Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Tập Cận Bình kiểm soát chặt xã hội, Trung Quốc liệu có đạt mục tiêu tăng trưởng?

Báo chí Pháp ngày 06/03/2024 cho rằng Trung Quốc quá lạc quan khi đặt mục tiêu tăng trưởng 5 % cho năm 2024, trong bối cảnh ảm đạm hiện nay, nhất là khi Tập Cận Bình lãnh đạo bằng bàn tay sắt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ khai mạc kỳ họp Chính Hiệp tại Đại sảnh đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/03/2024.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ khai mạc kỳ họp Chính Hiệp tại Đại sảnh đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/03/2024. REUTERS - Florence Lo
Quảng cáo

Việt Nam : Phiên tòa xử tham nhũng vô tiền khoáng hậu

Liên quan đến Việt Nam, Les Echos lưu ý đến việc chính quyền mở ra phiên tòa tham nhũng lớn nhất lịch sử nước này, bắt đầu từ hôm qua. Trong nhiều năm, tài xế của Trương Mỹ Lan đã giao những bao đựng tiền lấy từ ngân hàng SCB (Saigon Joint Stock Commercial Bank) đến biệt thự của bà, hoặc tại văn phòng ở tầng 39 tòa nhà Times Square, quận 1 thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn cũ.

Mỗi lần rút tiền như vậy, bà chủ tập đoàn địa ốc Vạn Thịnh Phát lại buộc ban giám đốc ngân hàng do bà kiểm soát lập hồ sơ cho vay dưới các tên giả. Tổng cộng tòa án Việt Nam cáo buộc Trương Mỹ Lan đã biển thủ 12,5 tỉ đô la, điều hành mạng lưới tham nhũng quy mô chưa từng thấy từ trước đến nay.

Sau nhiều tháng điều tra gây lo sợ cho giới kinh doanh, tư pháp dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, đã truy tố 85 bị cáo, trong đó có mấy chục quan chức cao cấp từ nhiều bộ, kể cả Ngân hàng Trung ương. Tất cả bị nghi ngờ đã bao che hay thủ lợi từ một mạng lưới khổng lồ các công ty ma của Vạn Thịnh Phát để mua bán bất động sản hay làm giàu cá nhân. Theo Les Echos, Trương Mỹ Lan có nguy cơ lãnh án tử hình, còn những cộng sự thân cận nhất chịu những bản án có thể đến chung thân, trong phiên tòa kéo dài đến tháng Tư.

Quan chức sợ thành « củi », hoạt động kinh tế chậm lại

Les Echos nhận xét, báo chí nhà nước đưa tin rộng rãi vụ án này, cho thấy quyết tâm của chính quyền trung ương và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến đại quy mô chống tham nhũng. Trong khuôn khổ chiến dịch được mệnh danh là « đốt lò » của đảng, hàng ngàn quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp đã bị điều tra, liên quan đến nhiều vụ xì-căng-đan. Từ đầu 2023, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai phó thủ tướng đã bị buộc từ chức vì những hồ sơ khác có liên quan đến các vụ biển thủ trong thời kỳ đại dịch Covid.

Theo các chuyên gia, vô số các vụ bắt giữ này về lâu về dài sẽ trấn an được các nhà đầu tư ngoại quốc đang lo ngại về "văn hóa hối lộ" ở Việt Nam, nhưng trong giai đoạn đầu làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang trong báo cáo cho Viện Iseas-Yusof Ishak của Singapore giải thích, dù chiến dịch chống tham nhũng rất thành công, cách tiến hành nhanh chóng và quyết liệt đã tạo ra hậu quả tiêu cực cho kinh tế, chẳng hạn làm chậm hẳn lại các thủ tục hành chánh. Đó là do các viên chức lo sợ bị điều tra, nên thoái thác trách nhiệm.

Các dự án đầu tư công của trung ương và địa phương đã giảm sút trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, vì nhiều quan chức không dám phê duyệt, dẫn đến hoạt động kinh doanh đình trệ nhất là địa ốc. Nhiều viên chức đã từ chức vì lo ngại bị liên lụy. Trong bối cảnh nhu cầu Trung Quốc giảm sút, tâm lý lo âu này góp phần làm giảm tăng trưởng kinh tế : từ 8 % năm 2022 còn 5 % trong năm ngoái, nhưng có thể tăng lên 6 % năm nay.

