Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Selma: 50 năm cuộc tuần hành lịch sử Mỹ

Đăng ngày:

Trong những năm gần đây, làng phim quốc tế khai thác trở lại dòng phim lịch sử. Các đạo diễn Anh mượn câu chuyện thời thế tạo anh hùng để kể lại thời Đệ Nhị Thế Chiến qua hai bộ phim Bài diễn văn của nhà Vua và The Imitation Game. Các đạo diễn Mỹ thì tập trung nói về cuộc hành trình giải thoát ách nô lệ và phong trào đấu tranh đòi quyền công dân cho cộng đồng người Mỹ da đen.

Mục sư Martin Luther King và bà Rosa Parks trong cuộc tuần hành từ Selma đến Montgomery 1965 - Getty Images /William Lovelace
Mục sư Martin Luther King và bà Rosa Parks trong cuộc tuần hành từ Selma đến Montgomery 1965 - Getty Images /William Lovelace
Quảng cáo

Cách đây bốn năm, đạo diễn Tate Taylor trình làng bộ phim The Help kể lại sự phân biệt đối xử trong các gia đình da trắng đối với những người giúp việc da màu tại bang Mississippi những năm 1960. Một cô sinh viên tốt nghiệp trường báo chí mới quyết định viết thành sách câu chuyện của những phụ nữ da đen hàng ngày cắn răng chịu đựng sự bạc đãi của các ông bà chủ da trắng.

Năm 2013, đạo diễn Lee Daniels quay bộ phim The Butler (Quản gia nhà Trắng), kể lại câu chuyện có thật của Eugene Allen (trong phim nhân vật chính có tên là Cecil Gaine), một người quản gia đã từng làm việc tại nhà Trắng, phục vụ ‘’hầu hạ’’ tám đời Tổng thống Mỹ, và qua đó chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử làm rung chuyển xã hội Hoa Kỳ trong vòng hơn ba thập niên.

Về phần mình đạo diễn Steven Spielberg quay (vào năm 2012) bộ phim tiểu sử Abraham Lincoln kể lại cuộc đời của vị Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ và nhất là công cuộc vận động Quốc hội liên bang Hoa Kỳ vào năm 1861 hầu thông qua tu chính án thứ 13 dẫn đến việc chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ trên đất Mỹ. Một cách tương tự, bộ phim 12 Years a Slave (12 năm nô lệ) của đạo diễn Steve McQueen cũng đeo đuổi cùng một đề tài lịch sử cận đại nhưng nhìn từ góc độ của cộng đồng da đen. Nhờ nội dung sâu sắc, bộ phim này đã đoạt giải Oscar dành cho tác phẩm xuất sắc nhất trong năm 2014.

Vào lúc mà nước Mỹ vẫn chưa hàn gắn được hết các vết rạn nứt sau đợt bạo đông liên quan tới vụ bắn chết thiếu niên da đen Michael Brown, cũng như phong trào biểu tình phản đối lực lượng cảnh sát Mỹ phản ứng quá mạnh tay đối với người da màu, thì làng phim Hollywood lại cho ra mắt một tác phẩm khác nói về đợt tuần hành vào giữa những năm 1960 tại bang Alabama đòi quyền bình đẳng cho người da đen.

Do đạo diễn Ava DuVernay thực hiện, bộ phim Selma có tiểu tựa là Một giấc mơ có thể thay đổi thế giới (Onde Dream can change the World), dựa vào câu nói để đời (I Have a Dream) của mục sư Martin Luther King. Bộ phim Selma là tên gọi rút ngắn của sự kiện lịch sử The Selma to Montgomery March, tức là cuộc tuần hành từ Selma đến Montgomery, thủ phủ của bang Alabama.

