Vào nội dung chính
ĐIỆN ẢNH

Tetro : ánh đèn và con thiêu thân

Khách say mê điện ảnh và từng theo dõi đạo diễn Francis Ford Coppola hơn 40 năm qua thực sự xúc động trước một tác phẩm được hoàn thành vào lúc nhà đạo diễn này đã ngoài 70 tuổi. Tetro có thể là tác phẩm mang nhiều tính tự truyện nhất của nhà làm phim người Mỹ.

Quảng cáo

Trong phần mở đầu của bộ phim Tetro, có một hình ảnh khó quên: hình ảnh những con thiêu thân cứ chập chờn va đập vào bóng đèn điện. Như Nguyễn Huy Thiệp đã từng nói “đời người mong manh lắm, chỉ một phút bất cẩn là tan nát hết”.

Câu chuyện những đổ vỡ trong gia đình

Có lẽ, sự đổ vỡ đã nằm ngay trong cái tên của nhân vật chính bộ phim này, bởi vì, tên thật của hắn là Tetrocini. Nhưng hắn đã cắt đôi cái tên họ quá nổi tiếng này để giữ lại một phần ít ỏi là Tetro. Hắn bị bệnh tâm thần. Hắn lầm lì, ít nói,. Hắn đã từng ra vào nhà thương điên. Hắn là kẻ xa lạ, từ nước Mỹ trôi dạt đến khu phố nghèo của Buenos Aires. Người xung quanh gọi hắn là “Tetro, tên đau khổ.”

Hắn muốn xóa bỏ quá khứ. Hắn đã cắt cầu với gia đình, người thân. Hắn đã cất giấu vào hộc tủ quyển tiểu thuyết viết dở dang. Hắn mong muốn được bình yên bên cạnh người yêu, một cô gái đã cưu mang hắn, mà hắn may mắn làm quen trong bệnh viện tâm thần. Cũng trong phần đầu bộ phim này, không phải ngẫu nhiên mà Tetro bị thương, chân phải bó bột và lê bước với nạng gỗ. Ý nghĩa tượng trưng của việc này đã rõ: Tetro là kẻ tàn phế.

Nhưng điều gì đã khiến người đàn ông này chạy trốn cuộc đời, thậm chí đi tìm chỗ ẩn náu trong nhà thương điên ?

Một hôm, đưa em trai của hắn, một chàng thanh niên mới 18 tuổi đến gọi cửa. Bennie từ nước Mỹ sang Áchentina tìm người anh ruột để mong tìm hiểu vì sao anh nó đã bỏ rơi nó? Bennie, từ bé đã thương yêu người anh ruột của mình. Nó nó trách móc tra vấn Tetro: vì tội tình gì mà Tetro ra đi để nó côi cút bấy lâu? Không thể cưỡng lại chính mình, Tetro tức giận trả lời: “Tình thương ư ? Ở gia đình tao, tình thương là lưỡi dao đâm vào sau lưng.”

Ở phần thứ hai, bộ phim rẽ sang hướng mới. Quá khứ Tetro hiện về từng mảng. Câu chuyện giữa hai anh em chuyển sang câu chuyện của sự đối đầu giữa Tetro và người bố.

Bố của hắn, Tetrocini, là vị nhạc trưởng nổi tiếng. Ông tự xem là bậc vĩ nhân. Khi Tetro nói với bố mình sẽ làm văn sĩ, ông bố trả lời: “Văn sĩ là người có khả năng để ngòi bút của mình nuôi sống cho bản thân. Điều đó có nghĩa là một vĩ nhân. Nhưng trong một gia đình không thể có hai vĩ nhân”. Tetrocini còn là kẻ ác độc. Hắn khuyên người em trai của hắn cũng là một nhạc trưởng, hãy đổi tên, để mọi người đừng lầm hắn với kẻ bất tài! Tàn nhẫn hơn nữa, Tetrocini, sử dụng quyền lực, tiền tài, danh vọng để cướp đoạt người yêu của Tetro. Sự đố kỵ, ghen tức nằm ở tâm điểm gia đình này, hay nói đúng hơn, là động cơ gây đổ vỡ cho tất cả. Dưới bóng cổ thụ Tetrocini, đến cây cỏ cũng khó mà tồn tại, cho nên Tetro đã bỏ quê hương ra đi.

