Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - BANGLADESH - MALDIVES

Liệu Ấn Độ có đang lặp lại sai lầm ở Bangladesh đối với Maldives ?

Đội tuyển cricket của Bangladesh không có mặt trong trận chung kết World Cup Cricket năm nay. Tuy nhiên, những người hâm mộ cricket ở Bangladesh đã quay sang ủng hộ nhiệt tình cho đối thủ của đội tuyển Ấn Độ.

Ảnh minh họa : Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu phát biểu tại buổi lễ nhậm chức ở Malé, Maldives, ngày 17/11/2023.
Ảnh minh họa : Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu phát biểu tại buổi lễ nhậm chức ở Malé, Maldives, ngày 17/11/2023. © REUTERS/Nishan Ali
Quảng cáo

Ngày 19/11, việc đội tuyển cricket Úc giành chiến thắng trong trận chung kết trước Ấn Độ đã khiến không khí ở Bangladesh giống như một ngày hội. Hàng nghìn người đã tập trung tại khuôn viên đại học Dhaka và hô khẩu hiệu chống đội tuyển Ấn Độ. Trên Facebook, nhiều người nhận xét rằng ngày này giống như lễ Eid đối với họ (Eid là lễ hội quan trọng nhất ở Bangladesh với đa số người theo đạo Hồi). Tờ báo India Today của Ấn Độ đã đăng tải các đoạn video quay cảnh người dân Bangladesh ăn mừng thất bại của Ấn Độ, những video đã lan truyền rộng rãi ở Bangladesh và Ấn Độ.

Tâm lý bài Ấn Độ ở Bangladesh không chỉ giới hạn trong vấn đề đội tuyển cricket Ấn Độ. Người dân Bangladesh, đa số theo đạo Hồi, có tư tưởng ngày càng chống Ấn Độ. Hiện tượng này đã xuất hiện ở Bangladesh từ khá lâu. Năm 2011, thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là ông Manmohan Singh nhận xét rằng 25% người Bangladesh có tư tưởng bài Ấn Độ. Không có khảo sát về số liệu hiện tại. Tuy nhiên, bất cứ ai tìm hiểu về Bangladesh đều thừa nhận rằng tâm lý bài Ấn Độ đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Một số lý do có thể giải thích về hiện tượng này. Luận điệu chống Hồi giáo của các nhà lãnh đạo đảng Bhartiya Janata (BJP) chắc hẳn là một trong những lý do đó. Nhưng lý do quan trọng nhất là sự ủng hộ của Ấn Độ đối với đảng cầm quyền, Liên đoàn Awami (AL), đảng đã nắm quyền tại Bangladesh từ 15 năm qua, sau hai cuộc bầu cử gây tranh cãi.

Nếu mọi người nói chuyện với bất kỳ nhà hoạt động nào của đảng Quốc Gia Bangladesh (BNP) đối lập, họ sẽ nói rằng AL có thể cai trị trong 15 năm qua hoàn toàn nhờ sự hậu thuẫn của Ấn Độ. Điều này được phản ánh trong tuyên bố của một nhà lãnh đạo chủ chốt, Ruhul Kabir Rizvi, tổng thư ký cấp cao của BNP, người tuyên bố rằng Ấn Độ đã “có lập trường chống nhân dân Bangladesh” qua việc ủng hộ “chính phủ độc tài” của thủ tướng Sheikh Hasina. Rõ ràng là các đảng đối lập ở Bangladesh không hài lòng với cách tiếp cận của Ấn Độ đối với nền chính trị Bangladesh.

Các chính sách về Bangladesh của Ấn Độ có làm gia tăng tâm lý bài Ấn Độ và có gây tổn hại đến các mục tiêu an ninh lâu dài của Ấn Độ trong khu vực hay không ? Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ có thể xem xét lại các chính sách của mình đối với Bangladesh sau khi chứng kiến những diễn biến chính trị gần đây ở Maldives. Kết quả bầu cử và những tranh luận về sự hiện diện của quân đội Ấn Độ ở Maldives là một dấu hiệu khác cho thấy người dân ở các nước láng giềng của Ấn Độ không thoải mái với sự can thiệp của New Delhi vào nền chính trị nội bộ của họ.

Ngay sau cuộc bầu cử ở Maldives hồi tháng 9, trả lời cổng thông tin Ấn Độ The Wire, ông Mohamed Hussain Shareef, thư ký đảng Tiến bộ Maldives (PPM), một cố vấn đối ngoại chủ chốt của tổng thống Maldives mới đắc cử đã nói rằng Ấn Độ là đất nước quan trọng nhất ở khu vực Ấn Độ Dương, và Ấn Độ không nên lo lắng về việc chính phủ mới của quốc đảo này sẽ có thái độ thù địch với New Delhi.

