Vào nội dung chính
GIÁN ĐIỆP CÔNG NGHIỆP

Kinh tế Trung Quốc : Những chiến binh trong bóng tối

"Cá nước sâu" hoạt động ngày càng mạnh tại các vùng biển phương Tây. "Cá nước sâu" dịch từ cụm từ "chen di yu"  (trầm để ngư trong tiếng Hoa) để chỉ các nhân viên tình báo của Bắc Kinh. Bài báo "Những chiến binh trong bóng tối của nền kinh tế Trung Quốc", do phóng viên của Le Figaro từ Bắc Kinh gửi về.

Noshir Gowadia, điệp viên Trung Quốc, người Mỹ, gốc Ấn Độ, 66 tuổi, bị một tòa án Liên bang Mỹ kết án 32 năm tù, ngày 27/1/2011, vì tội đánh cắp công nghệ bí mật của máy bay ném bom tàng hình B-2 (DR)
Noshir Gowadia, điệp viên Trung Quốc, người Mỹ, gốc Ấn Độ, 66 tuổi, bị một tòa án Liên bang Mỹ kết án 32 năm tù, ngày 27/1/2011, vì tội đánh cắp công nghệ bí mật của máy bay ném bom tàng hình B-2 (DR)
Quảng cáo

Bài viết mở đầu với bức ảnh một "cá nước sâu" Dongfan "Greg" Chung, kỹ sư Mỹ gốc Hoa, 75 tuổi, vừa bị tòa án California kết án tù 15 năm (vào đầu năm 2010) vì tội làm gián điệp trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ và quốc phòng. Điệp viên Dongfan « Greg » Chung đã từng làm việc 30 năm cho hãng Boeing và Rockwell International. Các vụ án gián điệp Trung Quốc bị bắt không hiếm.

Mùa hè năm ngoái, một điệp viên đội lốt nhà nghiên cứu Huang Kexue, 45 tuổi, đã bị FBI bắt vì tội đánh cắp các tài liệu mật liên quan đến thuốc trừ sâu. Còn tại Pháp, chúng ta không quên vụ Li Li Huang, nữ thực tập sinh, bị bắt năm 2005, trong khi làm việc tại hãng thiết bị xe hơi Valeo. Hay một vụ án những người Nga làm gián điệp cho Trung Quốc, vừa được đưa ra ánh sáng tháng 9 năm ngoái. Các điệp viên là hai giáo sư làm việc tại một viện kỹ thuật quân sự chuyên về tên lửa và vũ trụ.

Tuần trước, Gelenn Shriver, một thanh niên Mỹ 28 tuổi, bị kết án 4 năm tù, vì tội có mưu đồ làm gián điệp. Gelenn Shriver, đã được ba nhân viên tình báo Trung Quốc tiếp xúc khi còn học tập ở Thượng Hải, quay trở về Mỹ, thanh niên này đã làm việc cho CIA từ năm 2005 cho đến năm 2010. Mới đây nhất, ngày hôm qua, Noshir Gowadia, cựu kỹ sư người Mỹ gốc Ấn Độ 66 tuổi, đã bị một toà án Hoa Kỳ kết án đến 32 năm tù, vì tội chuyển các bí mật công nghệ của máy bay ném bom tàng hình B-2 cho Trung Quốc.

Vụ “gián điệp” mới đây tại hãng xe hơi Pháp Renault hiện nay đang được điều tra. Tuy nhiên, theo Le Figaro, chưa có gì chắc chắn là cơ quan phản gián của Pháp sẽ tìm ra được các bằng chứng chắc chắn về bàn tay của Trung Quốc trong vụ này.

Cuối năm 2009, báo cáo của một ủy ban Hạ viện Mỹ cho thấy gián điệp Bắc Kinh hoạt động ngày càng mạnh hơn tại Hoa Kỳ, nhờ các tiến bộ vượt bậc về công nghệ thông tin và các phương thức tuyển chọn.

Các phương thức hoạt động của tình báo Trung Quốc

Le Figaro dẫn lời của nhà văn Pháp Roger Faligot, chuyên viết về tình báo, tác giả cuốn “Các hoạt động gián điệp Trung Quốc từ Mao đến nay”, vừa xuất bản. Roger Faligot điểm lại lịch sử của ngành tình báo công nghiệp Trung Quốc, với sự ra đời của Bộ An ninh Quốc gia (Quốc gia An toàn Bộ), gọi tắt là “Quốc An Bộ” (Guoanbu), năm 1983, dưới thời Đặng Tiểu Bình, tập hợp tất cả các hoạt động phản gián và tình báo hải ngoại. Ngay từ đầu, Quốc An Bộ đã lập một trường đào tạo điệp viên kinh tế. Đến thời Giang Trạch Dân, điệp viên đã được cài vào tất cả các bộ chủ chốt, các chính quyền tỉnh và các doanh nghiệp lớn.