Mục tiêu tăng trưởng 5 % cho 2024 : Trung Quốc quá lạc quan !

Về kỳ họp Quốc Hội Trung Quốc, Les Echos đưa tin « Bắc Kinh ấn định mục tiêu đầy tham vọng là tăng trưởng 5 % trong năm 2024 ». Le Monde nhận xét « Lý Cường muốn trấn an về khả năng Trung Quốc đối phó với các thách thức kinh tế », còn Le Figaro nhìn thấy « Tập Cận Bình tăng cường kiểm soát xã hội Trung Quốc ».

Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) hôm qua đã công bố lộ trình của nền kinh tế thứ nhì thế giới trong năm nay. Những thách thức là rất lớn. Về kinh tế, thanh niên thất nghiệp lên đến 20 % nhưng nhờ bất ngờ đổi lại cách tính nên xuống còn 14,9 %, khủng hoảng địa ốc, áp lực giảm phát. Về thương mại, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ lo ngại xe hơi điện ồ ạt đổ vào : Trung Quốc chiếm 60 % sản lượng xe hơi chạy bằng điện trên toàn thế giới. Về chính trị, người dân vẫn không biết tại sao hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng bỗng bị cách chức, nên cần phải trấn an.

Các nhà quan sát cho rằng mục tiêu tăng trưởng 5 % là quá lạc quan. Để kích thích nền kinh tế, ông Lý Cường hứa hẹn một « Năm tiêu thụ » và chiến dịch « Tiêu dùng không lo lắng », nhưng không cho biết chi tiết. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất ngần ngại trước các biện pháp thúc đẩy như Hoa Kỳ và châu Âu đã làm trong thời kỳ đại dịch, cho rằng trực tiếp chuyển tiền trợ cấp sẽ làm người dân lười biếng. Hơn nữa, Lý Cường còn nhấn mạnh « cần phải tăng cường kiểm soát toàn bộ về trật tự công ».

Thủ tướng chỉ còn là người thi hành lệnh của Tập Cận Bình

Các báo đều chú ý đến việc Bắc Kinh đặt vấn đề an ninh lên trên tất cả. Les Echos đếm được trong bài diễn văn dài một tiếng đồng hồ, ông Lý Cường nhắc đi nhắc lại chữ « an ninh » đến 28 lần, còn « tăng trưởng » chỉ 20 lần.Một cái tên được nhắc đến rất nhiều, đó là Tập Cận Bình. Thủ tướng 18 lần nhấn mạnh « bàn tay chắc chắn của tổng bí thư Tập Cận Bình trong việc quản lý đất nước », « ánh sáng từ tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa trong kỷ nguyên mới », cho rằng « nhất thiết phải áp dụng sâu sắc tư tưởng Tập Cận Bình vào nền kinh tế ».

Sự kiện ông Lý Cường không tổ chức họp báo vào cuối kỳ họp như truyền thống từ 30 năm qua rất được quan tâm. Le Monde nhấn mạnh, đó là dịp hiếm hoi mà các nhà báo kể cả phóng viên ngoại quốc có thể đặt những câu hỏi quan trọng, dù nhà nước đã chuẩn bị một số « cò mồi ». Hồi năm 2012, ông Ôn Gia Bảo (Wen Jia Bao) đã trả lời về làn sóng tự thiêu của các nhà sư Tây Tạng, và đả kích tham vọng của Bạc Hy Lai (Bo Xi Lai), người mà ngay hôm sau đã bị thất sủng. Năm 2020, tuy đảng nhấn mạnh thành công trong việc xóa đói giảm nghèo, ông Lý Khắc Cường (Li Ke Qiang) nhắc nhở hãy còn 600 triệu người Trung Quốc sống với không đầy 1.000 nhân dân tệ (128 euro) mỗi tháng.