Phần cuối bộ phim dành nhiều bất ngờ, khi Bennie phát hiện tập bản thảo nằm trong chiếc va li cũ mốc của Tetro. Đứa em đã tìm cách công bố. Bennie muốn cứu chuộc cho anh. Nhưng chứng kiến cảnh tác phẩm mình được ra mắt cũng là thời điểm Tetro phải đối mặt với sự thật, với điều bí mật anh giữ kín: Bennie là đứa con ruột của anh, chớ không phải là đứa em trai như nó tưởng.

Một vở Opera trên màn bạc

Bất kể, Tetro được khán giả diễn giải như câu chuyện tình thương cha con biến thành mối thâm thù, hay ngụ ngôn về quyền lực tha hóa con người, bộ phim, kỳ thật, đan lẫn nhiều chủ đề, trong đó có lời thú nhận: danh vọng phải đánh đổi với hạnh phúc gia đình.

Phần kết có hậu của bộ phim vừa đảo ngược câu chuyện, vừa dẫn dắt khán giả đến kết luận này: Người nổi tiếng đã chạy theo ảo ảnh. Ánh đèn là thử thách. Ánh sáng là cám dỗ của đám thiêu thân.

Nhà đạo diễn Francis Ford Coppola, tác giả nhiều bộ phim để đời như Apocalypse NowThe Godfather (Bố già), đã nối lại nhịp cầu với nguồn cảm hứng ban đầu của ông khiến cho Tetro rất gần gũi với Rumble FishThe Outsiders, hai bộ phim ông thực hiện năm 1983.

Nhưng Tetro phong phú hơn, ngay cả trong phong cách. Ở đây, ông đã nối kết phim ảnh với âm nhạc, sân khấu và văn học, đan xen những cảnh ba lê, trình diễn kịch nghệ và nhạc giao hưởng, để hoàn thành một tác phẩm đa tính nghệ thuật, mang diện mạo một opera cho màn bạc.

Bản thân tôi rất thích những hình ảnh đen trắng của khu phố La Boca tại thủ đô Buenos Aires mà Coppola đã thu vào ống kính. Một đỉnh cao của bộ phim diễn ra tại vùng Patagonia, lung linh ánh sáng tỏa ra từ các núi băng tuyết. Nơi này, những tia sáng trinh nguyên chói lọi đã góp phần đánh thức nhân vật Tetro về sự giả tạo của danh vọng và tiền tài.

Khách say mê điện ảnh và từng theo dõi Coppola hơn 40 năm qua thực sự xúc động trước tác phẩm được hoàn thành vào lúc nhà đạo diễn này đã ngoài 70 tuổi. Tetro có thể là tác phẩm mang nhiều tính tự truyện nhất của Coppola : ông cũng có một người bố là nhạc trưởng, ông cũng có một người anh trai mà ông rất đỗi yêu thương và đã qua đời vào lúc ông mới 14 tuổi. Ông cũng là một nhân vật nổi tiếng của Hollywood cho dù ông từng tâm sự: ông đã buộc phải đánh đĩ tâm hồn để giải quyết bài toán cơm áo.

Bởi vậy mà khi ông thú nhận: "tất cả những gì diễn trong phim Tetro không hề xảy ra trong cuộc đời thực. Thế nhưng tất cả đều thật", thì chúng ta phải hiểu rằng: đã từ lâu người nghệ sĩ này đã đạp đổ bức tường cách ly cuộc sống đời thường và sự thật của tâm tưởng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.