Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Giải Grammy cho 50 năm sự nghiệp của Julio Iglesias

Đăng ngày:

Hôm 11/05/2019, một buổi lễ hoành tráng được tổ chức tại Los Angeles. Đêm biểu diễn này mang chủ đề ‘‘Grammy Tôn vinh các Huyền thoại âm nhạc’’. Nhân dịp này, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Dionne Warwick, George Clinton hay Julio Iglesias được trao tặng giải “Grammy Thành tựu trọn đời” được xem như là một trong những giải thưởng danh dự cao quý nhất trong làng nhạc quốc tế.

Julio Iglesias biểu diễn tại Cộng hoà Dominica năm 2012
Julio Iglesias biểu diễn tại Cộng hoà Dominica năm 2012 REUTERS/Ricardo Rojas
Quảng cáo

Đối với nam danh ca người Tây Ban Nha Julio Iglesias, giải thưởng "Grammy Lifetime Achievement Award" rơi đúng vào thời điểm ông ăn mừng 50 năm sự nghiệp trên sân khấu. Album phòng thu đầu tay của Julio Iglesias mang tựa đề ‘‘Yo Canto’’ (có nghĩa là Tôi hát) từng được phát hành vào năm 1969, cách đây đúng nửa thế kỷ. Trong 50 năm sự nghiệp, danh ca Tây Ban Nha đã từng lập kỷ lục với hơn 300 triệu đĩa nhạc bán trên thế giới, trong đó có khoảng 12 triệu chỉ riêng trên thị trường Pháp.

Vào năm 75 tuổi, Julio Iglesias được kết nạp làm thành viên của một câu lạc bộ gồm toàn là những tên tuổi lẫy lừng nhất thế giới như Bing Crosby (1962), Frank Sinatra (1965), Ella Fitzgerald (1967), Elvis Presley (1971), Leonard Bernstein (1985), Aretha Franklin (1994), Michael Jackson (2010), Antonio Carlos Jobim (2012), ban nhạc Queen (2018) ….. Ở cái tuổi mà đa số chọn nếp sống thảnh thơi an nhàn, Julio Iglesias lại bắt đầu một vòng lưu diễn mừng 50 năm sự nghiệp, vì cũng như ông nói chừng nào còn hơi sức, thì ông vẫn muốn hát cho công chúng để đền đáp lòng trung thành tuyệt đối của giới hâm mộ.

Năm 2019 đánh dấu nửa thế kỷ sự nghiệp của nam danh ca người Tây Ban Nha, nhưng Julio Iglesias vào nghề ca hát là do “tai nạn” hiểu theo nghĩa bóng, một cách ngẫu nhiên hiểu theo nghĩa đen. Thời thiếu niên, ông nuôi mộng trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, nhưng một tai nạn xe hơi vào năm ông tròn 20 tuổi (1962) buộc Julio phải nằm liệt giường trong hơn một năm trời và theo lời bác sĩ thời ấy, ông ít có hy vọng đi đứng bình thường trở lại.

Một cây đàn ghi ta mà Julio nhận được như một món quà, giúp cho ông tìm lại hy vọng và niềm tin trong cuộc sống. Nhiều nguồn ghi chép là món quà này là của ông bố, nhưng theo quyển tiểu sử về Julio của tác giả Jeff Rovin, một y tá tên là Eladio Magdaleno đã tặng cho Julio Iglesias cây đàn ghi ta này giúp ông tập luyện sao cho các ngón tay linh hoạt trở lại.

Lúc đầu, Julio cho biết ông đàn hát chỉ là để cho thời gian trôi qua, cho tâm hồn khuây khỏa, thế nhưng ông lại ghiền âm nhạc từ lúc nào không hay. Sau một thời gian đi du học ở Anh quốc để trao dồi ngoại ngữ, Julio Iglesias chọn hẳn nghề ca hát cho dù ông đã tốt nghiệp luật khoa ở quê nhà (đại học Complutense University of Madrid). Vào năm 25 tuổi, ông đoạt giải nhất liên hoan ca nhạc Benidorm với sáng tác của mình là bài La Vida Sigue Igual (Đời vẫn như thế). Từng bước một, Julio xây dựng cho mình hình ảnh lãng mạn của một “latin lover”, vóc dáng chải chuốt, phong cách trữ tình đậm chất crooner.

Chỉ trong vòng 7 năm, Julio Iglesias trở trành một giọng ca có tầm cỡ quốc tế, nghệ sĩ đầu tiên không hát tiếng Anh mà vẫn lập kỷ lục số bán trên thị trường Hoa Kỳ (hơn hai triệu album Julio trong năm 1983). Julio cũng là nghệ sĩ ngoại quốc đầu tiên được đài truyền hình Trung Quốc dành nguyên một chương trình đặc biệt, thu hút hơn 400 triệu lượt khán giả. Ông cũng là nghệ sĩ nước ngoài duy nhất (không hát tiếng Quan thoại) được trao giải China’s Golden Record Award, dành cho những nghệ sĩ nào được công chúng yêu chuộng nhất. Về mặt số bán, ông cũng được công nhận là nghệ sĩ quốc tế đầu tiên thành công nhất mọi thời đại trên lãnh thổ Hoa Lục “First & Most Popular International Artist of All Time”. Tại châu Á, tên tuổi của Julio Iglesias càng sáng chói do nhiều bài hát của ông đã được phóng tác sang tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Hoa hay tiếng Thái.

Theo ban tổ chức lễ trao giải Grammy danh dự, chưa có ai trong giới nghệ sĩ La Tinh (hiểu theo nghĩa hát tiếng Tây Ban Nha) lập nhiều thành tích bằng Julio Iglesias. Ông đã từng hát trong nhiều thứ tiếng với những tên tuổi lẫy lừng nhất Diana Ross, Stevie Wonder, Dolly Parton, Placido Domingo, Sting, Willie Nelson, Charles Aznavour, Johnny Hallyday ….. Nhờ vào sự đóng góp của Julio Iglesias, dòng nhạc nói riêng cũng như văn hóa Tây Ban Nha nói chung lại càng tăng thêm ảnh hưởng hơn bao giờ hết.

Trong nửa thế kỷ sự nghiệp, Julio Iglesias đã ghi âm khoảng 80 album đủ loại trong 14 thứ tiếng khác nhau, số lượng đĩa bán (hơn 300 triệu) tương đương với 2.600 đĩa vàng và bạch kim. Ông cũng từng đoạt hàng loạt giải thưởng quan trọng nhất trong đó có giải Grammy, Latin Grammy Awards, Billboard Latin Music, World Music Awards (WMA), American Latin Media Award (ALMA), Country Music Association (CMA) ……

Thế nhưng, con vi trùng âm nhạc vẫn làm cho tiếng hát crooner giữ được làn hơi nồng nàn trầm ấm, có lẽ cũng vì ông vẫn say mê cuồng nhiệt như thuở nào. Đối với một người suýt nữa bị tàn phế trọn đời, niềm đam mê vô bờ ấy chính là động lực thôi thúc Julio từng bước chinh phục thế giới, nhờ lối vuốt chữ mượt mà, lên ngôi ông hoàng của những giọng ca đào hoa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.