Người đứng đầu Quốc An Bộ là ông Geng Huichang (Cảnh Huệ Xương), được coi là một nhà kinh tế, chuyên về Hoa Kỳ và Nhật Bản, tác giả một cuốn sách về thương mại toàn cầu. Người đứng đầu ngành tình báo Trung Quốc là một trong 9 thành viên của Thường trực Bộ Chính trị, Zhou Yongkang (Chu Vĩnh Khang), xuất thân từ ngành dầu khí.

Lực lượng tình báo công nghiệp Trung Quốc nhận được các đầu tư rất lớn. Các hoạt động này còn được chính các doanh nghiệp của Nhà nước tiến hành, dựa trên rất nhiều cơ sở mang nhãn hiệu viện “nghiên cứu” hay “hợp tác quốc tế”.

Các điệp viên tiềm năng của Bắc Kinh có thể được tuyển lựa trong số 180 nghìn sinh viên Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới, cũng như trong hàng ngũ những người nước ngoài đã từng học tập tại Trung Quốc hay cộng tác với Trung Quốc. Tình báo Trung Quốc thường trả lương cao để thu hút các điệp viên.

Nhà nghiên cứu Đài Loan Lai I-chung, thuộc nhóm Taiwan Thinktank ghi nhận một đặc điểm khác của gián điệp Trung Quốc là thường thực hiện các điệp vụ, thông qua trung gian các nước “bạn bè”, như Nga, Iran, Serbe hay Pakistan. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh thường sử dụng các gián điệp là người Đài Loan trong các điệp vụ, nhất là trong các hoạt động liên quan đến các nước bị cấm vận vũ khí, như Iran hay Bắc Triều Tiên.

Hoạt động gián điệp công nghiệp rất phổ biến trên thế giới. Trung Quốc không phải là nước duy nhất. Tuy nhiên, theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc ẩn danh, bất chấp các tuyên bố hùng hồn của Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn còn bị bỏ xa trong nhiều lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, mà trên thực tế, nước này đã không đạt được bước tiến đáng kể nào. Nhiều thử nghiệm đầy tham vọng đang gặp bế tắc. Đó chính là lý do mà Bắc Kinh có chủ trương dùng gián điệp để lấp đi khoảng cách công nghệ.

Trang nhất nhật báo Pháp : cơn sốc Tunisia tràn sang các nước Ả Rập, khí đốt tăng giá và nỗi lo sợ của người Côte d’Ivoier, …

Các nhật báo lớn của Pháp hôm nay, tiếp tục quan tâm đến diễn biến tại các nước Ả Rập dưới ảnh hưởng của cuộc thay đổi lớn tại Tunisia. « Ai Cập, Jordani, Yemen, Algeri. Phản ứng dây chuyền của cách mạng Tunisia » là hàng tựa trên trang nhất Le Figaro. Còn Le Monde thì chạy tít « Nỗi giận dữ của những người Ai Cập khiến giới ngoại giao Phương Tây lâm vào thế khó xử ». Theo Le Monde, chính phủ các nước Phương Tây đang cố gắng dung hòa hai lợi ích mâu thuẫn, một bên là ủng hộ khát vọng dân chủ của người dân và bên kia là việc bảo tồn các quan tốt với các chế độ độc đoán của thế giới Ả Rập.

Cũng về thời sự quốc tế, « Khí đốt. Làm thế nào cơn bão giá đã bị thổi bùng lên », l’Humanité chú ý đến việc giá khí đốt tiếp tục tăng cao, bất chấp giá thành sản xuất hạ xuống. La Croix, với tựa đề « Người Côte d’Ivoire đã chờ đợi quá lâu », đồng cảm với nỗi sợ hãi đang lan tràn tại Côte d’Ivoire, 2 tháng sau cuộc bầu cử tổng thống, mà cựu tổng thống thua cuộc vẫn quyết không chịu từ bỏ quyền lực.

Les Echos thì chú ý đến một tiêu điểm của thời sự nước Pháp « Bảo hiểm thất nghiệp cho nghề sân khấu : những con số gây lo ngại ». « Sinh ra dưới X. Quyền được biết mẹ ? », là chủ đề đặc biệt trên Libération, liên quan đến những đứa con bị mẹ bỏ rơi nay muốn tìm lại gốc gác của mình. Đây sẽ là một chủ đề trong mục điểm báo của chúng tôi.

Biến đổi cấu trúc, vi trùng dịch tả ngày càng hung hãn hơn

Le Monde hôm nay quan tâm đến những nguy cơ mới của dịch tả. Dưới tựa đề “Vi trùng dịch tả trở nên hung hãn hơn”, tờ báo nhận định : chính sự thay đổi nơi nhân tố truyền bệnh khiến cho các nhà khoa học phải xem xét lại các kế hoạch toàn cầu đối phó với dịch bệnh này.