Do mục sư Martin Luther King dẫn đầu, cuộc tuần hành đã diễn ra vào năm 1965, tức cách đây vừa đúng 50 năm, hầu đòi quyền công dân cho cộng đồng da đen thời bấy giờ. Thành phố Selma trở nên tâm điểm cũng như biểu tượng cho phong trào đấu tranh, do vào thời ấy, người Mỹ đa đen chiếm đến 57% dân số, nhưng chỉ có 1% mới được quyền bỏ phiếu tại địa phương này. Cuộc đấu tranh này được nhiều gương mặt trong giới văn nghệ sĩ ủng hộ, trong đó có diva nhạc jazz Nina Simone đã viết nhiều ca khúc về giai đoạn này. Thần tượng Mahalia Jackson cũng ghi âm những bài ca phúc âm thống thiết da diết nhất.

Một thế kỷ sau khi hiến pháp Hoa Kỳ bãi bỏ chế độ nô lệ nhưng vào những năm 1960, nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn ăn sâu bám rễ trong xã hội nước Mỹ, nhất là ở các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ. Năm 1955, bà Rosa Parks bị phạt vạ khi lên xe buýt do từ chối ngồi ở hàng ghế đằng sau dành cho người da đen. Mục sư Martin Luther King khởi động phong trào tẩy chay công ty giao thông của thành phố Montgomery, kéo dài trong hơn một năm.

Sau phong trào tẩy chay này, Toà án Tối cao Hoa Kỳ đã đem vấn đề ra xem xét để rồi ra phán quyết bãi bỏ luật phân biệt các hàng ghế ngồi tùy theo màu da, xem đó là một điều vi hiến. Tại bang Alabama, nhiều khách sạn, nhà hàng hay rạp hát phân biệt khách hàng và có thể từ chối phục vụ người da đen. Bộ phim Selma kể lại những sự kiện thoạt nhìn tuy nhỏ nhưng khi gộp lại các chi tiết này có tác động của giọt nước làm tràn ly, dẫn đến phong trào tuần hành lịch sử đến tận thủ phủ bang Alabama để đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ da đen.

Nữ đạo diễn Ava DuVernay mở màn bộ phim với cảnh quay mục sư Martin Luther King (do diẽn viên người Anh David Oyelowo thủ vai) chuẩn bị nhận giải Nobel Hòa bình cuối năm 1964, vào lúc mà thế giới công nhận các nỗ lực đấu tranh bất bạo động của ông hầu xây dựng một xã hội công bình hơn. Thế nhưng, niềm vui ấy lại sớm nhường chỗ lại cho các vụ trấn áp hung bạo của cảnh sát da trắng nhắm vào phong trào biểu tình của người da đen.

Bộ phim theo dõi hành trình chông gai của mục sư Tin lành có trách nhiệm lãnh đạo một phong trào đấu tranh ráo riết tích cực, nhưng tuyệt đối không được dùng vũ lực để đáp trả các hành động đàn áp từ phía các lực lượng an ninh. Trên mặt trận chính trị, ông phải nỗ lực đàm phán với chính quyền của Tổng thống Lyndon Johnson, để chính phủ Mỹ quan tâm nhiều hơn đến số phận của cộng đồng da màu, công nhận các quyền lợi của họ chứ không còn xem người da màu như là công dân hạng hai.

Tương lai của người Mỹ đa đen vẫn còn bấp bênh tăm tối, hoàn cảnh gia đình và cuộc sống riêng tư của mục sư Martin Luther King cũng chẳng có gì là tươi sáng hơn. Quan hệ vợ chồng ngày càng trở nên nguội lạnh, ông bị lôi kéo vào cuộc đấu tranh nên ít có thời gian gần gũi với vợ con. Ngay cả những thành viên cốt lõi, những người đàn đồng hành có cùng chí hướng, đôi khi cũng hoài nghi về tinh thần của phong trào đấu tranh cũng như kết quả của các cuộc tuần hành. Làm thế nào để không ‘’trả thù’’ cho những người phải hy sinh bỏ mạng, thế nào để giữ tư thế trung dung ôn hoà, không cực đoan không ‘’bạo động’’ khi mà hàng loạt thành viên trong phong trào bị bắt giam mà không cần có lệnh của toà án, bị cảnh sát hành hung đánh đập dã man. 

