Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Ngoại giao zích-zắc của Donald Trump, đồng minh châu Âu chết đứng

Hậu-thượng đỉnh Nga-Mỹ cùng những phát ngôn tiền hậu bất nhất của tổng thống Trump; Nicaragua sôi sục với cuộc biểu tình của dân chúng đòi lật đổ chế độ độc tài nhà vợ chồng tổng thống Ortega; nhà mạng khổng lồ Google bị Châu Âu phạt hàng tỷ euro vì làm an không minh bạch… Đó là những chủ đề chính được các tờ báo lớn của Pháp đưa lên trang nhất.

Lãnh đạo các nước thành viên NATO họp tại Bruxelles - Ảnh chụp ngày 11/07/2018.
Lãnh đạo các nước thành viên NATO họp tại Bruxelles - Ảnh chụp ngày 11/07/2018. Ludovic Marin/Pool via REUTERS
Quảng cáo

Thêm một lần nữa, tổng thống Mỹ Donald Trump lại làm cả thế giới phải chú ý vì lập trường và phát biểu tiền hậu bất nhất về những chuyện đại sự. Báo Le Figaro chạy tựa trang nhất « Những zích zắc ngoại giao của Trump gieo rắc rối loạn ».

Cuộc gặp của ông Donald Trump với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đã khiến báo chí quốc tế và dư luận Mỹ phải sửng sốt vì những phát ngôn tại Helsinki phản ánh lập trường được đánh giá là quá yếu đuối, nếu không muốn nói là chạy theo ông chủ điện Kremlin. Bất ngờ nữa là ngay sau khi về đến Washington, ông Trump lại cố dập bão dư luận, phủ nhận những lời của mình bằng giải thích là « nhầm lẫn » câu chữ.

Le Figaro nhận xét lập trường "quay ngoắt" của tổng thống Mỹ về nước Nga cũng như về những hồ sơ quốc tế khác đang khiến dư luận Mỹ cũng như Châu Âu và trên khắp thế giới không sững sờ khi ông đánh lộn đối thủ với đồng minh.

Trong bài xã luận ngắn lấy tiêu đề « Ngây ngô quốc tế » Le Figaro bình luận : « Những zích zắc vừa rồi của Donald Trump, sau cuộc gặp thượng đỉnh với Vladimir Putin khiến người ta phải kinh ngạc ». Vụ việc vừa qua đã làm cả thế giới, những người chống lại ông và cả những người cùng phe ông phải sững sờ, ngay cả báo chí Nga cũng không khỏi như vậy. Những gì mà người ta chứng kiến có thể nói ông Trump đang thực thi một chính sách ngoại giao « siêu thực », « ngây ngô ».

Le Figaro nhấn mạnh : « Ông Trump không nên quên rằng chỉ vì ông có trong tay 12 chiếc tàu sân bay và CIA đứng sau ông thì những người đối thoại nước ngoài mới nghe ông. Và rằng sức mạnh cường quốc cũng dựa trên sự tôn trọng mà người ta cảm nhận ở cường quốc đó. Nhất là khi các đối tác và đối thủ - là Nga hay Trung Quốc - thì họ lại tỏ ra điềm tĩnh, chặt chẽ và đĩnh đạc ».

Đồng minh châu Âu chết đứng

Trong khi đó với đồng minh, ông Donald Trump đã xử sự ra sao ? Vẫn nhật báo Le Figaro có bài viết “ Châu Âu chết đứng bởi người bạn hư hư thực thực”. Bài báo nhắc lại : « Trong vòng vài tháng, đối tác trở thành đối thủ và Châu Âu vẫn chưa thôi lĩnh đòn của người đồng minh chủ chốt từ Đệ Nhị Thế Chiến » là nước Mỹ.