Dịch tả bắt nguồn từ đồng bằng sông Hằng (Ấn Độ) lan ra khắp thế giới kể từ thế kỷ XIX. Từ năm 1817 đến nay, đã có khoảng 7 đại dịch, đều có nguồn gốc Châu Á. Đại dịch của cuối cùng bắt đầu từ năm 1961, tại Indonesia, và kéo dài cho đến nay. Các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian gần đây, ngoài Haiti, có Angola, Pakistan, Việt Nam, và Zimbabwe. Sở dĩ, dịch tả hiện nay dai dẳng và cực kỳ nguy hiểm là vì con vi trùng dịch tả Vibrio cholerae, đã chuyển hóa hẳn về cấu trúc thành hai loại mới, có khả năng giết chết những người đã được tiêm phòng dịch tả loại cũ.

Vi trùng dịch tả mới có khả năng sống dai dẳng, và chúng có thể truyền đi một cách lặng lẽ qua nhiều người, mà không để lại một triệu chứng bên ngoài này. Vi trùng dịch tả mới có thể làm từ 1 đến 5% người bị nhiễm thiệt mạng, so với tỷ lệ 1% của loại vi trùng cũ.

Đối mặt với hiểm họa này, Tổ chức Y tế Thế giới phải xem xét lại việc mở ra các chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, một kế hoạch vốn không được chấp thuận. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng chú ý đến việc tăng cường các biện pháp vệ sinh và tạo điều kiện nước sạch cho bộ phận 13% cư dân hiện nay chưa có.

Pháp : Hàng trăm nghìn người con rơi liệu có quyền được biết danh tính mẹ đẻ ?

Về thời sự nước Pháp, trong cuộc tranh luận sôi nổi trong thời gian gần đây về “đạo lý sinh học”, chủ đề quyền của “người con rơi” được biết danh tính của mẹ đẻ được hầu hết các nhật báo Pháp hôm nay chú ý. Dưới hàng tựa “Sinh dưới X. Quyền được biết ?”, Libération thông tin về một bản báo cáo vừa được trình với Thủ tướng Pháp về khả năng thay đổi các pháp quy đối với việc sinh nở vô danh. “Sinh dưới X” (“né sous X.”) là một cách nói để chỉ hiện tượng con đẻ ra bị bỏ, liên quan đến khoảng 400 000 người sinh ra tại Pháp, kể từ khi “quyền của người mẹ không để lại danh tính” được chính quyền Vichy công nhận vào năm 1941. Theo báo cáo do nữ nghị sĩ đảng UMP Brigitte Barèges phụ trách, mỗi năm tại Pháp có khoảng 700 trường hợp. Kể từ năm 2009, đã có 463 người “sinh dưới X” bắt đầu đi tìm lại cha mẹ đẻ.

Làm thế nào để cân bằng được giữa hai quyền, quyền của người mẹ buộc phải từ bỏ đứa con mình đẻ ra và giữ bí mật, và quyền của người con, muốn biết mình từ đâu đến. Mặc dù, người con rơi có thể xây dựng một cuộc sống mới với “gia đình thay thế”, nhưng không biết gì cả về nguồn gốc sinh học của mình, thì thật là một điều đáng sợ. Tuy nhiên, không phải không có những người, mẹ cũng như con, muốn quên đi hoàn toàn quá khứ để được yên ổn. Đưa ra một luật chung mang tính phổ quát cho mối quan hệ mẹ - con cực kỳ phức tạp, đối với các gia đình bình thường, cũng như những người con “sinh ra dưới X” xem như là điều bất khả. Tuy nhiên, áp lực xã hội để một quyền như vậy được công nhận là rất mạnh.

“Thiên tài và kẻ điên dại”, triển lãm tác phẩm của Messerschmidt tại Louvre

Về nghệ thuật tại Pháp, Les Echos hôm nay chú ý đến các tác phẩm của Messerschmidt được trưng bày tại Louvre. Franz Xaver Messerschmidt là một nhà điêu khắc Pháp thế kỷ XVIII, nổi tiếng với 49 tác phẩm vô cùng hiện thực, được tập hợp lại, sau khi ông mất, với tên gọi “Những chiếc đầu đầy tính cách” (Têtes de caractère). Trong bộ sưu tập này, người xem có thể thưởng thức chiếc đầu một người ngáp, một người đang khổ sở vì táo bón, hay một đầu người đang ở trong trạng thái khó chịu.

Messerschmidt vô cùng hiện đại, vì ông đã quan tâm từ rất sớm đến sự phong phú vô cùng tận của đời sống nội tâm của cá nhân, một nhận thức, mà chúng ta vẫn nghĩ là thuộc về thế kỷ XX, hơn là thế kỷ XVIII. Ngay từ thời ông còn sống, người ta đã nhận thấy những nét bệnh lý nghiêm trọng trong tâm lý của nhà điêu khắc thiên tài, điều khiến ông có vẻ rất gần với các tác phẩm của mình. Les Echos nhận xét, có lẽ, chính trạng thái bất ổn về tâm lý của nhà điêu khắc đã là một trong các nguồn gốc của những tuyệt tác kể trên.

49 tác phẩm sau hàng thế kỷ lưu lạc, nay lại trở về Pháp, để đến với những người hâm mộ. Cuộc trưng bày mở cửa trong gần 4 tháng, từ hôm nay (28/1/2011) cho đến ngày (25/4/2011).
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.