Bộ phim Selma khi kể lại phong trào tuần hành do mục sư Martin Luther King dẫn đầu, là một thông điệp mạnh mẽ của các cộng đồng da màu. Thông điệp này vẫn mang tính thời sự nóng bỏng trong cái bối cảnh cái chết gần đây của Michael Brown cũng như phán quyết của toà trắng án viên cảnh sát còn làm chấn động dư luận nước Mỹ.

Bộ phim thật sự nổi bật nhờ dàn diễn viên từ vai chính đến vai phụ. Nam diễn viên David Oyelowo vào vai mục sư Martin Luther King một cách xuất sắc. Cái tài hùng biện của ông được thể hiện tinh tế trên màn ảnh lớn, lôi cuốn người xem vào cuộc đấu tranh hứng khởi, hừng hực khí thế. Oprah Winfrey (từng đóng vai rất đạt trong phim The Purple Colour của Steven Spielberg) tuy trong phim này có một vai rất nhỏ, nhưng lại có lối diễn xuất đầy sức thuyết phục.

Do nội dung tác phẩm dựa vào các sự kiện có thật, cho nên không cần phải thêu dệt thêm tình tiết. Một vài cảnh phim khiến cho người xem phải rùng mình, nhưng khán giả nổi da gà do hồi hộp cảm hứng, chứ không phải là do khiếp đãm hãi sợ. Đặc biệt là cảnh quay mục sư Martin Luther King dẫn đầu đoàn người biểu tình đang băng qua chiếc cầu của thành phố Selma, trong khi ở phía đằng trước là một đội ngũ cảnh sát vũ trang hùng hậu, trong tư thế sẵn sàng tấn công.

Với nội dung sâu sắc, đầy ý nghĩa nhân văn, bộ phim Selma đã nhận được bốn đề cử Golden Globes 2015. Vào năm 42 tuổi, đạo diễn Ava DuVernay trở thành phụ nữ đầu tiên được cử đi tranh nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có các giải dành cho tác phẩm chính kịch và đạo diễn xuất sắc nhất. Thế nhưng niềm vui không được bao lâu vì bộ phim chỉ đoạt có một giải duy nhất dành cho ca khúc chủ đề (nhạc phẩm Glory của John Legend).

Thế nhưng đáng gây tranh cãi hơn nữa là các đề cử cho giải Oscar ngày 22 tháng Hai tới. Tuy bộ phim Selma đã nhận được đề cử dành cho tác phẩm hay nhất, thế nhưng nữ đạo diễn Ava DuVernay cũng như các diễn viên của phim này hầu như vắng mặt trong toàn bộ các hạng mục quan trọng còn lại. Câu hỏi đặt ra là giả sử như có nhiều người da màu hơn trong số các thành viên chuyên ngành điện ảnh bỏ phiếu bình chọn các phim đi tranh giải Oscar, thì điều đó có ảnh hưởng gì hay không đến danh sách đề cử. Kế đến nữa là vì sao phim Selma đi tranh giải Oscar ở hạng mục tác phẩm hay nhất trong khi đạo diễn và dàn diễn viên lại không được kể tên.

Hẳn chắc là tại Hollywood có nhiều cuộc vận động hậu trường để tạo điều kiện cho các tác phẩm điện ảnh có thêm cơ hội đi tranh giải. Dù gi đi nữa, sự bình quyền nam nữ cũng như sự bình đẳng giữa các diễn viên bất kể quốc tịch, nguyên quán hay màu da, hiện vẫn còn là một điều xa vời ở xứ sở của mục sư của mục sư Martin Luther King. Xét riêng trên lãnh vực điện ảnh, I Have a Dream còn là câu chuyện của một ‘’giấc mơ chưa thành hiện thực’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.