Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - ĐỐI LẬP

Hồng Kông : Cựu dân biểu La Quán Thông quyết định xin tị nạn chính trị tại Anh

Đàn áp ngày càng khốc liệt tại đặc khu Hồng Kông khiến một số nhà tranh đấu phải chọn con đường tị nạn chính trị tại nước ngoài.

La Quán Thông tham gia một cuộc biểu tình tại Berlin hôm 01/09/2020 phản đối chuyến công du Đức của ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghi.
La Quán Thông tham gia một cuộc biểu tình tại Berlin hôm 01/09/2020 phản đối chuyến công du Đức của ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghi. AP - Markus Schreiber
Quảng cáo

Hôm qua, 21/12, cựu dân biểu La Quán Thông (Nathan Law), một trong các gương mặt tranh đấu nổi bật nhất, thông báo đã nộp hồ sơ xin tị nạn chính trị tại Anh Quốc. Trả lời báo Anh The Guardian, cựu dân biểu La Quán Thông, 27 tuổi, cho biết ông là cựu dân biểu đầu tiên rời Hồng Kông để tránh đàn áp, tuy nhiên trong một thời gian dài, ông đã rất đắn đo trước quyết định tị nạn hay không tị nạn.

Ông La Quán Thông cho biết quyết định xin tị nạn chính trị vì muốn phương Tây từ bỏ « ảo ảnh » Trung Quốc là « một đối tác chiến lược, và thậm chí có thể tham gia vào thế giới các quốc gia dân chủ ». Ông hy vọng, kể từ đây, sẽ có một nỗ lực tranh đấu mạnh mẽ hơn cho nhân quyền trên thế giới.

Cựu dân biểu La Quán Thông rời khỏi Hồng Kông cách nay 6 tháng, ngay trước khi Bắc Kinh ban bố Luật An ninh Quốc gia, dành cho chính quyền đặc khu hàng loạt thẩm quyền rộng rãi hơn trước, để dễ bề đàn áp đối lập chính trị. Ông là một trong các lãnh đạo của đảng Demosisto, tranh đấu cho dân chủ tại Hồng Kông.

Đảng Demosisto do giới sinh viên tranh đấu của phong trào Dù Vàng năm 2014 lập ra, nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh tại cựu thuộc địa Anh Quốc. Đầu tháng 12 vừa qua, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), một trong các lãnh đạo của đảng Demosisto, cùng với hai nhà tranh đấu khác, bị một tòa án Hồng Kông kết án tù giam, vì đóng vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình năm 2019 chống dự luật dẫn độ, đòi dân chủ.

Liên Âu kêu gọi trả tự do “ngay lập tức” cho nhiều nhà hoạt động nhân quyền

Vẫn liên quan đến các đàn áp tại Trung Quốc, theo AFP, hôm qua, Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Bắc Kinh “trả tự do ngay lập tức” cho nữ luật sư nhân quyền Lý Dục Hàm (Li Yuhan) và nhiều nhà tranh đấu nhân quyền khác. Tuyên bố được người phát ngôn của lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu chuyển đến báo giới. Luật sư Lý Dục Hàm bị bắt từ năm 2017. Đòi hỏi của Liên Âu được đưa ra vào lúc Bruxelles và Bắc Kinh tăng tốc đàm phán về một thỏa thuận đầu tư quan trọng, kéo dài từ 7 năm nay. Hai bên dự kiến đúc kết thỏa thuận từ đây đến cuối năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.