi trường.

Pháp bị lên án về thái độ « đạo đức giả »

Hàng loạt chủ đề về bảo vệ đại dương cần được thúc đẩy như : làm sao để vận tải biển trở nên tôn trọng môi trường hơn, giảm bắt nạn đánh bắt hải sản thái quá, đánh bắt bất hợp pháp, khai thác dầu mỏ, tàn phá các hệ sinh thái, ô nhiễm rác thải nhựa, các vùng biển được bảo vệ cũng như cơ chế pháp lý để quản lý các vùng biển quốc tế.

Vấn đề bảo vệ các vùng biển quốc tế - vùng đất về nguyên tắc thuộc về tất cả, nhưng lại không có cơ chế quản lý cụ thể nào, chiếm đến 64% diện tích đại dương - được giới bảo vệ môi trường đặc biệt chú ý. Cho đến nay, việc khai thác đáy biển sông về cơ bản chưa bắt đầu, nhưng giới bảo vệ môi trường đặc biệt lo ngại trước nguy cơ đáy biển sâu sớm trở thành đối tượng khai thác của các ngành công nghiệp.

Theo liên minh Deep Sea Conversation Coaliation, tập hợp hơn 90 tổ chức bảo vệ đáy biển sâu, có hàng loạt tín hiệu cho thấy nước Pháp có thể ủng hộ hoạt động này. Kể từ Hội nghị quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (UICN), tổ chức tại Marseille, tháng 9/2021, giới bảo vệ đại dương đặc biệt chú ý đến chính sách của Paris. Vào thời điểm đó, chính phủ Pháp đã bác bỏ một kiến nghị đình chỉ thăm dò và khai thác đáy biển sâu, kiến nghị rút cuộc đã được thông qua tại hội nghị với hơn 80% số phiếu, kể cả các tập đoàn lớn như Samsung, Google, hay BMW.

Nhà hoạt động môi trường François Chartier, hiệp hội bảo vệ môi trường Greenpeace, được RFI dẫn lời, đã lên án chính quyền Pháp sử dụng hội nghị này như một cơ hội đánh bóng hình ảnh, và gọi đây là « một thượng đỉnh đạo đức giả ». Theo Greenpeace, nước Pháp đưa ra trước cộng đồng quốc tế, những lập trường vì môi trường có vẻ rất cương quyết, nhưng lời nói không đi đôi với việc làm. Quan điểm của nhà đại dương học Pháp Françoise Gaill là dứt khoát không thể khai thác đáy đại dương, bởi các tổn hại khôn lường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.