Nhưng đó là nước Mỹ của tổng thống Donald Trump. Từ khi lên làm tổng thống, ông Trump đã có một loạt các quyết định cùng nhiều phát ngôn làm đảo lộn cả thế giới mà trong đó các đồng minh châu Âu đang phải chịu trận. Tờ báo nhấn mạnh : « Trong vài tuần, Donald Trump đã đảo lộn cái thế giới mà trong đó Châu Âu đang sống từ 1945. Ông Trump hoán vị các bạn bè với kẻ thù của Hoa Kỳ, đi ngược lại với lập trường truyền thống của nước mình và đặt lại vấn đề về quan hệ đồng minh… »

Sau sự kiện thượng đỉnh Trump-Putin ở Helsinki vừa qua thì Liên Hiệp Châu Âu, theo Le Figaro, vốn dĩ đã không có thống nhất trong quyết định chiến lược, nay đang bị đe dọa vỡ tung và rã đám.

Nicaragua lại sôi sục cách mạng

Chuyển qua nhật báo Libération với thời sự nóng đang diễn ra ở đất nước Trung Mỹ Nicaragua. Daniel Ortega, cựu lãnh đạo cách mạng Nicaragua với ý tưởng nhân bản, nay đã trở thành một vị tổng thống đầy quyền lực, thẳng tay dùng vũ lực trấn áp phong trào phản kháng chế độ trong dân chúng, làm ít nhất 300 người thiệt mạng từ ba tháng qua.

Daniel Ortega, từ một nhà cách mạng với ý tưởng cao đẹp lên cầm quyền hàng thập kỷ qua ở Nicaragua, trở thành một kẻ chuyên quyền của một chế độ gia đình trị bị tố cáo tham nhũng và trị vì đất nước bằng bàn tay sắt.

Libération gọi đó là « Căn bệnh quyền lực ». Xã luận của tờ báo nhắc lại : « Đầu thập niên 1980, những nhà cách mạng của Mặt Trận Sandino đã lật đổ chế độ độc tài Somoza. Daniel Ortega, từng bị cầm tù suốt 7 năm dưới chế độ thối nát đó, đã trở thành lãnh đạo của chính quyền mới ». Theo Libération, xu hướng chuyên quyền đã nhanh chóng xuất hiện ở chế độ Ortega.

Tuy vậy, Mặt Trận Sandino đã tiến hành thành công nhiều cải cách xã hội tốt. Ban đầu Ortega cũng chấp nhận tiến trình dân chủ, cũng đã rời khỏi quyền lực sau khi thất cử. Rồi sau đó ông trở lại dường như với quyết tâm thực hiện chính sách hòa giải. « Thế nhưng căn bệnh quyền lực đã lấn át để giờ đây các ý tưởng Sandino bị giẫm dưới chân ». Vị tổng thống già nua cùng bà vợ thi sĩ, làm phó tổng thống, tạo thành một cặp vợ chồng tham quyền cố vị, bằng mọi giá giữ vị trí đầy bổng lộc.

Xã luận tờ báo kết luận : « Cũng giống như chế độ xã hội Venezuela, hay ở nhiều nước dưới sự lãnh đạo của những nhân vật đi lên từ cách mạng, việc hủy bỏ các quyền tự do của người dân và những nguyên tắc nhân quyền, cho dù lấy cớ là khó khăn kinh tế, sự thù nghịch từ bên ngoài hay đe dọa từ bên trong, đều luôn dẫn tới bất hạnh cho nhân dân… Tự do phải là điều đặt lên trên hết, xóa bỏ nó sẽ dẫn đến chuyên quyền và nhất là kèm theo đó là bất công và tham nhũng. Một lần nữa Nicaragua lại là một bằng chứng ».

Phạt sốc của EU đối với Google

Trở lại châu Âu, thời sự gây nhiều sự chú ý là hôm qua Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định phạt Google 4,3 tỷ euro. Nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi : « Vì sao châu Âu phạt sốc Google ? »

Lý do của quyết định này là tập đoàn Mỹ đã lạm dụng vị thế nổi trội của hệ điều hành Android dùng cho điện thoại thông minh để thâu tóm độc quyền dịch vụ tìm kiếm trên mạng. Với Bruxelles, cách làm ăn của nhà khổng lồ tin học Mỹ là cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm luật pháp của châu Âu. Tất nhiên Google đã kháng cáo quyết định của Bruxelle.

