Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG - BẮC TRIỀU TIÊN

Hạt nhân Bắc Triều Tiên: Trung Quốc trông đợi vào tiếng nói của Pháp

Trong cuộc điện đàm ngày 08/09/2017 với tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kỳ vọng vào thái độ "xây dựng" của Paris để giải quyết khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên. Pháp và Trung Quốc cùng là 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Ảnh minh họa: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Đỉnh nhóm BRICS ở Hạ Môn, ngày 05/09/2017.
Ảnh minh họa: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Đỉnh nhóm BRICS ở Hạ Môn, ngày 05/09/2017. REUTERS/Mark Schiefelbein
Quảng cáo

Thông cáo của phủ tổng thống Pháp về cuộc điện đàm nói rõ là nguyên thủ hai nước "kêu gọi quốc tế lên án hành vi khiêu khích của Bắc Triều Tiên", đồng thời gia tăng áp lực để "Bình Nhưỡng quay trở lại vòng đàm phán và tránh để căng thẳng leo thang một cách nguy hiểm". Về phía Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh với tổng thống Emmanuel Macron rằng hồ sơ này chỉ có thể giải quyết bằng những "phương tiện hòa bình, bằng đối thoại và đàm phán".

Cuộc điện đàm giữa hai thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An diễn ra vài ngày trước khi Liên Hiệp Quốc xem xét dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất đòi tăng cường các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng thử bom nguyên tử hôm 04/09/2017. Dự thảo nghị quyết mới bao hàm cả khả năng cấm vận dầu hỏa với chế độ Kim Jong Un. Anh và Pháp ủng hộ lập trường của Mỹ. Nga và Trung Quốc thiên về giải pháp đối thoại.

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, Mathieu Duchâtel, phó giám đốc đặc trách khu vực Châu Á thuộc cơ quan Đối Ngoại của Hội Đồng Châu Âu (EFCR) phân tích về nỗ lực của Bắc Kinh thuyết phục Paris ủng hộ một giải pháp "cân bằng" trên hồ sơ hạt nhân Triều Tiên.

"Trước hết Trung Quốc nhìn nhận vai trò đầu tàu của Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu trên hồ sơ Bắc Triều Tiên và điều này hoàn toàn đúng, trong bối cảnh Anh Quốc vướng bận vì hồ sơ Brexit. Pháp đã đưa ra một lập trường rất rõ ràng, mà thực ra, thì đó cũng là lập trường cứng rắn trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng và trên hồ sơ cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, Paris đang nỗ lực thuyết phục các đối tác còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu để có cùng một tiếng nói chung trên hồ sơ này.

Do vậy theo quan điểm của Trung Quốc, Pháp là một đối tác quan trọng, nếu như Bắc Kinh thuyết phục được Paris đưa ra một giải pháp cân bằng hơn. Trung Quốc đang tìm kiếm một kẽ hở giữa Mỹ và hai thành viên thường trực ở bên này bờ Đại Tây Dương là Anh và Pháp. Chủ trương của Bắc Kinh khác xa với quan điểm của tổng thống Mỹ Donald Trump về cách đối phó với Bắc Triều Tiên. Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề một cách êm thắm. Châu Âu có thể thuyết phục được Hoa Kỳ thiên về giải pháp này. Nếu được như vậy, thì Bắc Kinh sẽ toại nguyện".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.