Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Sau cái chết của Alexei Navalny, một nước Nga tự do chỉ là ảo vọng ?

Những hoạt động tưởng niệm nhà đối lập Alexei Navalny bị đàn áp tại Nga, phương Tây lên án Putin. Hết đạn dược, lực lượng Ukraina phải rút khỏi Avdiivka, Nga chiếm được với cái giá nhân mạng quá lớn. Mối đe dọa từ nước Nga của Vladimir Putin cũng là đề tài chính trong Hội nghị Munich về an ninh, bên cạnh chiến tranh Trung Đông.Tăng trưởng của Pháp giảm nhưng nợ công tăng lên. Trên đây là những đề tài được báo chí Paris bàn luận nhiều hôm nay 19/02/2024.

Những người biểu tình gần đại sứ quán Nga ở Berlin mang biểu ngữ « Putin là kẻ sát nhân » sau cái chết của lãnh tụ đối lập Alexei Navalny, ngày 18/02/2024.
Những người biểu tình gần đại sứ quán Nga ở Berlin mang biểu ngữ « Putin là kẻ sát nhân » sau cái chết của lãnh tụ đối lập Alexei Navalny, ngày 18/02/2024. © REUTERS - ANNEGRET HILSE
Quảng cáo

Hy vọng cuối cùng về một nước Nga tự do không còn nữa

Le Monde đăng ảnh nhà đối lập trên trang nhất và nhận xét « Alexei Navalny qua đời mang theo hy vọng cuối cùng của một nước Nga tự do ».Thông tín viên Le Monde miêu tả, ngọn núi hoa cẩm chướng đặt trên đài tưởng niệm Solovki dành cho nạn nhân bị đàn áp thời Liên Xô ở Matxcơva, chỉ tồn tại trong vài giờ. Trong đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy 17/02, một số người đàn ông trang bị túi rác đã hốt sạch mấy trăm đóa hoa được những người vô danh mang đến để tưởng nhớ Alexei Navalny. Sau đó cũng những kẻ đi dọn dẹp trên lại được trông thấy với túi rác mới trên cầu Bolchoï Moskvoretski, đối diện Kremlin. Ở đó, nhà đối lập Boris Nemtsov đã bị sát hại bằng bốn phát súng vào lưng ngày 27/02/2015.

Thêm một lần nữa, trong nước Nga đương đại, một thủ lãnh chính trị hàng đầu lại phải trả giá bằng mạng sống của mình. « Ông ấy không chết, ông đã bị sát hại », một người biểu tình ở Serbia giơ biểu ngữ. « Máu của Navalny trên tay ông đó, Vova » (tức Putin), một biểu ngữ khác ở Mourmansk. Tại nhiều thành phố trên thế giới, người biểu tình đa số là người Nga đã xuống đường để biểu lộ tình cảm của họ. Trách nhiệm của « chế độ Kremlin » trong cái chết của Alexei Navalny là không thể chối cãi.

Vẫn chưa hồi phục được sau khi bị đầu độc bằng Novitchok, Navalny bị tống vào tù và chuyển đến tận Bắc Cực, bị biệt giam 27 lần trong xà lim lạnh lẽo với sàn xi-măng, chỉ có một tấm ván. Thỉnh thoảng để trừng phạt thêm, người ta đưa thêm vào một bạn tù bị điên dại hoặc hôi hám, suốt ngày hú hét. Chủ tịch Douma, Viatcheslav Volodine viết trên Telegram : « Washington và Bruxelles là những kẻ đã gây ra cái chết của Navalny ». Vladimir Putin, vốn không bao giờ nhắc đến tên kẻ thù số một của mình, vẫn thản nhiên nói chuyện suốt 45 phút với công nhân Tcheliabinsk, truyền hình chỉ thông báo qua loa vào cuối bản tin buổi tối.