Đây không phải lần đầu tiên Google bị châu Âu phạt nặng. Ngày 27/06/2017, nhà mạng của Mỹ cũng đã bị phạt 2,42 tỷ euro cũng vì lạm dụng ưu thế trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng gây thiệt hại đến các dịch vụ quảng cáo, hoạt động cạnh tranh làm ăn.

Lần này, Bruxelles còn đánh giá Google đã cản trở các nhà sản xuất bán điện thoại thông minh hoạt động với hệ điều hành khác, bằng cách gây sức ép để cài đặt sẵn trong sản phẩm của họ phần mềm ứng dụng tìm kiếm trên internet « Google Search ».

Đây là một vụ việc rất phức tạp. Sẽ còn phải chờ ít nhất 2 năm nữa Tòa Tư Pháp Châu Âu mới ra phán quyết về hồ sơ này.

Pháp: Nhà vô địch bóng đá thế giới bị rêu rao vì màu da

Đội tuyển bóng đá Pháp đăng quang ngôi vô địch thế giới là một sự thật hiển nhiên. Tuy vậy vài ngày qua, một số bài báo ở Đông Âu hay thậm chí cả ở nước Ý, cũng như một vài chương trình tấu hài trên truyền hình Mỹ và những bình luận trên mạng xã hội, lại khoét sâu vào khía cạnh thành phần cầu thủ gốc châu Phi của đội tuyển Pháp.

Bởi vậy mà báo chí Pháp đã phải lên tiếng. Tiêu biểu là L’Equipe, tờ nhật báo thể thao lớn nhất của Pháp ra sáng nay đã nêu ra nhiều thí dụ về những lời đàm tiếu thiếu thiện chí có phần ganh tị. Trong đó, đặc biệt có một twitter đăng ảnh gắn cho mỗi cầu thủ tuyển Pháp một lá cờ của quê gốc của họ.

Ngay lập tức đã có nhiều phản ứng phẫn nộ nhất là từ giới thể thao Pháp. Nhiều cầu thủ bóng rổ Pháp đang sống ở Mỹ trong đó có Nicolas Batum, một trong số các sao của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA đã đăng trên trang cá nhân của anh một bình luận, được báo L’Equipe trích dẫn : « Đúng tôi có cha và họ Cameroun. Nhưng tất cả chúng tôi cùng chơi và chiến đấu cho nước Pháp vì chúng tôi sinh ra ở đó, chúng tôi đã lớn lên ở đó, đã học thể thao ở Pháp, đã tự hào vì quốc tịch Pháp ». Cầu thủ bóng rổ này kết luận : « Những người nói hoan hô châu Phi cho chiến thắng của đội tuyển Pháp, hãy biến đi ! ».

Rất nhiều tờ báo địa phương của Pháp đã lên tiếng đáp trả gay gắt luồng dư luận đầy hiềm tị như ở trên và khẳng định tinh thần yêu nước của người Pháp không có màu sắc nào hết, và rằng đội tuyển bóng đá Pháp, vừa có chiến thắng vinh quang vì những thành viên trong đội đã biết đoàn kết làm nên sức mạnh của tập thể.

Nhân chuyện này, cũng nên nhắc lại một phát biểu xác đáng và thâm thúy của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông đang tham gia sự kiện kỷ niệm Nelson Mandela, tại Nam Phi hồi đầu tuần. Ông Obama nói: « Một xã hội được xây dựng trên mọi tài năng và năng lực. Quý vị nghi ngờ chăng ? Hãy hỏi đội tuyển Pháp. Những chàng trai đó không giống những người Gaulois, vậy nhưng họ là người Pháp ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.