Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Johnny Hallyday, điệu rock cuối cùng

Đăng ngày:

Gần một năm sau ngày Johnny Hallyday qua đời, tập nhạc cuối cùng của ông đã được hoàn tất và được phát hành trong cuối tuần qua (hôm 19/10/2018). Chỉ sau ba ngày tung ra thị trường, album này đã đạt tới mức kim cương và hy vọng phá kỷ lục số bán tại Pháp.

Khách hâm mộ mua đĩa hát của Johnny Hallyday, cả CD và đĩa nhựa.
Khách hâm mộ mua đĩa hát của Johnny Hallyday, cả CD và đĩa nhựa. Christophe ARCHAMBAULT / AFP
Quảng cáo

Mang tựa đề ‘‘Mon pays c’est l’amour’’, album phòng thu thứ 51 và cũng là tập nhạc di cảo của thần tượng nhạc rock Pháp đã bán được gần 650.000 bản chỉ trong ba ngày đầu tiên và theo đà này có nhiều triển vọng phá kỷ lục (hơn 2 triệu bản) do tập nhạc "Sang pour Sang" nắm giữ cách đây 20 năm (kể từ năm 1999). Vào thời ấy, "Sang pour sang" đánh dấu sự hợp tác trên tột đỉnh giữa hai cha con Johnny và David Hallyday.

Theo ban giám đốc hãng đĩa Warner Music France, sự kiện album cuối cùng của Johnny Hallyday được giới hâm mộ chờ đợi là một điều hiển nhiên, họ chẳng những mua một album duy nhất mà mua nhiều tập nhạc cùng lúc để sưu tầm, để làm kỷ niệm hay để biếu tặng bạn bè người thân. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là có khá nhiều thính giả dù không phải là fan cũng chờ đón album này. Có lẽ cũng vì cái chết đột ngột của Johnny Hallyday đã tạo nên một nỗi xúc động lớn trong dư luận Pháp.

Dù gì đi nữa, sự kiện hầu hết các cửa hàng tại Pháp đã gần như bán sạch lượng đĩa trong kho (800.000 đĩa), buộc hãng đĩa Warner Music France ráo riết chuẩn bị cho đợt phát hành thứ nhì trong tuần này. Giới thích sưu tầm đĩa nhựa sẽ phải kiên nhẫn chờ đợi, do thời hạn sản xuất đĩa nhựa lâu hơn là đĩa CD. Theo ông giám đốc Thierry Chassagne, với đợt tái bản album của Johnny Hallyday, các đĩa nhựa chỉ sẽ được bày bán sớm nhất là vào trung tuần tháng 11.

Công chúng Pháp không chỉ đổ xô đi mua đĩa hát, mà còn hưởng ứng thần tượng Johnny Hallyday trên các kênh trực tuyến và các mạng xã hội. Chỉ trong ngày đầu tiên, video clip của Johnny đã thu hút hàng chục triệu lượt người xem, và số lượng khán thính giả đăng ký để nghe nhạc trực tuyến thông qua các mạng như Spotify hay là Deezer đã tăng hơn gấp 100 lần so với cách đây 3 năm, thời kỳ phát hành album đậm đặc chất rockabilly mang tựa đề ‘‘De l’Amour’’ vào năm 2015. Với việc tái bản album cuối cùng của Johnny nhân dịp những ngày lễ cuối năm, người ta chờ đợi là album di cảo sẽ trở thành tập nhạc ăn khách nhất từ trước tới nay của Johnny Hallyday.

Khi thực hiện album phòng thu thứ 51, có lẽ Johnny Hallyday thừa hiểu rằng đây cũng sẽ là tập nhạc cuối cùng trong đời ông. Điều này có thể thấy rõ ở hai điểm : thứ nhất, Johnny chọn hát những gì mình thích hát, thứ nhì, Johnny tỏ ra sáng suốt khi phải trực diện với cái chết. Bản nhạc đầu tiên trích từ album này là bài ‘‘J’en parlerai au Diable’’ và qua ẩn dụ của một người đàn ông trò chuyện với tử thần hay với ác quỷ, thật ra người đàn ông buộc phải nhìn lại chính bản thân mình trước khi rời khỏi thế giới loài người.

Nhóm sáng tác gồm các nhạc sĩ Yodelice và Yarol Poupaud, cũng như các tác giả Yohann Malory, Hervé Le Sourd hay là Miossec đã khai thác ý tưởng "giờ cuối cùng đã điểm" trong khá nhiều ca khúc của album. Nhạc phẩm "Pardonne Moi" (Hãy tha thứ cho anh) là một cách để tạ lỗi với người yêu vì đã không biết nắm lấy những cơ hội quý báu sống cho nhau và giờ đây cho dù có muốn sống thêm cho tình yêu, cũng đành quá muộn rồi.

"Un enfant du siècle" đâu đó kể lại hành trình xuyên thế kỷ của một người nghệ sĩ sống với thời đại của mình. Trong khi "Tomber Encore" khai thác cả hai vế nghĩa đen và nghĩa bóng : vấp ngã trong đời và ngã lòng yêu ai. Hai ý tưởng khác nhau nhưng dẫn đến cùng một kết quả : Đau vì vấp ngã hay khổ sở vì yêu có nghĩa là ta vẫn còn sống. Chỉ có kẻ chết mới không rung động, không còn biết yêu thêm một lần nữa (Tomber Encore).

Album di cảo của Johnny cho thấy ông sinh ra để rồi chết với nhạc rock, ngoài dòng nhạc rockabilly phảng phất hình bóng của Chuck Berry, một số ca khúc còn mang đậm ảnh hưởng của nhạc rock theo kiểu xưa, mà đôi khi ta cảm nhận ảnh hưởng của Bruce Springsteen và nhất là của Johnny Cash. Bài hát "4m2" nói về hoàn cảnh của một tử tù, biệt giam trong bốn thước vuông làm ta liên tưởng tới nghệ sĩ rock người Mỹ, sinh thời từng dấn thân đấu tranh để cải thiện các điều kiện giam giữ các tù nhân.

Có lẽ Johnny Hallyday biết trước rằng đây sẽ là tập nhạc cuối cùng trong đời ông, cho nên trong một số bài, chất giọng trầm khàn có lúc liêu trai của Johnny làm cho người nghe phải rùng mình, nhất là khi ông hát nhạc blues như trong bài "Je ne suis qu’un homme" ý muốn nói rằng : Sống chết do số phận, ta nào có khác ai. Johnny Hallyday để lại một bản di chúc : nhưng thay vì sầu thảm niệm khúc lâm chung, Johnny lại cất tiếng hát lộng lẫy trong điệu rock cuối cùng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.