Trên mạng X (tiền thân là Twitter), giới trẻ Maldives đã phản ứng một cách tiêu cực đối với thông tin trên và thể hiện tư tưởng chống Ấn Độ sâu sắc. Một số người thậm chí còn viết rằng họ sẽ không còn ủng hộ tân chính phủ nếu chính phủ này không yêu cầu Ấn Độ rút quân.

Tổng thống đắc cử, Mohamed Muizzu, hoàn toàn nhận thức được tâm lý chống Ấn Độ của nhóm ủng hộ ông và một ngày sau, đã truyền tải rõ thông điệp của mình tới Ấn Độ. Ông cho biết sẽ bắt đầu việc buộc Ấn Độ rút quân ngay từ ngày đầu tiên. Ông nhắc lại điều này sau khi tuyên thệ vào ngày 17/11.

Ấn Độ chỉ có sự hiện diện quân sự nhỏ tại Maldives - ước tính khoảng 75 binh sĩ, chủ yếu là kỹ thuật viên và phi công. Tuy nhiên, nhiều người Maldives không tin vào tuyên bố của Ấn Độ nói rằng sự hiện diện quân sự của New Delhi tại quốc đảo là vì mục đích nhân đạo mà coi đó là mối đe dọa đối với chủ quyền của họ.

Chiến dịch “India Out” do đảng Tiến bộ Maldives (PPM) và Đại hội Nhân dân toàn quốc Muizzu (PNC) tổ chức là một phản ứng trực tiếp đối với chính sách “Ấn Độ trên hết” do cựu tổng thống Ibrahim Solih thực hiện, người đã ưu tiên cho các đầu tư đến từ phía Ấn Độ cũng như hợp tác quân sự với New Delhi và ngăn chặn đầu tư và hoạt động của Trung Quốc tại Maldives. Phong trào “India Out” chống lại sự can thiệp của New Delhi vào Maldives, nhưng cũng là biểu hiện của thái độ bất bình với chính phủ Solih ; đến mức mà ông Solih đã ban hành lệnh cấm phong trào nói trên.

Đây chính là điểm mà các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cần phải chú ý. Phần lớn tâm lý chống Ấn Độ đồng nghĩa với tâm lý chống chính phủ, với những người ủng hộ phe đối lập khuyến khích cả hai tư tưởng nêu trên. Do Ấn Độ đang ủng hộ một đảng chính trị ở các quốc gia này nên tâm lý chống chính phủ ở những nước đó đang chuyển sang tâm lý bài Ấn Độ.

Điều này càng trở thành một vấn đề khi những đảng chính trị thân Ấn Độ ở các nước láng giềng sử dụng bạo lực chống lại các đối thủ chính trị của họ. Ở Bangladesh, việc cảnh sát đột kích vào nhà của các nhà hoạt động đối lập, thực hiện các vụ bắt giữ hàng loạt và cản trở các cuộc biểu tình ôn hòa của các đảng đối lập đã trở thành chuyện thường ngày. Các nhà hoạt động nhân quyền thường xuyên bị bắt giữ, còn các nhà báo thì bị đe dọa. Theo một báo cáo của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, chính phủ và những người ủng hộ được cho là đã nhắm mục tiêu vào 56 nhà báo chỉ trong ba tháng đầu năm 2023. Thái độ im lặng của Ấn Độ trước những vi phạm này được coi là sự đồng ý ngầm và thậm chí là sự ủng hộ trắng trợn từ phía New Delhi.

Vị trí địa chính trị của Ấn Độ rất quan trọng và ảnh hưởng của nước này trong các tổ chức chủ chốt ở Bangladesh rất sâu sắc. Nếu New Delhi muốn, họ có thể buộc AL phải chịu trách nhiệm về sự thụt lùi của nền dân chủ ở đất nước dưới sự cai trị của Hasina. Cho đến nay, Ấn Độ dường như đã nhận định rằng lợi ích của họ sẽ được đáp ứng tốt hơn với việc ủng hộ Liên đoàn Awami, và có thể đảng cầm quyền sẽ tiếp tục nắm quyền trong một thời gian đáng kể, ngay cả khi không có bất kỳ cuộc bầu cử nào được tổ chức.

Tuy nhiên, đảng đối lập BNP và thành phần cử tri của họ vẫn còn đó. Ngay cả khi BNP không còn tồn tại sau chiến dịch đàn áp, phong trào chống Ấn Độ sẽ vẫn tiếp diễn. Những thanh niên hô khẩu hiệu chống lại đội tuyển cricket Ấn Độ có thể sẽ hô vang các khẩu hiệu chống lại chính Ấn Độ.

Ủng hộ một chính phủ ngày càng mất lòng dân ở Bangladesh và để chính phủ này đàn áp các đảng đối lập có thể mang lại lợi ích trong ngắn hạn, nhưng các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ nên tính đến thiệt hại về lâu dài.

Nguồn : The Diplomat

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.