Việc hủy bỏ cuộc họp báo này không chỉ trong năm nay mà nhiều năm sau nữa, chứng tỏ vai trò thủ tướng đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, chỉ là người thi hành lệnh của một Tập Cận Bình nắm trọn quyền lực. Một ví dụ nữa là khi ra nước ngoài, ông Lý Cường không được sử dụng phi cơ riêng như Tập Cận Bình và thủ tướng tiền nhiệm, trong khi ông nằm trong số những quan chức trung thành nhất, vốn là chánh văn phòng của Tập Cận Bình khi ông Tập làm bí thư Chiết Giang. Hồi 2022 để làm hài lòng nhân vật số 1 Trung Quốc, Lý Cường đã áp đặt phong tỏa khắc nghiệt thành phố Thượng Hải suốt hai tháng, cho rào chắn các khu nhà và phân phối thực phẩm thông qua ủy ban khu phố, gây chấn thương sâu sắc cho cư dân.

Thành lập dân quân, tăng cao ngân sách quốc phòng : Bắc Kinh muốn gì ?

Le Figaro quan tâm đến việc Tập Cận Bình dựng dậy lực lượng « dân quân » thời Mao. Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế u ám, chủ tịch Trung Quốc lại quân sự hóa người dân để chuẩn bị cho xung đột. Những dân quân trang bị khiên chống bạo động được huấn luyện ở Thâm Quyến để chống lại những người biểu tình tưởng tượng, rà mìn, cứu hỏa, cứu lụt. Song song đó là những buổi học chính trị.

Tại Vũ Hán, 9 công ty quốc doanh lập đơn vị dân quân riêng trong năm 2023, ở Quý Châu, bệnh viện số 1 tập trung cho « đấu tranh vũ trang trong tình hình mới ». Ngay cả công ty sữa tư nhân Yili ở Nội Mông cũng khoe có « 20 đơn vị dân quân ». Theo ông Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), cựu giáo sư đại học Thượng Hải, Bắc Kinh muốn kiểm soát tối đa, tránh rối loạn xã hội, và những đơn vị này cũng có ích trong trường hợp chiến tranh với Đài Loan.

Bên cạnh đó, Lý Cường loan báo ngân sách quân sự tăng 7,2 % trong năm 2024. Đối với Les Echos, điều đáng chú ý là ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền. Ngân sách hiện nay là 1.666 tỉ nhân dân tệ (213 tỉ euro), đứng nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Bắc Kinh nói rằng ngân sách này chỉ tương đương chưa đến 2 % GDP, nhưng con số chính thức chỉ nói lên một phần tham vọng Trung Quốc. Một phần lớn nghiên cứu quân sự như hỏa tiễn, an ninh mạng v.v… không được tính vào chi quân sự mà được coi là nghiên cứu dân sự.

Việc Trung Quốc đầu tư lớn cho quân đội khiến Hoa Kỳ và các nước láng giềng lo ngại. Mới hôm qua, tuần duyên Philippines tố cáo tàu Trung Quốc chủ động tông vào hai tàu của họ, làm bị thương bốn người. Sự cố này xảy ra ngay sau hôm tổng thống Philippines Ferdinand Marcos một lần nữa tỏ ra cứng rắn, tuyên bố « không nhường lại một centimet lãnh thổ nào ».

Châu Âu trong bước đầu tái vũ trang

Quốc phòng châu Âu cũng là một chủ đề lớn trên báo chí Pháp. Ủy Ban Châu Âu hôm qua đã công bố một kế hoạch quy mô để đẩy nhanh việc sản xuất vũ khí và tài trợ cho các dự án quân sự chung. Để khởi đầu, ngân sách khá là khiêm tốn, chỉ mới có 1,5 tỉ euro.

Cuộc xâm lăng Ukraina cho thấy tính chất lệ thuộc các nước khác của châu Âu trong việc cung ứng vũ khí và năng lực quốc phòng. Đại diện ngoại giao châu Âu Josep Borrell nhấn mạnh kho vũ khí đang cạn kiệt, tuy châu Âu đã tăng được 50 % khả năng sản xuất đạn dược kể từ đầu cuộc chiến. Bà Ursula von der Leyen trong kế hoạch ứng cử nhiệm kỳ hai đã đưa quốc phòng thành ưu tiên hàng đầu. Liên Hiệp Châu Âu (EU) đặt mục tiêu « mua chung ít nhất 40 % vũ khí từ nay đến 2030 », so với 18 % hiện nay.