« Navalny không sợ hãi, chúng tôi thì sợ ! »

Lực lượng chính trị của Alexei Navalny còn lại gì ? Le Monde chua chát « Chỉ còn là một cánh đồng đổ nát và nước mắt ». Một trong những di sản của nhà đối lập là mang lại lòng tin vào chính trị cho hàng ngàn công dân Nga đã tham gia nhiều phong trào khác nhau vì không thể biểu hiện qua lá phiếu. Giờ đây nhiều người phải chạy trốn hoặc ngồi tù.

Những người đến đặt hoa tưởng niệm đều rưng rưng nước mắt. Ivan, 44 tuổi chuẩn bị đưa ba con trai di tản sang Canada, nhận xét : « Đó là hồi kết cho những hy vọng cuối cùng ». Một phụ nữ trẻ thổ lộ : « Tôi vừa buồn vừa giận dữ. Chúng tôi mang hoa như những con cừu, hoa cho Nemtsov, cho những người Ukraina bị giết hại, cho Navalny...giống như chấp nhận việc bị đưa vào lò sát sinh. Navalny không sợ hãi, chúng tôi thì sợ ! ».

Chưa ai thay thế được Alexei Navalny

La Croix chọn đăng hình ông chủ điện Kremlin, chạy tít « Vladimir Putin, không gì lay chuyển », cho rằng « Cái chết của Navalny dập tắt hy vọng của những người chống đối Putin ». Theo tờ báo, Alexei Navalny mất đi, phong trào phản kháng một trong những tiếng nói quan trọng chống lại cuộc xâm lăng Ukraina ; có nguy cơ làm rối loạn các mạng xã hội của phong trào lâu nay vẫn dựa vào vị thủ lãnh ở trong tù. Cú sốc rồi sẽ qua, như với chiến dịch động viên, vì người Nga đã quen chịu đựng.

Nhà chính trị học Andrei Kolesnikov so sánh với số phận của Yevgeny Prigozhin : « Cả hai chẳng có điểm nào chung, nhưng cái chết đột ngột của họ đã khiến nhà độc tài Putin càng đơn độc hơn trên đỉnh Olympia của mình ». Không còn ai chống đối, cả bên trong lẫn bên ngoài.

Trả lời La Croix, ông Morvan Lallouet, tác giả cuốn « Alexei Navalny : Người thách thức Putin » nhận định hiện chưa ai có thể thay thế được thủ lãnh đối lập nổi tiếng này. Navalny rất sáng tạo, ông là chính khách đầu tiên đầu tư vào công nghệ thông tin và luôn thành công. Ông xây dựng các tổ chức để điều tra, có nhiều nhánh tại các vùng nước Nga để không tập trung vào thủ đô. Trong tiến trình này, Alexei Navalny tuyển mộ được những người rất tận tâm và chuyên ngheiejp

Hết đạn, lực lượng Ukraina rút khỏi Avdiivka

Trên chiến trường, Le Figaro và Les Echos ghi nhận sau nhiều tháng chiến đấu « Hết đạn, quân đội Ukraina phải rút khỏi Avdiivka ». Quân Nga được không quân yểm trợ đã tấn công từ mọi phía vào thành trì cuối cùng của Ukraina : một nhà máy than cốc đang được lữ đoàn xung kích số 3 trấn giữ. Với quân số ít hơn rất nhiều và đạn dược chỉ bằng 1/5 so với Nga, các chiến sĩ Ukraina đã rút khỏi Avdiivka ngày 17/02 để tránh bị bao vây. Tướng Oleksandr Tarnavsky giải thích : « Trong tình thế kẻ thù dẫm lên xác những người lính của bên mình và có lợi thế 10 chống 1, dưới những trận bom liên tục, rút lui là quyết định tốt nhất ». 

