Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Truyện ngụ ngôn La Fontaine tròn 350 tuổi

Gà đẻ trứng vàng, Con quạ và con cáo, Thả mồi bắt bóng, Chuột tỉnh và chuột đồng ….. hầu hết các học sinh tiểu học đều đã từng đọc qua truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Năm 2018 đánh dấu đúng 350 năm ngày phát hành bộ truyện ngụ ngôn ‘‘Fables’’. Bao gồm tổng cộng ba quyển, tập đầu tiên đã được xuất bản vào năm 1668.

Tiểu sử La Fontaine của tác giả E. Orsenna trong 1 hiệu sách ở Brest
Tiểu sử La Fontaine của tác giả E. Orsenna trong 1 hiệu sách ở Brest FRED TANNEAU / AFP
Quảng cáo

Hơn ba thế kỷ sau ngày Jean de La Fontaine qua đời (1621-1695), tác phẩm của ông vẫn được in một cách đều đặn, được giảng dạy trong các trường học ở Pháp. Theo một cuộc thăm dò gần đây do cơ quan GfK (với phương châm Growth from Knowledge) thực hiện, La Fontaine nằm trong số các tác giả thu hút được nhiều tầng lớp độc giả, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tính trung bình, hàng năm có khoảng 100.000 tập truyện ngụ ngôn được bán ở Pháp. Trong số các tác giả được đưa vào sách giáo khoa, ông đứng hàng thứ ba, sau Molière và Victor Hugo.

Chỉ có điều là Molière hay Victor Hugo có rất nhiều tác phẩm được giảng dạy, trong khi Jean de La Fontaine chỉ có một quyển sách duy nhất được đưa vào chương trình sư phạm. Số liệu sách bán hàng năm cũng chỉ liên quan tới nước Pháp, trong khi Truyện ngụ ngôn của La Fontaine từng được dịch sang hàng chục thứ tiếng kể cả trong tiếng Việt. Bản dịch tiếng Việt đầu tiên là của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, xuất bản vào năm 1916. Thời nay đa phần bộ truyện ngụ ngôn La Fontaine được in thành truyện thiếu nhi đi kèm với tranh vẽ hay ảnh minh họa.

Truyền thống minh hoạ truyện ngụ ngôn đã có từ giữa thế kỷ XVIII, sau khi tác giả La Fontaine qua đời. Phiên bản nổi tiếng nhất là của bà Diane de Selliers (nhà xuất bản Dessaint & Saillant & Durant 1755-1759) tập hợp 250 câu chuyện ngụ ngôn, được minh họa bằng các bức tranh khắc của họa sĩ Jean-Baptiste Oudry. Ấn bản này nằm trong số các bộ sách quý hiếm, được giới sưu tầm săn lùng qua các cuộc bán đấu giá tại Drouot hay là Artcurial …..

Theo nhà văn Erick Orsenna, thành viên Hàn Lâm Viện Pháp và cũng là tác giả quyển tiểu sử về La Fontaine, truyện ngụ ngôn có nhiều bài học qúy báu, nhờ chiều sâu của ý nghĩa mà vượt năm tháng thời gian. Thể loại ngụ ngôn đã có từ thời xa xưa, tác giả Ésope thời Hy Lạp cổ đại (thế kỷ thứ VI trước công nguyên) đã từng nổi tiếng nhờ các mẫu chuyện ngụ ngôn truyền khẩu.

Nhà thơ La Fontaine đã gợi hứng nhiều từ bậc thầy Ésope, nhưng khi ông tập hợp lại các mẫu chuyện ngụ ngôn, thay vì sáng tác theo văn xuôi, ông lại chọn thể thơ có vần điệu, nhờ vậy mà nội dung lại càng dễ nhớ. Trong số những câu chuyện quen thuộc nhất đối với người Pháp có Con thỏ và con rùa, Con quạ và con cáo, Con ve và con kiến. Nhưng bên cạnh đó còn có hàng loạt câu chuyện khác như Nồi đất và nồi đồng, Chồn sa vựa thóc, Sói giả làm người chăn cừu …..

Theo nhà văn Marc Fumoreli, chuyên gia nghiên cứu về La Fontaine, truyện ngụ ngôn thời nào cũng thích hợp, vì nó phản ánh luân lý của con người, đạo đức trong xã hội. Điều đó giải thích vì sao truyện ngụ ngôn đã được giảng dạy ngay từ đầu thế kỷ XVIII trong các trường Dòng Tên, sau đó được phổ biến trong sách giáo khoa từ năm 1870. Tuy nhiên, theo ông sự ‘‘rèn luyện nhân cách’’ ấy cũng cần có sự chừng mực cân nhắc, để không trở thành rập khuôn giáo điều, điều mà nhà văn Jean-Jacques Rousseau từng nhắc đến lúc sinh tiền.

Nếu còn sống, hẳn chắc tác giả La Fontaine sẽ rất ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều câu nói của ông đã đi vào ngôn ngữ của đời sống hằng ngày. Đó là trường hợp của những câu nói như : “Ventre affamé n’a pas d’oreille” (Bụng đói thì tai điếc), “La raison du plus fort est toujours la meilleure” (Mạnh được yếu thua, ưu thắng liệt bại), “L’avarice perd tout en voulant tout gagner” (Tham thì thâm), “Petit à petit l’oiseau fait son nid” (Kiến tha lâu đầy tổ). “Patience et longueur de temps font plus que force ni que rage. ” (Hữu chí giả sự cánh thành, bền chí nhất quyết sẽ thành công) …..

Đôi khi, người Pháp dùng rất nhiều thành ngữ mà không biết đó là những câu thơ trích từ truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Điều đó là món quà quý báu đối với một tác giả, đôi khi còn có giá trị hơn cả hàng ngàn quyển sách được bán hàng năm, khi danh ngôn của La Fontaine vẫn lưu truyền cho muôn đời sau.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.