Ủy viên Thierry Breton cho biết nếu tất cả thành viên cam kết dành 2 % GDP cho quốc phòng, EU có được 380 tỉ euro, gấp ba so với Nga. Để bổ sung cho ngân sách ban đầu 1,5 tỉ, Bruxelles muốn sử dụng thu nhập từ tài sản bị phong tỏa của Nga, nhưng các thành viên vẫn chia rẽ về vấn đề này. Cách đây vài ngày, ông Thierry Breton ước tính cần phải đầu tư 100 tỉ euro cho quốc phòng châu Âu. Nhiều nước như Pháp muốn vay nợ chung, như hồi hậu Covid châu Âu đã cùng vay 800 tỉ euro, nhưng Đức, Hà Lan, Bắc Âu chưa sẵn sàng. Les Echos đặt câu hỏi, liệu có cần một cú sốc lớn như Ukraina bại trận, hay Donald Trump tái đắc cử để những nước này đổi ý hay không ?

Chỉ có giải pháp chính trị khi nào Ukraina có ưu thế quân sự

Trong bài xã luận, Les Echos cho rằng khi thế giới thay đổi thì đôi khi phải chấp nhận đổi thay, dù lòng không muốn và cũng chẳng dễ dàng. Một ngày nào đó cần xây dựng những « Airbus » về xe tăng, tiêm kích, drone…giao cho mỗi nước lớn một mặt trận. Để sản xuất nhiều hơn, phải đặt những đơn hàng lớn và lâu dài thì nhà máy mới dám đầu tư.

Ông Camille Grand, cựu phó tổng thư ký NATO, trên Le Monde nhấn mạnh: « Sau 30 năm hòa bình, châu Âu cần học lại văn phạm về tương quan sức mạnh ». Cuộc tranh luận do tổng thống Emmanuel Macron mở ra đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo và công chúng tầm quan trọng của tình hình : Những gì diễn ra ở Ukraina là cấp thiết cho an ninh châu lục. Theo thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas, chỉ cần chưa đầy 100 euro một năm tính trên đầu người ở châu Âu là đủ để hỗ trợ mạnh mẽ cho Kiev, ít tốn kém hơn rất nhiều so với việc đối đầu, hay chạy đua vũ trang với Nga.

Đối với Alexandra de Hoop Scheffer, phó chủ tịch think tank German Marshall Fund of the United States, « Chỉ có thể có giải pháp chính trị cho cuộc chiến khi nào Kiev có lợi thế về quân sự ». Chuyên gia này ngay từ tháng Giêng 2022, tức là trước cuộc xâm lăng, đã cổ vũ cho thái độ cứng rắn đối với Matxcơva. Vào lúc đó, tuyên bố của ông Joe Biden công khai loại trừ khả năng Mỹ gởi quân sang trong khi quân Nga ồ ạt tiến sát biên giới Ukraina, ngay từ đầu đã làm hỏng tác dụng răn đe Vladimir Putin.

Liên Hiệp Quốc : Hãm hiếp, vũ khí chiến tranh của Hamas

Libération chạy tựa trang nhất « Ngày 07/10 : Hãm hiếp, vũ khí chiến tranh ». Mấy chục cuộc phỏng vấn, 5.000 tấm ảnh, 50 giờ video khủng khiếp, và một bản báo cáo 23 trang của Liên Hiệp Quốc kết luận bạo hành tình dục « kể cả hãm hiếp và hiếp dâm tập thể » đã diễn ra tại nhiều địa điểm trong vụ khủng bố của Hamas ở Israel hôm 07/10/2023. Một số con tin cũng bị bạo hành kể cả tra tấn tình dục, và có lý do để tin rằng tình trạng này vẫn đang diễn ra. Các điều tra viên gặp nhiều khó khăn vì đa số nạn nhân bị xâm hại đã chết, được chôn cất nhanh theo nghi thức Do Thái, dấu vết tại hiện trường không nhiều do đội ngũ cứu hộ ưu tiên cấp cứu những người sống sót.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.