Mạng xã hội cho thấy cảnh tương đối hỗn loạn, dưới lưới lửa không ngưng nghỉ, một số chiến binh Ukraina rời thành phố bằng phương tiện của chính mình hoặc đi bộ. Les Echos gặp gỡ Denys, 22 tuổi vừa đến được một làng nhỏ ở Donetsk. Người lính này kể lại : « Drone Nga bay vần vũ không ngơi nghỉ trên đầu, chuyển vị trí của chúng tôi cho pháo binh ». Yuriy, lữ đoàn 110 nhấn mạnh : « Đó là địa ngục trần gian ». Anh đã phải đi bộ gần bảy tiếng đồng hồ để tránh bị vây hãm, trước khi được một ê-kíp của lữ đoàn 53 giúp di tản. Tất cả những người lính mà phóng viên Pháp gặp được hôm thứ Bảy đều nói rằng họ đã may mắn sống sót.

Cái giá nhân mạng quá lớn để chiếm một thành phố

Nga chiếm được một thành phố hoàn toàn là bình địa, chỉ còn 900/32.000 dân sinh sống. Avdiivka luôn là tâm điểm của xung đột : ban đầu bị quân ly khai do Kremlin vũ trang chiếm đóng tháng 4/2014, và ba tháng sau lực lượng Ukraina tái chiếm. Nay Avdiivka là thắng lợi đầu tiên của Nga sau Bakhmut tháng 5/2023. Gần đến bầu cử, Vladimir Putin vội vã ca ngợi « chiến thắng quan trọng ».

Nhìn từ phía Kiev, việc mất Avdiivka không có gì đáng ngạc nhiên vì tương quan lực lượng quá chênh lệch. Tướng Oleksandr Syrsky vốn mang tiếng là « đao phủ », không quên nhấn mạnh « Mạng sống của người lính mới là quan trọng nhất ». Bộ Tổng tham mưu nêu ra chiến lược « cối xay thịt » áp dụng trong và sau trận Bakhmut, Avdiivka đánh đổi với 47.178 mạng lính Nga trong bốn tháng qua.

Tại hội nghị an ninh Munich, Volodymyr Zelensky chỉ ra trách nhiệm của những người « duy trì Ukraina trong tình thế thiếu thốn vũ khí, giúp Putin gia tăng chiến tranh ». Nhà Trắng tố cáo : « Việc Ukraina rút quân khỏi Avdiivka là hậu quả của nạn thiếu đạn do Quốc Hội bất động ». Đối với chuyên gia Stéphane Audrand, chiếm được Avdiivka, Nga sẽ tấn công tiếp phòng tuyến thứ nhì của Ukraina. Làng Orlivka kế cận sẽ là mục tiêu, nhưng Nga khó thể tiến xa hơn.

Hội nghị Munich và một loạt tin xấu

Le Figaro nhận xét « Phương Tây đứng trước "ngõ cụt" trong cuộc chiến ở Ukraina ». Lực lượng Kiev phải rút khỏi Avdiivka vì thiếu đạn, Alexei Navalny chết trong tù, viện trợ quân sự Mỹ 60 tỉ đô la bị Hạ Viện chận lại và dù khẩn cấp các dân biểu vẫn ngưng làm việc trong hai tuần. Một loạt sự kiện nhấn chìm hội nghị an ninh Munich vào bất định, và kết thúc với lời hứa sẽ ủng hộ thêm cho Ukraina.

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store nhận xét : « Năm ngoái chúng ta nghĩ rằng Ukraina sẽ chiến thắng còn năm nay người ta nói rằng Nga sẽ thắng ». Nữ thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen chỉ trích « Lẽ ra chúng ta phải hỗ trợ Ukraina thật nhiều ngay từ đầu cuộc chiến », do Kiev không có vũ khí tầm xa « chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội lý tưởng ».

Israel không còn ảo tưởng về công nghệ cao

Liên quan đến Trung Đông, Les Echos nhận thấy « Sự tôn sùng công nghệ cao của Israel bị lung lay » sau vụ đột kích của Hamas, và nay quay về với những phương pháp cổ điển. Hôm 07/10/2023 quân Hamas đã vượt qua hàng rào bảo vệ xung quanh Dải Gaza để thảm sát người dân Israel. Trong khi hàng rào này được bố trí dày đặc camera hồng ngoại, drone giám sát, máy móc tự động nhạy bén, một bức tường dưới lòng đất có trang bị cảm biến…tất cả trị giá hơn 1 tỉ đô la. Trên lý thuyết thì bất khả xâm phạm, nhưng quân khủng bố đột nhập bằng xe tải nhẹ, xe gắn máy, đi bộ…

Hệ thống nghe lén điện thoại trở thành phản tác dụng vì bị Hamas đánh lạc hướng. Quá tự tin vào công nghệ cao, quân số phòng thủ và tuần tra bị rút xuống. Một viên chức bộ Quốc Phòng nhận xét, các quân nhân chỉ cần dùng những ống dòm đơn giản không kết nối với vệ tinh cũng đủ để nhận ra bọn khủng bố. Hệ thống « Vòm Sắt » vẫn hiệu quả, chận được 90 % đạn pháo bắn sang, nhưng « gây nghiện », tạo cảm giác tương đối an toàn, không có tầm nhìn chính trị và quân sự xa hơn. Giờ đây Israel dùng những vũ khí « truyền thống » như xe tăng, pháo, khuyến khích kỹ nghệ chế tạo các vũ khí quy ước.

Địa đạo của Hezbollah ở Liban còn phức tạp hơn Gaza

Libération tiết lộ « Tại Liban, mạng lưới địa đạo bí mật của Hezbollah còn tinh tế hơn Hamas ở Gaza ».Ngay từ thập niên 60, các nhóm Palestine chạy sang Liban đã bắt đầu đào hầm, sau đó Hezbollah tiếp tục. Nhưng thay vì đào trong cát và xây bê-tông, ở nam Liban phải đục đá bằng tay, bằng máy khoan hoặc máy thủy lực. Nhà nghiên cứu Pierre Razoux nhận xét, trong lịch sử các quân đội quy ước thường phải đối mặt với những địch thủ sử dụng mạng lưới đường hầm như các hành lang của người Nhật trên những hòn đảo ở Thái Bình Dương, hệ thống địa đạo của Việt Cộng ở Việt Nam, mạng lưới hang động ở Afghanistan và Mali…

Tại Israel, trung tâm nghiên cứu Alma điều tra từ các nguồn mở trong báo cáo năm 2021 cho biết Hezbollah đã lập ra khoảng mấy chục trung tâm điều hành với mạng đường hầm liên vùng nối các trung tâm quan trọng ở Beyrouth, Bekaa và nam Liban, tổng cộng khoảng mấy trăm cây số. Giống như Dải Gaza, lòng đất Liban xốp như phô mai gruyère. Báo cáo tháng 6/2023 của Alma nêu ra các « đường hầm chất nổ », đào dưới những điểm chiến lược và chứa đầy chất nổ, có thể kích hoạt khi cần thiết để tạo ra những vụ động đất, lở đá. Hồi Đệ nhất Thế chiến, người Anh đã cho nổ 450 tấn chất nổ trữ trong 19 đường hầm dưới phòng tuyến địch, làm 10.000 lính Đức thiệt mạng.

Từ nhiều năm qua, Hezbollah đã lùng mua đất làm nông trại hoặc công trường xây dựng để làm vỏ bọc cho công trình địa đạo. Sau vụ thảm sát ngày 07/10, Israel đã thả bom phốt-pho trắng phát quang rừng để phát hiện đường hầm. Ở độ sâu hơn 10 mét, không thể nào tìm ra địa đạo, và chống chọi được với bom. Cũng như tại Gaza, Israel chỉ mới tìm được một phần nhỏ số đường hầm ở Liban.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.